Người nông dân và tư duy 'không bao giờ hài lòng với hiện tại'

Minh Phúc - Thứ Bảy, 22/06/2024 , 09:13 (GMT+7)

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, cho rằng: Bản thân người nông dân phải tự vượt qua cái bóng của chính mình, tiêu triệt tư tưởng 'làm ngày nào ăn ngày đó', 'thích thì làm không thích thì nghỉ'.

Chúng tôi tuyển dụng cả những công nhân chưa biết chữ

Là người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đi lên từ đồng ruộng, trang trại nơi thôn quê, tôi hiểu được nỗi nhọc nhằn, cơ cực của những người làm cha mẹ trong việc nuôi dạy những đứa con cho đến khi trưởng thành.

Ở quê tôi, nhiều đứa trẻ học hết cấp 3 đã phải rời ghế nhà trường để tìm kiếm công việc mưu sinh phụ giúp gia đình. Một bộ phận lặn lội lên thành phố làm công nhân các nhà máy. Còn những người ở lại nông thôn cũng chật vật với miếng cơm manh áo hàng ngày cùng thửa ruộng, mảnh vườn và tư duy sản xuất “cha truyền, con nối”. Trong khi mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn đối với họ là những khái niệm xa lạ.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Trưởng ban Công tác kết nối của Tiểu ban Nông nghiệp, Thực phẩm và Nuôi trồng thủy sản (FAABS) thuộc EuroCham. Ảnh: An Hiếu.

Thật khó để thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao sinh kế của bà con nếu bản thân người nông dân không tự thay đổi, tự hoàn thiện chính mình và tiếp thu tri thức mới phù hợp với nền kinh tế thị trường và cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, trong suốt 25 năm “lèo lái” đưa Hùng Nhơn trở thành tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực với 16 công ty thành viên, coi nông nghiệp là “trái tim”, là ưu tiên hàng đầu, tôi luôn khát khao được tạo ra thật nhiều việc làm cho người lao động nông thôn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Thậm chí, nhiều người còn chưa biết chữ vẫn được Hùng Nhơn nhận vào để đào tạo và dạy nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.

Hay nói cách khác, sự lớn mạnh của Hùng Nhơn ngày hôm nay, được tạo nên từ bàn tay, khối óc của những lao động sinh ra ở các vùng nông thôn nghèo khó. Họ đã bước ra khỏi lũy tre làng và trở thành công nhân, kỹ sư chuyên nghiệp trong các trang trại công nghệ cao; trở thành những nhà quản lý giỏi… Họ hòa nhập với nền kinh tế thị trường và tự tin khi tham gia các dự án Hùng Nhơn hợp tác với đối tác đến từ Hà Lan, quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Các đại dự án của Hùng Nhơn, mà điển hình Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN tại Tây Ninh và các tỉnh Tây Nguyên với kế hoạch vốn đầu tư đến năm 2030 lên tới 2 tỷ USD, không chỉ góp phần mang lại sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Có lẽ, con số sau đây sẽ khiến nhiều người khó tin. Đó là, trong số khoảng hơn 1.000 lao động trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hùng Nhơn và DHN hiện nay, có 70% lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ: "Nhiều người còn chưa biết chữ vẫn được Hùng Nhơn nhận vào để đào tạo và dạy nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Ảnh: Hồng Sơn.

Người nông dân cần vượt qua “cái bóng” của chính mình

Triết lý kinh doanh như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình lớn mạnh của Hùng Nhơn Group là: “Xã hội càng phát triển thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vững”. Với triết lý này, chúng tôi xem trọng việc tuyển dụng, đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là cách thức chúng tôi đồng hành cùng lãnh đạo địa phương xây dựng xã hội giàu mạnh, văn minh.

Đối với người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, để đồng hành cùng họ trong hành trình tri thức hóa cần sự kiên trì, nhẫn nại. Bởi tư duy, nếp sống của đại bộ phận nông dân chưa phù hợp với môi trường làm việc hiện đại, với nhiều quy định xa lạ.

Thực tế, nhiều người bị sốc với sự thay đổi đột ngột này. Đây là vấn đề được chúng tôi lường trước nên đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng. Bên cạnh việc đào tạo nghề, cán bộ Công đoàn của chúng tôi thường xuyên tìm hiểu tâm tư, cảm xúc của người lao động, từ đó có các chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động sớm thích nghi với môi trường làm việc mới.

