Sau hai năm thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, có thể nhận thấy rõ, không gian hoạt động khuyến nông đã được mở ra rộng hơn và đạt được những kết quả ngoài mong đợi, vượt ra khỏi phạm vi của một đề án.
Tại 13 tỉnh ở 5 vùng nguyên liệu tham gia Đề án đã tổ chức xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm với 156 thành viên, cùng với đó là 1.071 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với 9.622 thành viên. Đặc biệt, từ thành công ở các mô hình ở 13 tỉnh tham gia Đề án, đã có thêm 44 địa phương trên cả nước xây dựng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng với tổng số 4.070 tổ, 37.394 thành viên. Trong đó, có một số tỉnh, thành đã thành lập số lượng lớn các tổ khuyến nông cộng đồng như Hải Phòng (139 tổ), Cao Bằng (134 tổ), Thái Nguyên (121 tổ), Yên Bái (150 tổ), Hà Tĩnh (160 tổ), Quảng Nam (826 tổ)…
Qua thực tiễn, có thể khẳng định, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả đã tập hợp được sự tham gia của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, đem lại thu nhập cho các thành viên và dần trở thành lực lượng chính góp phần quan trọng tri thức hóa nông dân.
Thành tựu đó dù mới chỉ bước đầu nhưng có thể xem là một cuộc cách mạng, bởi thời điểm ra đời của Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” gặp bối cảnh muôn vàn khó khăn. Đó là thực tiễn hệ thống khuyến nông ở nhiều địa phương bị “đứt gãy”, suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững. Công tác khuyến nông ở một số nơi còn nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc,... Năng lực cán bộ khuyến nông ở nhiều nơi còn hạn chế, đặc biệt thiếu các kiến thức, kỹ năng mềm như quản lý, quản trị, kinh tế, chuyển đổi số, marketing,...
Thực trạng đòi hỏi công tác khuyến nông cần phải kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở. Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” ra đời là hết sức cần thiết, nhằm củng cố hệ thống khuyến nông bền vững, góp phần phục vụ tốt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Với tư duy đa dạng hoạt động khuyến nông theo cách tiếp cận dịch vụ, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác khuyến nông cơ sở, đặc biệt là cấp xã, lấy hợp tác xã nông nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, hoạt động khuyến nông bám vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã, thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số. Đa dạng các loại hình hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ, ưu tiên phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng ra đời trên cơ sở các thành viên tham gia chủ yếu là lãnh đạo xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đại diện doanh nghiệp… Sau khi đi vào hoạt động, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã nhanh chóng khẳng định được hiệu quả. Toàn bộ 13 tỉnh vùng dự án đã nhận thức được sự cần thiết phải củng cố, hoàn thiện hệ thống khuyến nông cơ sở trên cơ sở kiện toàn các tổ chức đã có như tổ kinh tế xã hội, tổ nhóm nông dân, câu lạc bộ khuyến nông, hội quán..., trở thành tổ khuyến nông cộng đồng có sự quản lý của trung tâm khuyến nông cấp tỉnh.
Thành viên tổ khuyến nông cộng đồng là cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân thực hiện 14 dự án tại các vùng nguyên liệu trên cả nước, gồm: Lúa gạo (2 dự án với diện tích 500ha); cây ăn quả (6 dự án, 300ha); cà phê (3 dự án, 150ha); rừng gỗ lớn (3 dự án, 200ha).
Tại 57 tỉnh, thành có mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động đã nhận được sự đồng thuận cao của địa phương và bà con nông dân. Một số tỉnh sau khi thành lập đã sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để tăng cường năng lực cho khuyến nông cộng đồng, nhờ đó một số tổ khuyến nông cộng đồng bước đầu đã cung cấp dịch vụ khuyến nông và có thu nhập từ dịch vụ.
Song song với các hoạt động nâng cao năng lực, chủ trì các dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng cộng đồng…, hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng ngày càng tham gia sâu vào chuỗi liên kết. Điển hình, tại vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía Bắc đã kết nối với các doanh nghiệp như Doveco Sơn La, Công ty Bảo Lâm, Nafoods… tiêu thụ dứa, chanh leo và nhiều nông sản khác giúp bà con nông dân, hợp tác xã.
Tại vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười đã tư vấn thành lập các tổ hợp tác, tổ chức hội nghị liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tại Tây Nguyên, kết nối với Công ty Vĩnh Hiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê 4C, phối hợp Công ty Bình Điền triển khai chương trình canh tác cà phê thông minh. Tại vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn đã hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp...
Từ những thành tựu đã được khẳng định, trong giai đoạn 2024 - 2025, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng tại 15 tỉnh mở rộng, trong đó ưu tiên các tỉnh tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Bài học từ thực tiễn của 2 năm thực hiện đề án cho thấy, nơi nào có sự tham gia quyết liệt của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nơi đó càng đạt được nhiều thành tựu rõ nét.
Để hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng có nhiều đóng góp to lớn hơn vào sự nghiệp xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kỳ vọng sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng.
Điều này có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bởi lực lượng khuyến nông cộng đồng đang ngày một khẳng định vai trò chính, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chủ trương tri thức hóa nông dân.
Với đội ngũ khuyến nông nói chung, khuyến nông cộng đồng nói riêng, sẽ không ngừng nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, đáp ứng vai trò, trách nhiệm dẫn dắt cộng đồng, kết nối các thành phần xã hội tham gia vào hoạt động khuyến nông.
Mục tiêu lớn nhất chính là góp phần tri thức hóa nông dân, xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông thôn giàu có và đáng sống.