Những người say đắm với cây bơ
Nhắc tới cây bơ, có một nhà nông luôn khiến cho tôi cảm thấy bái phục về kiến thức, sự hiểu biết và niềm đam mê với loại cây này là ông Nguyễn Ngọc Thạch (Tư Thạch) ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Từ 30 năm trước, ông Thạch đã tiếp cận với các kiến thức về cây bơ thông qua những cuốn sách về cây ăn trái của các tác giả như Phan Văn Tây, Vũ Công Hậu... Những cuốn sách ấy đã giúp ông có nhiều kiến thức về cây bơ và có sự đam mê đặc biệt với loại cây này.
Trong thời gian từ 1996 đến 2012, ông Thạch đã bỏ thời gian, công sức, thu thập các giống bơ quý. Hiện nay, trong trang trại của ông Thạch đang có hơn 10 giống bơ, toàn là những giống độc đáo, với những đặc tính rất tốt.
Mỗi khi tôi đến thăm vườn bơ của ông Thạch, ông đều chuẩn bị sẵn nhiều trái bơ thuộc các giống khác nhau và nói rõ những đặc tính ưu việt của từng giống. Có thể nói với kiến thức từ sách vở cộng với niềm đam mê, sự gắn bó mật thiết với cây bơ trong suốt hàng chục năm qua, giờ đây, ông Thạch chẳng khác gì một nhà khoa học về cây bơ.
Căn cứ vào đặc tính ra hoa mà người ta chia cây bơ thành cây nhóm A và cây nhóm B. Do đặc tính ra hoa khác nhau nên khi trồng bơ, nông dân phải phối hợp cả cây bơ nhóm A và cây bơ nhóm B để tạo điều kiện cho giao phấn chéo nhằm đạt tỷ lệ đậu quả cao. Ông Thạch giỏi đến mức chỉ cần nhìn hoa trổ trên cây thì biết ngay đó là cây bơ nhóm A hay nhóm B. Ngoài ra, ông còn rất giỏi trong việc điều khiển cho cây bơ ra hoa vào những thời điểm trên thị trường không có bơ để bán.
Một người khác cũng có niềm đam mê đặc biệt với cây bơ là doanh nhân Nguyễn Đức Thống, chủ sở hữu của Công ty điện tử Tiến Đạt. Vợ chồng ông Thống sinh sống ở TP.HCM, nhưng gần như tuần nào hai ông bà cũng lái xe hàng trăm cây số lên trang trại bơ của gia đình ở Di Linh, Lâm Đồng, để quan sát, chăm sóc từng cây bơ. Trong vườn có nhiều giống bơ quý mà vợ chồng ông Thống đã mang từ Mỹ về như Hass, Lamb Hass, Pinkerton, Reed, Gem… Những giống bơ này, ông Thống không giữ riêng để trồng trong trang trại của mình mà cung cấp cho cả các nhà vườn trong vùng, qua đó góp phần làm lan tỏa những giống bơ mới.
Người đầu tiên làm trái bưởi da xanh không hạt
Nói đến nghề trồng bưởi da xanh, không thể không nhắc tới ông Hai Hoa ở Chợ Lách, Bến Tre. Lúc sinh thời, ông Hai Hoa là một nhà nông có những sáng tạo độc đáo trong nghề trồng bưởi. Bằng sự quan sát, nhận định của chính bản thân mình, ông Hai Hoa là người đầu tiên tạo ra những trái bưởi da xanh không hạt. Cách làm của ông là khi hoa còn búp, ông bao kín hoa bưởi lại khiến cho cây phải tự thụ phấn, qua đó tạo ra những trái bưởi không có hạt.
Ông Hai Hoa đã làm trái bưởi da xanh không hạt thì tỷ lệ thành công 100%. Vì vậy, từ nhiều năm nay, mỗi khi tết đến, cần mua bưởi da xanh để làm quà tặng, tôi chỉ đặt mua ở chỗ ông Hai Hoa, là yên tâm với món quà tặng đặc biệt này.
Với các nhánh nhện (những nhánh cây nhỏ trên các cành bưởi), các nhà vườn khác thường không quan tâm, nhưng ông Hai Hoa lại tỉa lá cho cả những nhánh này, làm cho các nhánh nhện cũng ra trái bưởi. Cách làm này của ông Hai Hoa khiến cho trái ra đều trên khắp cây bưởi.
