Khuyến nông cộng đồng - Cầu nối tri thức

‘3 đầu 6 tay’ cũng chẳng hết việc để làm

Võ Dũng - Thứ Tư, 24/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Sản xuất cây giống, cùng dân trồng rừng bền vững, chịu trách nhiệm đầu ra giá cao hơn thị trường. Đó là câu chuyện tại tổ khuyến nông cộng đồng xã Cam Nghĩa.

Giám đốc đi rừng, mất sóng

Anh Lê Phúc Nhật (phải), nhân viên khuyến nông cộng đồng xã Cam Nghĩa trong 1 lần đi rừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chúng tôi có chút hiểu nhầm khi nhiều lần liên lạc qua điện thoại với anh Lê Phúc Nhật, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp Bền vững Keo Sơn nhưng bất thành. Ông Lê Hữu Phương, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) giải thích, anh Nhật đi rừng thường xuyên, nhiều nơi không có sóng điện thoại.

Phải đến hơn 12 giờ trưa, điện thoại anh Nhật mới đổ chuông. Câu đầu tiên, anh xin lỗi đã lỡ hẹn vì có việc đột xuất. Đối tác mua gỗ yêu cầu định vị lại lô rừng sắp xuất bán nên anh và các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) xã, thành viên HTX phải vào rừng từ rất sớm. Đối tác làm chặt chẽ nên tổ KNCĐ phải cẩn trọng tránh để nông dân thiệt thòi.

Bài liên quan

Ở Cam Nghĩa, ra ngõ là gặp rừng (chủ yếu là gỗ keo). Những ngôi nhà nằm sát bìa rừng. Những đồi keo trải dài tít tắp. Không chỉ ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Trị, tại Cam Nghĩa cũng có nhiều điểm sóng điện thoại yếu, vào rừng gần như là tách biệt với thế giới bên ngoài. Giao tất tần tật việc ở nhà, ở vườn ươm cho thành viên HTX và một số thành viên tổ KNCĐ, anh Nhật quyết lấy thêm bằng được 10 - 15% giá trị gỗ về tay người trồng rừng.

Anh Nhật chia sẻ thêm, trước đây, người dân quan niệm, đất không thể trồng được cây gì nữa thì trồng keo. Cây keo thả xuống bất cứ chỗ nào ở vùng đất này đều có thể sống và phát triển, 4 - 5 năm sau thì cắt bán, mỗi ha cũng được khoảng dăm bảy chục triệu đồng.

“Nhưng giờ thì khác!”, anh Nhật quả quyết.

Kể từ khi nông dân Cam Nghĩa chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, trồng rừng FSC thì câu chuyện giá trị rừng trồng hoàn toàn khác. Hai năm sau khi thành lập tổ KNCĐ đồng, anh Nhật đã cùng với nhiều thành viên của tổ tích cực vận động người dân trồng rừng bền vững, có liên kết. Có những lô rừng trồng được 4 - 5 năm, người dân toan thu hoạch thì anh Nhật thuyết phục để thêm vài năm nữa hẵng bán. Giá trị rừng keo vì thế có thể tăng lên gần gấp đôi, không mất thêm nguồn giống trong khi chỉ mất thêm 1 nửa chu kỳ trồng. Câu chuyện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp nhiều nơi đứt gãy nhưng với người trồng rừng xã Cam Nghĩa thì điều đó không xẩy ra. Nhiều người nói, công lao anh Nhật không nhỏ.

Từng có quan niệm, đất không trồng được gì thì... trồng keo. Ảnh: Võ Dũng.

“Quan trọng là thay đổi tư duy của người trồng rừng. Thực ra, tôi đã làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp thu mua gỗ từ nhiều năm nay nên khi người dân bán rừng thì vẫn thường đến gặp tôi. Người trồng rừng cần tiền tại thời điểm bán, đương nhiên khó lay chuyển. Nhưng nếu họ bán vì nghĩ rằng đã đến chu kỳ khai thác, mình giải thích cặn kẽ về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC thì họ nghe liền. Trước nay, tôi chỉ sản xuất cây giống, tìm đầu ra cho gỗ nguyên liệu nhưng nay thêm nghề “giải thích” với tư cách của một thành viên tổ KNCĐ, nghĩ là đem lại lợi ích chung cho cộng đồng nên không nề hà khó khăn gì”, anh Nhật chia sẻ.

Một mình mặc nhiều áo

Anh Lê Phúc Nhật là Giám đốc HTX Lâm nghiệp Bền vững Keo Sơn. Khi xã Cam Nghĩa thành lập tổ KNCĐ, anh Nhật là người đầu tiên được lựa chọn. Cũng từ đó, anh trở thành thành viên tích cực của Tổ KNCĐ xã Cam Nghĩa. Một mình nhiều vai, câu chuyện sắp xếp công việc sao cho vai nào cũng tròn trách nhiệm được anh Nhật chia sẻ.

Vừa là người trồng rừng, sản xuất cây giống, thành viên tổ KNCĐ, giám đốc HTX…, anh sắp xếp thế nào để công việc trôi chảy và có thời gian dành cho gia đình? Chúng tôi hỏi.

“Ở mỗi vị trí công việc tôi đều giao cho 1 người phụ trách. Mình chỉ nắm tổng thể chứ cũng không phải 3 đầu 6 tay để nắm cặn kẽ từng việc một. Tổ KNCĐ xã Cam Nghĩa từ khi thành lập đến nay hoạt động rất hiệu quả. Nếu biết lồng ghép trong tất cả các cuộc làm việc, tiếp xúc với nông dân, chẳng hết việc để làm”, anh Nhật chia sẻ.

