Làm giàu từ những vườn cà phê canh tác khoa học

Trần Đăng Lâm - Thứ Hai, 11/11/2024 , 08:00 (GMT+7)

Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhiều chủ vườn cà phê là người BahNar, J’rai ở Gia Lai đã có thu nhập cao, kinh tế gia đình khá giả.

Nhờ canh tác khoa học nên vườn cà phê của gia đình ông Amyơm quả luôn trĩu cành. Ảnh: ĐL. 

Hành trình hướng đến vườn cà phê 5ha

Sở hữu 5ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964, dân tộc BahNar ở làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích, nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình ông Amyơm đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả, thậm chí là gánh chịu thất bại. Không hề nản chí trước thất bại, ông Amyơm mạnh dạn bỏ tiền túi, lặn lội đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cà phê theo hướng thâm canh hữu cơ bền vững.

Năm 1998, ông bắt đầu trồng 700 cây cà phê trên diện tích đất bố mẹ chia cho. Hồi đó, bao nhiêu tiền làm thuê của 2 vợ chồng đều dùng để mua phân bón chăm sóc vườn cây. Mãi đến 4 năm sau, khi cà phê cho thu hoạch, vợ chồng ông mới có tích lũy từ bán sản phẩm.

“Hằng năm, ngoài chăm sóc 7 sào cà phê của gia đình, vợ chồng tôi còn làm thuê cho các hộ trồng cà phê trong vùng. Tôi chọn làm thuê cho những vườn cà phê mà chủ vườn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào việc canh tác vườn cây, do đó ngoài việc có thêm thu nhập, tôi còn học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cà phê bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây”, ông Amyơm bộc bạch.

Khi có tiền tích góp từ bán cà phê, ông lại mua thêm đất để mở rộng vườn cây. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu vườn cà phê rộng 5ha, tất cả đều được canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.

Từ năm 2015 đến 2019, cả 5ha cà phê đều cho thu hoạch đại trà. Năm 2023, ông thu được 19,5 tấn cà phê nhân. Năm nay, dự kiến sẽ cho thu cao hơn vì vườn cây phát triển rất tốt, quả bám trĩu cành. Theo tính toán của ông thì “mỗi năm, chỉ cần thu được 15- 17 tấn cà phê nhân, trừ mọi chi phí cũng lãi được hàng trăm triệu đồng”, ông Amyơm chia sẻ.

Canh tác khoa học

Sau nhiều năm trồng cà phê, và với việc thường xuyên được các tổ chức như ngành nông nghiệp, doanh nghiệp làm cà phê khuyến cáo và hướng dẫn, ông Amyơm rút ra bài học rằng, canh tác vườn cà phê bằng việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật sẽ giúp vườn cây phát triển tốt, cây khỏe và bền vững, quả sai và đều... Theo đó, ông áp dụng triệt để những kinh nghiệm có được, những kiến thức được trang bị vào vườn cây như tái canh luân phiên, tưới tiết kiệm nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ...

Đưa trí thức vào vườn cây luôn là tiêu chí hàng đầu của ông Amyơm trong canh tác cà phê bền vững. Ảnh: ĐL. 

Từ năm 2019, ông Amyơm bắt đầu tái canh vườn cà phê. Ông không phá bỏ vườn cũ để tái canh đồng loạt, mà chỉ chọn bỏ những cây cà phê già cỗi, kém hiệu quả để thay thế bằng cây mới. Quá trình tái canh, ông thực hiện nghiêm những khuyến cáo như cải tạo đất đúng quy trình, chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ... Theo đó, diện tích cà phê tái canh của ông phát triển rất tốt. Với diện tích tái canh từ những năm 2019 - 2020 đến nay đã cho thu hoạch, quả sai trĩu cành. Theo ông thì vườn cà phê tái canh này, năm nay sẽ cho năng suất rất cao vì được chăm sóc bài bản nên quả ra nhiều, quả đều và căng mọng.

“Mỗi năm, tôi chỉ tái canh khoảng 300 - 400 cây cà phê. Bên cạnh đó, vườn cà phê cũng được chăm sóc bài bản và khoa học nên cây phát triển rất tốt. Từ năm 2019 đến nay, vườn cà phê đều duy trì sản lượng gần 17 tấn nhân/năm. Riêng diện tích cà phê tái canh đạt năng suất 4,5 tấn nhân/ha”, ông Amyơm tự tin nói.

Nói về việc bón phân, với kinh nghiệm của mình, mỗi lần trồng hay bón phân cho cây cà phê, ông đều rải thêm vôi bột vào hố và gốc cây để hạn chế bệnh gây hại, nhất là bệnh rệp sáp tấn công cây cà phê. Bên cạnh đó, mỗi năm, ông ủ thêm 100 bao phân bò trộn với vỏ cà phê để bón cho vườn cây. Sau đó, ông bón thêm phân NPK cho cà phê đậu hạt chắc. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt và cho năng suất cao.

Bên cạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ, vườn cây của gia đình ông hoàn toàn được trang bị hệ thống tưới tiết kiệm kèm bón phân tự động theo đường ống nước. Do vậy, ngoài việc tiết kiệm được lượng nước, tiết kiểm phân, ông cũng khá nhàn nhã bởi không phải kéo ống nước đi khắp vườn để tưới.

