Người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở Pù Luông

Bảo Khang - Thứ Hai, 07/10/2024 , 14:36 (GMT+7)

Đó là chị Lò Thị Hoài, Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Núi rừng Pù Luông. Ảnh: Phạm Huy. 

Tháng 10, chúng tôi ngược lên Pù Luông theo tuyến đường đi Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Mùa này dù chưa phải là một Pù Luông đẹp nhất, tuy nhiên cảnh sắc thiên nhiên miền núi cao xứ Thanh cũng đã quá đủ để có thể khiến con người ta trầm trồ.

Pù Luông đẹp như một thiếu nữ miền thôn dã vậy. Tiến sĩ Hoàng Sỹ Thính (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) không giấu nổi cảm xúc của một người lần đầu đến Pù Luông bèn thốt lên như vậy. Nhất là những khi xe qua những khúc cua tay áo, một bên là sườn núi, bên kia là suối sâu, qua những triền lúa đang thì con gái. Những mái nhà sàn truyền thống đơn sơ, mộc mạc của người Thái, người Mường lấp ló dưới tán rừng luồng xanh mướt mắt.

Cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào chính là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch cộng đồng, vị Tiến sĩ đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng nhưng Pù Luông dường như vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ, mộc mạc, chưa bị sự xâm lấn quá nhiều của bê tông, nhà hàng, khách sạn như ở nhiều nơi khác. “Nếu có chiến lược bài bản, chắc chắn Pù Luông sẽ là điểm đến thú vị hàng đầu trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn”, Tiến sĩ Thính ngẫm ngợi.

Chị Lò Thị Hoài, Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng Kho Mường. Ảnh: Phạm Huy. 

Chập tối, sau hơn 4 tiếng đồng hồ và quãng đường gần 160km từ Hà Nội chúng tôi đã đến được xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, cộng đồng người Thái sinh sống tự bao đời nay giữa vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đặt cơm tối và chỗ nghỉ tại Tổ du lịch cộng đồng bản Kho Mường, chị Lò Thị Hoài, chủ cơ sở Homestay Thơ Hà cũng là tổ trưởng tổ du lịch của bản, nhanh nhảu như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với tổng diện tích hơn 17 nghìn ha, trải dài ở 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa, trong đó vùng lõi rộng khoảng hơn 13.000ha. Những năm gần đây nhờ lợi thế cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đồng bào mà mô hình du lịch cộng đồng ở Pù Luông phát triển khá nhanh. Cả huyện Bá Thước có 57 điểm đến thì Pù Luông có 19 điểm. Trong tiếng Thái, Pù Luông có nghĩa là đỉnh núi cao nhất.

Bữa tối nhanh chóng được soạn lên. Có món vịt suối Cổ Lũng, ốc đá, canh lá đắng, nộm hoa chuối rừng, gà đồi Thành Sơn… Toàn sản vật địa phương do chính anh Ngâm Văn Thơ, chồng chị Hoài chế biến. Rượu vào mới kể, hai vợ chồng vốn là giáo viên trường tiểu học Thành Sơn, ngày trước cũng chỉ nghĩ du lịch cộng đồng là thứ gì đó ở đâu chứ không phải nơi này. Một hôm, có đoàn du khách nước ngoài đến Pù Luông, họ lân la tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đồng bào sau đến bữa thì nhờ làm cơm. Dần dà có thêm nhiều đoàn khách khác đến Kho Mường, nhà cửa, vườn tược được cải tạo phù hợp hơn, vận động thêm nhiều hộ gia đình khác trong bản cùng tham gia phục vụ du khách.

Vẻ đẹp Pù Luông. Ảnh: Phạm Huy.

Du lịch cộng đồng ở Kho Mường được hình thành từ đó. Song song với các dịch vụ ẩm thực từ sản vật của bà con, bản sắc văn hóa đồng bào cũng dần được khôi phục qua từng làn điệu múa hát, nghề dệt thổ cẩm, hay đơn giản là ăn vận trở lại trang phục truyền thống của đồng bào đã từng mai một. Bây giờ tổ du lịch cộng đồng do chị Hoài làm chủ đã vận động được 7 hộ cùng tham gia. Ngoài dịch vụ lưu trú homestay, các hoạt động phục vụ du khách các thành viên trong tổ còn liên kết bà con dân bản tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương.

Chẳng hạn như món vịt Cổ Lũng là một giống vịt quý hiếm chỉ có ở Pù Luông, được bà con người Thái chăn thả ở khu vực đồng ruộng, khe suối và sống gần gũi với thiên nhiên nên thịt săn chắc, nhiều nạc, ít mỡ và rất thơm. Hay như món ốc đá do chính bàn tay bà con mò mẫm trong từng hốc đá trong rừng, chỉ mùa mưa Pù Luông mới có. Những con ốc đá quanh năm ăn rong nêu, đem về hấp với mắm gừng hoặc chanh sả tạo nên mùi thơm khó cưỡng, du khách trải nghiệm một lần khó có thể nào quên.