Anh Lê Phúc Nhật (bên phải) trong vai nhân viên Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Cam Nghĩa. Ảnh: Võ Dũng.

Nhưng nhiệm vụ tuyên truyền người dân trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC và đi vào rừng thì đích thân anh Nhật phải tự làm. Nói thế để thấy, sắp xếp công việc là một chuyện nhưng đi vào thực tế, không phải công việc cũng có thể nhờ người khác làm thay mình.

“Có thời gian, anh Nhật vắng mặt tại vườn ươm cả tuần, điện thoại không liên lạc được. Việc xác định vị trí lô khoảnh khai thác, đối với đối tác là rất quan trọng nên anh Nhật phải trực tiếp đi làm, không thể giao cho ai khác được. Những lúc đó, anh Nhật giao việc vườn ươm cho tôi phụ trách”, ông Đoạn Văn Phú, Chi hội trưởng Chi hội Trồng rừng bền vững thôn Cam Lộ phường giải thích thêm.

Theo anh Nhật, HTX và tổ KNCĐ có những điểm giao thoa nhất định về công việc. Nhiều thành viên HTX cũng là thành viên của tổ KNCĐ. KNCĐ không chỉ là nói, là giải thích, là tuyên truyền chủ trương, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà còn phải xắn tay vào làm cùng nông dân. Chỉ có như thế, KNCĐ mới hoạt động tốt và đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Anh Lê Phúc Nhật (trái) cũng là Giám đốc HTX Lâm nghiệp Bền vững Keo Sơn. Ảnh: Võ Dũng.

HTX Lâm nghiệp Bền vững Keo Sơn thành lập năm 2020 với 11 thành viên và 65 hộ liên kết xây dựng chuỗi giá trị rừng trồng. Hiện nay, HTX có 5 đội sản xuất bao gồm 1 tổ vườn ươm, 1 tổ trồng rừng, 1 tổ chăm sóc rừng, 1 tổ khai thác rừng trồng và 1 tổ trồng, chăm sóc cây dược liệu với 25 thành viên đại diện. Diện tích rừng sản xuất của các thành viên HTX là 127ha; diện tích rừng của các hộ liên kết gần 900ha với gần 500 chủ rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ. HTX cung ứng dịch vụ giống cây lâm nghiệp, các dịch vụ Lâm nghiệp cho các HTX, hộ dân trồng rừng trên địa bàn toàn tỉnh; liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ gỗ rừng trồng cho thành viên. Trong giai đoạn 2020 - 2022, HTX đã hoàn thiện phương án xây dựng vườn ươm với quy mô gần 1,5 triệu cây giống/năm, đáp ứng năng lực trồng mới cho 400ha rừng trồng mới/năm. Đến cuối năm 2023 HTX có 25 thành viên và 7 nhóm hộ với 500 thành viên liên kết.

Đến cuối năm 2022, Tổ KNCĐ xã Cam Nghĩa cũng được thành lập. Tách bạch công việc giữa tổ KNCĐ với HTX, theo anh Nhật chỉ là ở chỗ vấn đề hạch toán tài chính. Còn công việc, có thêm tổ KNCĐ nghĩa là các thành viên sẽ có thêm việc làm và tăng thu nhập.

“Anh Nhật không phải là tổ trưởng tổ khuyến cộng đồng nhưng là thành viên hoạt động tích cực và hiệu quả. Anh là một trong số những người có tiếng nói quyết định trong việc đem đến nguồn cây giống chất lượng, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn và làm đầu mối tiêu thụ gỗ cho người dân”, ông Lê Hữu Phương, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa.

Võ Dũng
Tin khác
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Phục hồi sông Tô Lịch cần tầm nhìn tổng thể và dài hạn
Phục hồi sông Tô Lịch cần tầm nhìn tổng thể và dài hạn1

Sông Tô Lịch, một trong những dòng sông lịch sử của Hà Nội, đã trải qua nhiều năm ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. Việc phục hồi sông Tô Lịch đòi hỏi một tầm nhìn tổng thể và dài hạn, kết hợp các giải pháp kỹ thuật và quản lý hiệu quả.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Thịt lợn quay đòn Đường Lâm: Nâng giá trị nhờ đạt chuẩn an toàn thực phẩm
Thịt lợn quay đòn Đường Lâm: Nâng giá trị nhờ đạt chuẩn an toàn thực phẩm

Món thịt lợn quay đòn được chế biến theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, qua đó góp phần bảo tồn di sản ẩm thực của làng cổ Đường Lâm.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Có một Đồng Giao trên đất Hà Tĩnh
Có một Đồng Giao trên đất Hà Tĩnh

Từ thủ phủ Tam Điệp (Ninh Bình), tiếp đó là Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La…, giờ đây DOVECO đang viết tiếp câu chuyện về một Đồng Giao trên đất Hà Tĩnh. 

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Hai lần suýt chết vì… mê sâm Lai Châu
Hai lần suýt chết vì… mê sâm Lai Châu

Đã có lúc khó khăn, mất tiền bạc, thậm chí suýt mất mạng, TS Phạm Quang Tuyến từng nghĩ đến việc từ bỏ sâm Lai Châu, nhưng rồi lại kiên trì theo đuổi…

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Brazil liệu có trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ Latinh?
Brazil liệu có trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu tôm hàng đầu tại Mỹ Latinh?

Để đạt được mục tiêu này, theo Chủ tịch ABCC Itamar Rocha, ngành tôm Brazil cần đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, nâng cao năng lực chế biến…

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.