Ngoài thu nhập từ cà phê, những năm gần đây, ông Amyơm còn có nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm từ 150 cây sầu riêng và 1ha lúa nước.

Cùng nhau làm giàu

Ông Amyên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dơk Rơng (xã Glar) cho biết, ông Amyơm là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đặc biệt ông luôn học hỏi kinh nghiệm, canh tác vườn cây rất khoa học, bài bản. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Đặc biệt, với những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, ông thường xuyên giúp đỡ bằng hình thức cho mượn vốn đầu tư trồng, chăm sóc cà phê. Bên cạnh việc giúp đỡ về vốn, ông Amyơm cũng rất nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê. Với nhưng hộ trồng cà phê còn thiếu kinh nghiệm hoặc nhưng hộ trẻ tuổi, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn cách canh tác cà phê khoa học, mang lại hiệu quả cao.

Ông Amyơm luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc cà phê bền vững. Ảnh: ĐL. 

Mới đây, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đóng góp kinh phí, ông còn hiến gần 500m2 đất để mở 3 tuyến đường nội đồng đi vào khu sản xuất. “Mình hiến đất để nhà nước mở đường là việc làm có lợi cho mình, cho bà con bởi có đường tốt thì dễ vận chuyển phân bón đến vườn cây, đến mùa thu hoạch thì chở sản phẩm về nhà”, ông Amyơm chia sẻ.

Bà Nhêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar cho biết: “Ông Amyơm là gương điển hình của xã trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Hiện nay, ông là người sản xuất cà phê giỏi nhất xã. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên giúp đỡ hội viên về vốn vay, kinh nghiệm trồng cà phê nên nhiều lần được Hội Nông dân các cấp khen thưởng”. Mới đây, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2024.

Không chỉ dừng lại ở 5ha cà phê, ông Amyơm vẫn còn có những dự định của mình: “Khi thấy cà phê mỗi năm cho năng suất ngày một tăng, tôi càng mê làm giàu từ loại cây trồng này. Hiện tôi đang tìm mua thêm đất để mở rộng diện tích và sẽ trồng bằng các giống cà phê kháng bệnh tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt tôi vẫn sẽ trung thành với cách chăm sóc vườn cà phê bằng việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến để tăng thêm thu nhập trong những năm tới”.

Số cà phê thu hoạch năm 2023, ông Amyơm không vội bán bởi theo ông, giá cà phê sẽ tăng vào năm 2024. Trong đợt tăng giá mới đây, ông bán toàn bộ số cà phê thu hoạch từ năm 2023, thu về 2,2 tỷ đồng, lãi ròng 1,8 tỷ đồng.

Trần Đăng Lâm
Tin khác
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp phải tăng khả năng hấp thụ carbon lên 185 triệu tấn CO2e, trong khi tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định.

Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu
Bất ngờ chuyện nuôi ốc hương thành công ở Bạc Liêu

Anh Ðinh Vũ Hải (49 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bắt đầu chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao sang nuôi ốc hương biển, thu hơn tỷ đồng mỗi năm.

Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg
Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg

Cần Thơ Một nông dân xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) phát triển cây na sầu riêng mới lạ, trái nặng đến 3kg, giá cao, nông dân thu ‘trái ngọt’ trên vùng lúa kém hiệu quả.

Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70
Thương hiệu nhãn Ido Đồng Tâm của lão nông U70

Cần Thơ Hợp tác xã nhãn Ido Đồng Tâm ở TP Cần Thơ đang sản xuất nhãn theo hướng VietGAP, nhằm tạo dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc
Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa xây dựng thương hiệu trà lá ổi túi lọc

Đồng Tháp Với hương vị thơm dịu, thanh mát và có công dụng tốt cho sức khỏe, sản phẩm trà lá ổi túi lọc của anh Phan Hồi Hương đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay
Học IPM, nông dân Quảng Ninh sản xuất giỏi, múa hát hay

Bằng lời ca, tiếng hát, nông dân phường Kim Sơn (TP Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã lan tỏa kiến thức, bài học từ chương trình IPM, giúp nâng cao chất lượng đồng ruộng.

Trồng quế đa dạng sinh học tăng năng suất, thu nhập
Trồng quế đa dạng sinh học tăng năng suất, thu nhập

So với trồng quế độc canh, thâm canh trồng quế đa dạng sinh học cho thu nhập cao hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững và các quy định quốc tế.

Làm giàu từ trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao
Làm giàu từ trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao

Hải Phòng Thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất từ hỗ trợ của Nhà nước để trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao giúp ông Đào Quang Trịnh gặt hái nhiều thành công.

Đào tạo nghề cần khảo sát nhu cầu từng địa phương
Đào tạo nghề cần khảo sát nhu cầu từng địa phương

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng ngày càng trở nên cấp thiết trước tốc độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đó là quan niệm của doanh nhân Nguyễn Văn Hiển.

Đào tạo nghề không thể đưa lý thuyết suông cho nông dân
Đào tạo nghề không thể đưa lý thuyết suông cho nông dân

Đào tạo nghề cho nông dân, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lương Minh Cừ, phải đạt được hai tiêu chí thiết thực và hiệu quả, chứ không thể chạy theo phong trào.