Hết việc chứ không chờ hết giờ
Chiều muộn ngày thứ Sáu cuối tháng 7, trời liên tục đổ mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2, khiến con đường về huyện biên giới Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) khó khăn hơn. Tôi ghé trụ sở làm việc UBDN xã Vĩnh Điều đúng lúc tổ khuyến nông cộng đồng xã đang họp nhanh để phân công công việc cho các thành viên. Buổi họp chiều nay không có đủ tất cả các thành viên, do nhiều người đang dở việc ngoài đồng.
Vĩnh Điều là xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, có địa bàn khá rộng, diện tích trên 10.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 9.350ha, làm được lúa 3 vụ/năm. Ngoài cây lúa, trên địa bàn xã bà con nông dân còn phát triển các mô hình sản xuất rau màu, chăn nuôi, nuôi thủy sản nước ngọt.
Tổ khuyến nông cộng đồng là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, giúp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân.
Anh Đặng Mạnh Hùng, tổ trưởng tổ khuyến nông cộng đồng xã Vĩnh Điều chia sẻ, ngoài phát triển mô hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, lực lượng khuyến nông còn làm nhiều công việc khác giúp phát triển kinh tế - xã hội của xã, nên mỗi người làm việc bằng ba mới có thể giải quyết hết được.
Huyện Giang Thành là 1 trong 2 huyện của tỉnh Kiên Giang thực hiện Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2023 theo Quyết định của Bộ NN-PNTN. Huyện đã chọn Vĩnh Điều tham gia đề án vì năm 2022 xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, có rất nhiều việc phải thực hiện, nhất là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Phước Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã, tổ phó tổ khuyến nông cộng đồng xã Vĩnh Điều cho biết, ngoài nòng cốt là lực lượng khuyến nông, cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật, tổ khuyến nông cộng đồng còn được cơ cấu thành viên là lãnh đạo xã phụ trách sản xuất, công chức địa chính - nông nghiệp, cán bộ quản lý của hợp tác xã nông nghiệp. Do đó, tổ khuyến nông cộng đồng không chỉ hỗ trợ về chuyên môn như tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, xây dựng các hợp tác xã, tư vấn về thị trường, làm cầu nối liên kết tiêu thụ nông sản.
Là cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật, khi xã Vĩnh Điều thực hiện thí điểm mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, chị Nguyễn Thị Thùy Dung được cơ cấu trở thành thành viên. Chị Thùy Dung cho biết, bản thân học chuyên ngành thủy sản tại Đại học Cần Thơ và đã từng làm việc cho doanh nghiệp hơn 2 năm nhưng yêu thích công việc của người khuyến nông viên nên khi có đợt tuyển dụng đã xin vào làm. Nhà xa, từ huyện Kiên Lương qua Giang Thành làm việc nên cuối tuần chị Dung mới về.
Làm công việc khuyến nông cơ sở ở một xã có địa bàn rất rộng, thường phải đi xe máy luồn lách theo các tuyến đường nội đồng khá vất vả nhưng chị Dung vẫn tươi cười bảo “công việc đem lại cho mình nhiều niềm vui, nhất là khi các mô hình thực hiện thành công, nông dân trúng mùa được giá”.
Phát triển kinh tế nông nghiệp
Qua 2 năm thực hiện thí điểm đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, phát triển sản xuất ở xã Vĩnh Điều đã có những chuyển biến rất tích cực, hình thành tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo tổ trưởng Đặng Mạnh Hùng, 2 năm qua, hoạt động của tổ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đã tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân, hợp tác xã về các kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), kỹ thuật bón phân “không ngày, không số”, đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất. Tư vấn cho cho nông dân, hợp tác xã về xây dựng các vùng trồng lúa áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn SRP để liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng thời tư vấn cho các tổ chức nông dân về thị trường liên kết tiêu thụ với 750 lượt thành viên. Thành viên tổ khuyến nông cộng đồng phối hợp với nông dân, các hợp tác xã thường xuyên tổ chức thăm đồng, thông báo tình hình dịch hại, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thông tin về giá cả thị trường nông sản…
Tổ khuyến nông cộng đồng xã Vĩnh Điều đã phối hợp với Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới được 6 hợp tác xã với 108 thành viên. Phối hợp UBND xã triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ông Cao Thưởng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Giang Thành cho biết, trạm đã xác định mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là một trong những điểm đổi mới quan trọng của hoạt động khuyến nông trong giai đoạn hiện nay. Đây là mô hình thí điểm cơ cấu lại tổ chức khuyến nông gắn với địa bàn các xã, đa dạng hóa hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả là nền tảng kết nối giữa nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững.
Tổ khuyến nông cộng đồng đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở. Mặt khác, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã thực hiện tốt nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại các địa bàn theo 4 nhóm hoạt động như tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tư vấn hỗ trợ hình thành hợp tác nông nghiệp, phát triển thị trường, liên kết sản xuất và tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các hợp tác xã.
Theo đó, các tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn huyện Giang Thành đã phối hợp với các công ty, tập đoàn tham vấn trực tiếp cho nông dân, lựa chọn vùng nguyên liệu để ký kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện. Riêng trong năm 2023, đã hỗ trợ thực hiện các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm lúa trong hợp tác xã được gần 13.000ha (nhiều vụ).
Khuyến nông cộng đồng cùng với Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Giang Thành đã tổ chức 7 cuộc tập huấn về nội dung cấp và quản lý mã số vùng trồng nông sản phục vụ xuất khẩu tại nhiều địa phương. Năm 2023, huyện Giang Thành cấp được 38 mã số vùng trồng, trong đó có 2 mã số vùng trồng trên lúa - tôm và 36 mã số vùng trồng trên đất chuyên lúa.