Chị Hoài bảo, nhờ du lịch cộng đồng, bà con đang biến thắng cảnh, văn hóa và những sản vật quê hương trở thành tài sản. Quả quýt hoi ngày trước mọc đầy trên nương rẫy bây giờ cũng là một “đại sứ du lịch” của Pù Luông. Bà con hái về làm gia vị cho các món ăn, ngâm ủ rượu hoặc lấy vỏ làm trà, lấy quả ngâm mật ong… Có những gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng từ thứ quả ngày trước không có nhiều giá trị về kinh tế.

Pù Luông xanh. Ảnh: Phạm Huy. 

Cũng theo chia sẻ của chị Hoài, khách muốn trải nghiệm thiên nhiên có thể đến Chợ phiên phố Đoàn, bản Kho Mường, bản Đôn... Mấy năm gần đây hành trình được du khách yêu thích nhất là đi bộ xuyên qua vùng lõi khu bảo tồn, cắm trại ngủ qua đêm ở bản Đôn, tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của dòng suối Chăm, chảy giữa thung lũng. Hoặc chinh phục đỉnh Pù Luông cao trên 1.700m, trải nghiệm ruộng bậc thang, độ cuối tháng 10 bà con sẽ vào vụ gặt, lúc ấy núi đồi sẽ nhuộm màu vàng óng, lẫn giữa màu xanh của rừng, không khác gì tiên cảnh.

Sau một ngày đêm trải nghiệm ở Pù Luông, Tiến sĩ Hoàng Sỹ Thính chia sẻ: Mặc dù còn một số khó khăn về giao tiếp ngoại ngữ, chính sách và vốn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên Pù Luông giống như nàng công chúa ngủ trong rừng đang được bà con đánh thức.

“Nếu được quy hoạch đồng bộ, chính sách hỗ trợ kịp thời, Pù Luông sẽ tỏa sáng”, Tiến sĩ Thính chia sẻ.

Bảo Khang
Tin khác
Khi nông dân dang tay đón công nghệ
Khi nông dân dang tay đón công nghệ

Quảng Bình Lần đầu tiên, người nông dân vùng nam Ba Đồn được chứng kiến thiết bị bay gieo sạ, bón phân. Háo hức đến lạ thường, từ ngày đầu xuống giống đến lúc cân thóc, đếm tiền...

‘Nhà khoa học của nhà nông’ vinh danh Thạc sĩ Võ Thị Nhung
‘Nhà khoa học của nhà nông’ vinh danh Thạc sĩ Võ Thị Nhung

Thạc sĩ Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An được vinh danh ‘Nhà khoa học của nhà nông’. Từ những đóng góp thực tiễn, thành tựu này thật xứng đáng.

Thành công tạo giống lúa giảm tích lũy kim loại nặng, kháng bệnh bạc lá
Thành công tạo giống lúa giảm tích lũy kim loại nặng, kháng bệnh bạc lá

Viện Di truyền nông nghiệp dày công nghiên cứu gen kháng bạc lá trên lúa TBR225 và Bắc thơm 7, có chất lượng ổn định và không được tính là sản phẩm biến đổi gen.

Ứng dụng chỉnh sửa gen phát triển giống đậu tương giàu dinh dưỡng
Ứng dụng chỉnh sửa gen phát triển giống đậu tương giàu dinh dưỡng

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học đã phát triển và làm chủ công nghệ chỉnh sửa hệ gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas.

Ngô, đậu tương và bông là 3 loại cây ứng dụng biến đổi gen nhiều nhất tại Việt Nam
Ngô, đậu tương và bông là 3 loại cây ứng dụng biến đổi gen nhiều nhất tại Việt Nam

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới công nghệ sinh học cũng như thực trạng, giải pháp tại Việt Nam hiện nay.

TS. Cao Đức Phát: Rào cản lớn nhất của công nghệ sinh học là nhận thức
TS. Cao Đức Phát: Rào cản lớn nhất của công nghệ sinh học là nhận thức

TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế cho rằng, công nghệ sinh học Việt Nam đang có khoảng cách với thế giới, nguyên nhân chính là nhận thức.

5 gói giải pháp gỡ 3 nhóm rào cản phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
5 gói giải pháp gỡ 3 nhóm rào cản phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Chia sẻ của Tiến sĩ Hoàng Sỹ Thính, Khoa du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam về câu chuyện tri thức hóa nông dân và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Chọn con đường nông nghiệp sạch: Những 'ông mai, bà mối' giúp nông dân thay đổi tư duy
Chọn con đường nông nghiệp sạch: Những 'ông mai, bà mối' giúp nông dân thay đổi tư duy

Sau khi liên kết với hợp tác xã, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, chuyển từ canh tác hóa học sang hữu cơ, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và môi trường.

Chọn con đường nông nghiệp sạch: Khát vọng Bechamp
Chọn con đường nông nghiệp sạch: Khát vọng Bechamp

Trong số những người đã chọn con đường này, trí thức có, nông dân thứ thiệt cũng có, trình độ, kiến thức khác nhau, nhưng có cùng quan điểm là quyết tâm làm nông nghiệp sạch, dù biết nhiều khó khăn.

Cơ ngơi 130ha nông nghiệp tuần hoàn của Sản Việt
Cơ ngơi 130ha nông nghiệp tuần hoàn của Sản Việt

Khánh Hòa Đó là trang trại Sản Việt, nằm ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) của anh Nguyễn Minh Thành, một người đầy tâm huyết với nông nghiệp tuần hoàn.