Và, bằng một phương pháp rất tự nhiên như vết dầu loang, người này nhìn người kia; nhóm này học tập nhóm khác; những tấm gương trong lao động sản xuất được chúng tôi khen thưởng kịp thời để khích lệ, động viên xứng đáng. Những đốm lửa ban đầu đã “thắp sáng” để hình thành nên văn hóa của một doanh nghiệp.

Mặc dù xuất phát điểm còn yếu về tư duy quản trị, ý thức kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp, nhưng ưu điểm của lao động nông thôn là cần cù, chịu khó và ham học hỏi. Đây chính động lực để chúng tôi quyết tâm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn.

"Sự lớn mạnh của Hùng Nhơn ngày hôm nay, được tạo nên từ bàn tay, khối óc của những lao động sinh ra ở các vùng nông thôn nghèo khó", ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ. Ảnh: Hồng Sơn.

Cách làm của chúng tôi là song song với các khóa đào tạo nghề là các chương trình tư vấn tâm lý, các hoạt động kết nối thực tế giữa lao động có tay nghề với người mới. Từ các chương trình này, chất keo kết dính giữa người lao động càng thêm vững bền, từ đó có sự sẻ chia kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng việc.

Nông dân cũng phải hội nhập toàn cầu

Bước vào thế kỷ 21, khi nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng phát triển, vai trò của nông dân chuyên nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, bản thân người dân ở các vùng nông thôn phải tự nỗ lực, phấn đấu chứ không thể dựa dẫm hoàn toàn vào xã hội. Bản thân người nông dân phải tự vượt qua cái bóng của chính mình, tiêu triệt tư tưởng “làm ngày nào ăn ngày đó”, “thích thì làm không thích thì nghỉ”… Họ phải tự trang bị cho mình kiến thức mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới. Đây là những yếu tố quyết định cho sự thành công, góp phần cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, người nông dân phải tự biết cách làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương thay vì “tha hương cầu thực” như hiện nay.

Tạo ra thật nhiều việc làm và nâng thu nhập cho người lao động là cách để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Ảnh: Hồng Sơn.

Trong quá trình hợp tác cùng De Heus, một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới, điều cảm nhận rõ ràng nhất ở họ chính là tính chuyên nghiệp, tư duy đổi mới và không bao giờ họ tự hài lòng với hiện tại.

Ngay tại Hà Lan, đất nước được biết đến với các kỹ thuật canh tác tiên tiến và sử dụng công nghệ cao, nông dân vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức mới. Từ đó ứng dụng vào công việc, giúp gia tăng năng suất và nâng cao hiệu quả cạnh tranh cho sản phẩm.

Hay tại Nhật Bản, nông dân ở đây đã biết ứng dụng công nghệ robot, flycam và tự động hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là trong các trang trại lớn và nhà kính. Tương tự, Israel là một ví dụ điển hình về việc phát triển nông nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt. Họ đã phát triển hệ thống tưới nhỏ giọt hiệu quả, giúp tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng.

Ngày nay, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kinh tế nông nghiệp. Các phương tiện thông tin đại chúng; mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Tiktok... đang nở rộ và phát triển mạnh.

Đây là các kênh truyền thông giúp doanh nghiệp lan tỏa những thông tin mới, quy định mới của thị trường, tri thức mới và kinh nghiệm hay đến người dân nông thôn. Nhờ đó, họ được “bồi bổ” kỹ năng quản trị, kỹ năng tổ chức sản xuất, kỹ năng phân tích thị trường, tư duy hợp tác cùng phát triển và “hấp thụ” các sản phẩm khoa học công nghệ mới trong sản xuất để gia tăng giá trị.

Trong hành trình đồng hành cùng truyền thông tri thức hóa nông dân, chúng tôi rất vui vì Báo Nông nghiệp Việt Nam ra mắt chuyên trang “Tri thức nông dân”, qua đó chuyển tải nhiều thông tin, kiến thức bổ ích trong sản xuất nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Minh Phúc (ghi)
Tin khác
Đào tạo kiến thức về thuốc BVTV sinh học cho 40.000 nông dân
Đào tạo kiến thức về thuốc BVTV sinh học cho 40.000 nông dân

Hợp tác giữa Cục BVTV và UPL Việt Nam sẽ xây dựng 2 mô hình trên sầu riêng, lúa; đồng thời phổ biến kiến thức đến nhiều đối tượng trong chuỗi sản xuất.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Khoa học công nghệ nông nghiệp lan tỏa trên đất Nghệ An
Khoa học công nghệ nông nghiệp lan tỏa trên đất Nghệ An

Ứng dụng khoa học và công nghệ đã tác động toàn diện đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An, thể hiện qua 5 dự án cấp quốc gia...

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia
Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).