Đặc biệt, ông Hai Hoa không giữ các kỹ thuật ấy cho riêng mình, mà rất tích cực đi chuyển giao kỹ thuật tạo trái bưởi không hạt, và ra trái đều khắp cây cho các nhà vườn khác. Nhờ vậy, nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh đã tiếp cận được những kỹ thuật này và đem áp dụng vào vườn bưởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người đưa chuối cao cấp vào siêu thị
Nói tới nghề trồng chuối, có một người rất giỏi cả về tổ chức sản xuất và làm thị trường là doanh nhân Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc của Unifarm. Hiện nay, tại tỉnh Bình Dương, Unifarm đang trồng chuối già trên diện tích gần 500 ha ở Phú Giáo, đồng thời đã phát triển thêm 1.000 ha ở huyện Dầu Tiếng. Sản phẩm chuối tại các trang trại của Unifarm đều là chuối cao cấp, được tiêu thụ tại các siêu thị với các thương hiệu Dole và Unifarm.
Đặc biệt, trong năm 2023, Unifarm đã mở mang mô hình sản xuất chuối công nghệ cao, ra trồng ở tỉnh Hà Nam với diện tích 8 ha. Dù mới sản xuất nhưng chuối của Unifarm trồng ở Hà Nam cũng đã đi vào ngay các hệ thống siêu thị, qua đó, tạo ra hiệu quả kinh tế cao và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm, chú ý của ngành nông nghiệp Hà Nam và các tỉnh, thành lân cận, trong đó có Hà Nội.
Nơi vẫn phát huy tốt công nghệ từ hơn 20 năm trước
HTX Nông nghiệp Quyết Thắng ở Tân Phước, Tiền Giang, là một đơn vị tiêu biểu về sản xuất giống dứa mới MD2 để xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đặc biệt, cho đến nay, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng vẫn đang phát huy rất tốt những công nghệ, kỹ thuật mà Viện Cây ăn quả Miền Nam đã chuyển giao từ hơn 20 năm trước. Đó là công nghệ nhân giống vô tính và kỹ thuật trồng dứa trên luống.
Năm 2002, khi Viện Cây ăn quả Miền Nam chuyển giao công nghệ nhân giống vô tính cho HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, khi ấy, HTX đang trồng giống dứa cũ. HTX đã phát huy rất tốt công nghệ này trong suốt hơn 20 năm qua, kể cả khi đã chuyển sang trồng giống dứa mới MD2 (là giống đang được tiêu thụ phổ biến trên thế giới). Nhờ vậy, HTX không chỉ thành công trong việc sản xuất dứa để xuất khẩu mà còn cung cấp kịp thời nhu cầu cây giống dứa MD2 của các nơi khác.
Bên cạnh đó, kỹ thuật trồng dứa thẳng hàng trên luống cao, có đường đi lối lại, đã và đang giúp cho HTX Nông nghiệp Quyết Thắng trồng được dứa với mật độ cao (55.000 cây/ha). Mật độ này là cao hơn rất nhiều so với các mô hình trồng dứa khác, qua đó, mang lại năng suất, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế cao cho HTX. Mỗi khi đến thăm HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, tôi luôn cảm thấy rất vui vì những công nghệ, kỹ thuật mà Viện đã nghiên cứu và chuyển giao từ hơn 20 năm trước, đến nay vẫn được phát huy rất tốt trong thực tiễn sản xuất.
Và những nhà nông độc đáo khác
Nói tới cây sầu riêng, tôi luôn thấy quý mến ông Tư Thành ở Chợ Lách, Bến Tre. Ông Tư Thành là người có kinh nghiệm nhân giống và trồng sầu riêng từ hơn 30 năm qua. Vì vậy, ông nắm rất vững các kỹ thuật chăm sóc sầu riêng từ khi cây non đến lúc cây trưởng thành. Không chỉ là người cung cấp cây giống có chất lượng cho các nhà vườn khác, ông Tư Thành luôn tận tình đi hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng qua mọi giai đoạn sinh trưởng cho nông dân ở các nơi.
Ngoài ra, còn nhiều nhà nông rất giỏi và độc đáo trong việc trồng các loại cây ăn trái khác mà tôi muốn nhắc tới với niềm cảm phục về kiến thức, tay nghề cũng như sự đam mê. Điển hình như vợ chồng anh Đông, chủ một trang trại măng cụt lớn ở Gia Nghĩa, Đắk Nông, với diện tích tới 18 ha. Anh Đông là người đã thành công trong việc đưa măng cụt lên Tây Nguyên, là nơi mà trước đây không ai nghĩ có thể trồng thành công được loại cây ăn trái này do trời lạnh vào ban đêm. Vậy mà anh Đông lại thành công và vườn măng cụt của anh luôn sản xuất ra được những trái măng cụt rất ngon, bán được giá cao.