| Hotline: 0983.970.780

Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động sôi nổi, hiệu quả

Thứ Năm 27/06/2024 , 08:06 (GMT+7)

BẾN TRE Bến Tre thành lập 115 tổ khuyến nông cộng đồng với khoảng 800 thành viên, hoạt động sôi nổi và phát huy vai trò là cánh tay nối dài của hệ thống ngành nông nghiệp.

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã tham mưu Sở NN-PTNT hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí này.

Một buổi sinh hoạt chuyển giao kỹ thuật của tổ KNCĐ Tân Phú (huyện Châu Thành) với nông dân trồng sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Một buổi sinh hoạt chuyển giao kỹ thuật của tổ KNCĐ Tân Phú (huyện Châu Thành) với nông dân trồng sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập khoảng 115/140 tổ KNCĐ với khoảng 800 thành viên tham gia. Trong đó, xây dựng 11 mô hình điểm tại 7 huyện (trừ Bình Đại), mỗi huyện từ 1 - 2 tổ KNCĐ để làm cơ sở nhân rộng cho các xã còn lại.

Phòng Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp Bến Tre) phối hợp với Trạm Khuyến nông các khu vực lựa chọn và định hướng cho các tổ KNCĐ tập trung các hoạt động cho sản phẩm phù hợp với cây trồng tại địa phương cũng như kỹ năng tư vấn sản phẩm. Ngoài ra, còn tập huấn về xây dựng mã số vùng trồng và liên kết với một số doanh nghiệp.

Hiện Bến Tre đã có một số tổ KNCĐ hoạt động nổi bật và rất hiệu quả như Tân Thiềng, Phú Phụng (huyện Chợ Lách); xã An Hiệp, Tân Phú (huyện Châu Thành); xã An Thuận (huyện Thạnh Phú).

Các tổ KNCĐ đã liên kết được với doanh nghiệp đầu vào mua phân bón, thuốc BVTV. Các tổ Tân Phú, Quới Thành, An Hiệp tăng cường tư vấn, hỗ trợ người dân các dịch vụ tỉa cành tạo tán trên một số loại cây ăn trái, giải pháp chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn...

Bên cạnh đó, nhiều tổ đã phối hợp tiêu thụ trái cây, hỗ trợ nông dân phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn, liên kết chuỗi giá trị, nhất là chuỗi giá trị dừa hữu cơ và đang hướng đến chuỗi dừa tươi. Ngoài ra, các tổ còn kết nối với các ngân hàng để triển khai chính sách tín dụng cho bà con trong quá trình sản xuất với lãi suất thấp.

Cán bộ tổ KNCĐ Tân Phú đo pH đất trên vườn sầu riêng của nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Cán bộ tổ KNCĐ Tân Phú đo pH đất trên vườn sầu riêng của nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Phú Phụng (huyện Chợ Lách) là xã nông nghiệp, có cây ăn trái chủ lực là chôm chôm. Năm 2023, Tổ KNCĐ Phú Phụng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông khu vực Chợ Lách – Mỏ Cày Bắc thực hiện 3 lớp tập huấn cho 150 nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng chống hạn mặn cho cây trồng và vật nuôi.

Ngoài ra, Tổ KNCĐ Phú Phụng đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tiêu biểu như Công ty Nông nghiệp Thái Thị tư vấn, hỗ trợ 100% kinh phí cho 10 hộ thực hiện mô hình cải tạo đất và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng do mặn của các hộ nuôi lươn thải ra bên ngoài với kinh phí 70 triệu đồng; bán giá ưu đãi cho nông dân hơn 20 tấn phân hữu cơ và 100 xô đạm cá (20 lít/xô) với kinh phí 240 triệu.

Không dừng lại ở việc tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ KNCĐ Phú Phụng còn phối hợp với Hội Nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vận động nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cho cây chôm chôm và sầu riêng.

Theo đó, chỉ trong năm 2023 và quý I/2024, đã xây dựng được 2 vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 72,6ha của 139 hộ; 4 mã số vùng trồng chôm chôm với diện tích 47ha của 104 hộ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung quốc, Newzealand… Tổ cũng liên kết với hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đến nay đã thu mua hơn 20 tấn sầu riêng và 10 tấn chôm chôm.

Tổ KNCĐ hướng dẫn ủ phân hữu cơ cho bà con nông dân ở huyện Giồng Trôm. Ảnh: Trí Nhân.

Tổ KNCĐ hướng dẫn ủ phân hữu cơ cho bà con nông dân ở huyện Giồng Trôm. Ảnh: Trí Nhân.

Theo ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre, tổ KNCĐ được xem là cánh tay nối dài của hệ thống khuyến nông để truyền tải thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất.

Thời gian qua, tổ KNCĐ đã phát huy vai trò đầu mối trong tổ chức tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, liên kết thực hiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của các xã, giúp các tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, do mới được thành lập và đi vào hoạt động nên các tổ KNCĐ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động, chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ: Liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo "nông dân số" và nhiệm vụ chính trị khác. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ KNCĐ, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Để tổ KNCĐ phát triển mạnh và bền vững trong thời gian tới, yếu tố quan trọng nhất là cần có chế độ phù hợp cho lực lượng tham gia. Thành viên tổ cần có tâm huyết, kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm, có kỹ năng hoạt động. Nhóm, tổ cần có sự đồng ngôn, đồng thuận và đồng hành trong các công việc của địa phương, cần được đào tạo các quy trình công việc, kỹ năng cơ bản như tư vấn, quảng bá, kết nối, công nghệ, kinh tế, kế hoạch.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT thôn tỉnh Bến Tre: Hướng tới cần tiếp tục phát huy hiệu quả các tổ KNCĐ, đồng thời phát triển thêm tại các xã còn lại trong tỉnh, cần thiết có thể mỗi xã thành lập 2 tổ. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.