| Hotline: 0983.970.780

Báo Nông nghiệp Việt Nam - Cầu nối đưa tiến bộ khoa học đến ruộng đồng

Thứ Năm 20/06/2024 , 06:58 (GMT+7)

GS. TS Vũ Mạnh Hải, chuyên gia kỳ cựu về cây ăn quả miền Bắc, nói về Báo Nông nghiệp Việt Nam trong vai trò cầu nối, đưa tiến bộ khoa học đến ruộng đồng.

GS. TS Vũ Mạnh Hải (áo trắng) bên những gốc lê giống mới đang được nghiên cứu tại Phó Bảng, Hà Giang. Ảnh: NVCC.

GS. TS Vũ Mạnh Hải (áo trắng) bên những gốc lê giống mới đang được nghiên cứu tại Phó Bảng, Hà Giang. Ảnh: NVCC.

Trong những năm qua, một trong những chiến lược lớn của ngành nông nghiệp là tri thức hóa nông dân, đưa những tiến bộ của khoa học, công nghệ vào ruộng đồng. Để chiến lược này được triển khai đúng hướng, cần đến vai trò kết nối giữa các nhà khoa học với người nông dân của truyền thông.

Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - 21/6/2024, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn GS. TS Vũ Mạnh Hải, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về những suy nghĩ, trăn trở của ông đối với vấn đề nhà khoa học cùng truyền thông đưa kiến thức về với ruộng đồng, về với người nông dân.

TS Vũ Mạnh Hải cho rằng: "Việc truyền bá và phổ cập kiến thức thông qua sự kết hợp giữa các cơ quan nghiên cứu và truyền thông, trong đó có báo chí chuyên ngành như Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay được coi là một tất yếu và hết sức cần thiết".

Là chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực cây ăn quả, xin ông cho biết tầm quan trọng của việc chuyển tải những kiến thức khoa học, thành tựu nghiên cứu đến người nông dân, đặc biệt là trong sản xuất cây ăn quả ở miền Bắc?

Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, việc chuyển tải kiến thức tiên tiến và các thành tựu nghiên cứu khoa học cho người nông dân luôn được coi là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến năng suất và hiệu quả lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân và kinh tế của địa phương.

Với cây ăn quả, việc truyền bá kiến thức khoa học lại càng có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ cây ăn quả phần lớn thuộc nhóm cây lâu năm, các biện pháp kỹ thuật không chỉ tác động ở thời điểm hiện tại mà còn ảnh hưởng đến cả một chu kỳ sống của cây trồng trong thời gian dài.

Mặt khác, sản phẩm con người cần sử dụng là quả - kết quả của mối tương tác hài hòa và cân đối giữa hai quá trình sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực (còn gọi là quá trình phát triển) - nên yêu cầu về kỹ thuật áp dụng cũng phức tạp và khắt khe hơn so với các loại cây trồng thu hoạch từ các cơ quan dinh dưỡng như các loại rau ăn lá, một số cây công nghiệp: chè, cao su, mía đường…, cây lâm nghiệp lấy gỗ…

Điều này đòi hỏi người nông dân phải được trang bị những kiến thức cơ bản, tương đối chuyên sâu và thường xuyên được cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăm sóc và quản lý vườn quả, nhất là trong bối cảnh nguồn giống mới thường xuyên được bổ sung, sự biến đổi khí hậu đi kèm với dịch hại mới phát sinh đã và đang đặt ra nhiều thách thức khó lường.

Việc truyền bá và phổ cập kiến thức thông qua sự kết hợp giữa các cơ quan nghiên cứu và truyền thông, trong đó có báo chí chuyên ngành như Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh đó được coi là một tất yếu và hết sức cần thiết.

Cũng cần phải nói thêm rằng, sản xuất cây ăn quả của Việt Nam, dù đã gặt hái được một số thành tựu có tính đột phá rất đáng được ghi nhận trong những năm gần đây, vẫn còn khá non trẻ so với các cây trồng truyền thống khác như lúa gạo, chè, cà phê, cao su…, chưa phải là một nền sản xuất tiên tiến có trình độ cao và bền vững.

Người nông dân cần phải được truyền đạt và hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nhất là với các chủng loại cây ăn quả mới, các giống mới được du nhập vào Việt Nam qua các con đường khác nhau như chanh leo, hồng không chát, mắc ca, cây ăn quả ôn đới…

 
Người dân (cả với cán bộ nghiên cứu) có thể mang theo Báo Nông nghiệp Việt Nam bên mình, đọc đi, đọc lại như là một nguồn tài liệu tham khảo quý và rất hữu ích.

Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông, báo chí trong quá trình tri thức hóa nông dân, cùng các nhà khoa học đưa kiến thức, tiến bộ khoa học công nghệ đến với thực tiễn sản xuất?

 Truyền thông nói chung và báo chí nói riêng có đóng góp quan trọng trong quá trình truyền bá và chuyển giao các kiến thức chuyên môn, các tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất.

Các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông từ cấp quốc gia đến cơ sở muốn phổ biến và truyền đạt những kiến thức mới cho người dân đều phải cần đến sự vào cuộc mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo chí chuyên ngành, làm cầu nối gắn kết không thể thiếu giữa khoa học với sản xuất.

Thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác, tri thức khoa học và các kỹ thuật tiên tiến mới dễ được người sản xuất tiếp thu có hiệu quả và được phổ cập, lan rộng ra toàn cộng đồng.

Riêng với Báo Nông nghiệp Việt Nam, nông dân được coi là một trong những nhóm đối tượng chủ yếu với tính đặc thù cao, chức năng phổ cập và chuyển tải kiến thức khoa học kỹ thuật trong sự gắn kết hữu cơ với các nhà khoa học chuyên ngành lại càng trở nên quan trọng và vô cùng bức thiết.

Với đội ngũ phóng viên được đào tạo bài bản, nhiệt tình, lăn lộn và bám sát thực tế sản xuất, kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông từ Trung ương đến địa phương, Báo Nông nghiệp Việt Nam không chỉ chuyển tải nguồn thông tin cập nhật liên quan đến các giống và công nghệ mới, các điển hình về áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả mà còn có đóng góp rất đáng được ghi nhận trong lĩnh vực phổ biến và truyền đạt kiến thức đến người dân.

Những đánh giá và sự ghi nhận này không chỉ ở những người làm công tác nghiên cứu khoa học mà còn thể hiện ở đông đảo bà con nông dân ở các vùng trồng cây ăn quả chúng tôi có dịp tiếp xúc và làm việc.

Xin được nói thêm, Báo Nông nghiệp Việt Nam rất có lợi thế về tính phổ cập, có mặt ở mọi nơi, mọi địa phương. Người dân (cả với cán bộ nghiên cứu) có thể mang theo bên mình, đọc đi, đọc lại như là một nguồn tài liệu tham khảo quý và rất hữu ích.

GS. TS Vũ Mạnh Hải (bìa phải) tại mô hình trồng cam ứng dụng công nghệ cao ở Quỳ Hợp, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

GS. TS Vũ Mạnh Hải (bìa phải) tại mô hình trồng cam ứng dụng công nghệ cao ở Quỳ Hợp, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Là gương mặt quen thuộc từng xuất hiện nhiều trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, xin ông chia sẻ cảm nhận của mình đối với những thế hệ phóng viên của tờ báo ngành đã gắn bó, kết nối các nhà khoa học với bà con nông dân?

Như đã đề cập ở trên, Báo Nông nghiệp Việt Nam nói chung và các thế hệ phóng viên của tờ báo nói riêng đã rất cố gắng và chịu khó bám sát thực tế sản xuất của một đất nước nông nghiệp vốn rất giàu tiềm năng nhưng cũng đầy rẫy khó khăn và thách thức.

Các công việc này được thực hiện trong bối cảnh địa bàn rộng, đa dạng và tương đối phức tạp, hạ tầng giao thông còn chưa thật phát triển và đặc biệt sự biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra ngày càng khó lường.

Qua đó, báo đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có cây ăn quả với khá nhiều thành tựu trong những năm gần đây.

Các thế hệ phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn không quản ngại khó khăn, vất vả, có mặt ở mọi mặt trận nông nghiệp, phản ánh thực tiễn sản xuất và đời sống của người nông dân khắp mọi miền Tổ quốc một cách trung thực, không ngại va chạm, cả những vấn đề có tính nhạy cảm đang còn có ý kiến trái chiều nhau.

Là một cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học với sự cộng tác trong một khoảng thời gian không ngắn, tôi đánh giá cao lòng nhiệt tình của đội ngũ phóng viên qua các thời kỳ và coi đây như là một dấu ấn mang tính truyền thống của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

 
Lựa chọn chủng loại và giống cây ăn quả không phù hợp là gánh nặng cho cả một khoảng thời gian dài trong tương lai.

Xét về quy mô rộng hơn, theo ông, hiện nay đâu là vấn đề cấp thiết nhất trong lĩnh vực cây ăn quả ở khu vực miền Bắc mà truyền thông, cụ thể là Báo Nông nghiệp Việt Nam cần vào cuộc để đưa những kiến thức mới, hướng dẫn người nông dân canh tác đúng cách, nâng cao hiệu quả và phát triển kinh tế?

Nói riêng trong phạm vi miền Bắc, hai vấn đề chủ yếu sau đây được coi là có tính cấp thiết cao trong việc phổ cập kiến thức cho người trông cây ăn quả hiện nay.

Thứ nhất, cần phải làm cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc chọn đối tượng cây ăn quả để sản xuất, liên quan đến công tác chúng ta vẫn thường gọi là quy hoạch vùng trồng.

Thực tế, cả trong quá khứ và hiện tại, dễ nhận thấy là không ít nơi và không ít người dân có xu hướng lựa chọn đối tượng trồng trọt (cả về chủng loại và giống) theo phong trào, phát triển một cách ồ ạt mà thiếu đi sự cân nhắc về lợi thế so sánh, cả trên ý nghĩa của sự phù hợp với điều kiện sinh thái, điều kiện xã hội và tính ổn định của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Với tính chất của nhóm cây trồng lâu năm như đã đề cập trong phần trước, việc lựa chọn chủng loại và giống cây ăn quả không phù hợp sẽ dễ gây hậu quả không chỉ với hiện tại mà còn là gánh nặng cho cả một khoảng thời gian dài trong tương lai.

Thứ hai là kiên trì và lựa chọn phương pháp phù hợp trong việc phổ cập và truyền đạt các công nghệ tiên tiến, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả, trước hết và trên hết là kỹ thuật quản lý vườn quả cho nông dân ở các vùng trồng khác nhau.

Xét trên tổng thể, trình độ canh tác, sự tuân thủ công nghệ sản xuất cây ăn quả tiên tiến của nông dân chưa thật triệt để và chưa đồng đều, đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc, nơi có tiềm năng về quỹ đất và lao động tương đối dồi dào, người dân chăm sóc và quản lý vườn quả vẫn chủ yếu nặng về kinh nghiệm.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành, đội ngũ làm công tác khuyến nông từ Trung ương đến địa phương, Báo Nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục vào cuộc, tổ chức các tọa đàm trên báo với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý doanh nghiệp, người sản xuất như đã từng làm rất có hiệu quả trên một số cây ăn quả trọng điểm của quốc gia như cây có múi, cây dứa, cây thanh long…

Thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác, tri thức khoa học và các kỹ thuật tiên tiến mới dễ được người sản xuất tiếp thu có hiệu quả và được phổ cập, lan rộng ra toàn cộng đồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác, tri thức khoa học và các kỹ thuật tiên tiến mới dễ được người sản xuất tiếp thu có hiệu quả và được phổ cập, lan rộng ra toàn cộng đồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Xin cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của ông. Vậy trong tương lai, với lượng kiến thức của mình, ông kỳ vọng thế nào về việc cùng với hệ thống truyền thông, báo chí để đẩy mạnh công tác tri thức hóa nông dân, đưa những kiến thức khoa học vào đồng ruộng?

Tôi có niềm tin vững chắc vào sự đóng góp quan trọng của hệ thống truyền thông nói chung và báo chí nói riêng trong lĩnh vực phổ cập kiến thức khoa học đến người nông dân Việt Nam trong tương lai và mãi mãi.

Điều này hoàn toàn có cơ sở khi mà trong quá khứ, khi nền nông nghiệp nước ta còn chưa thực sự phát triển, sự đóng góp của sản xuất cây ăn quả cho nền kinh tế quốc dân còn khá khiêm tốn, báo chí nói chung và Báo Nông nghiệp Việt Nam nói riêng đã luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ các nhà khoa học.

Các thế hệ của báo đã không ngại khó khăn, gian khổ, bám sát thực tế, từng bước phổ cập và nâng cao kiến thực cho người dân, góp phần tạo nên sự đột phá rất đáng được ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.