Sơn La một thập kỷ leo đồi: [Bài 5] 'Gã cao bồi' hồi sinh mận hậu Mộc Châu

Tùng Đinh – Hoàng Anh – Quang Dũng - Thứ Hai, 22/07/2024 , 06:30 (GMT+7)

‘Cứ thấy mùi chua xộc lên mũi là biết đang ở Mộc Châu’, anh Thịnh nhớ về những ngày mận hậu thừa mứa, đổ đi không kịp cách đây hơn 20 năm.

Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 Mai Đức Thịnh bên vườn lê ôn đới đang ra quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ Hà Nội ngược lên Sơn La theo quốc lộ 6, khi vừa qua khỏi cổng chào của huyện Mộc Châu, dễ dàng nhìn thấy một chiếc cối xay gió khổng lồ, sặc sỡ nằm trên triền đồi bên trái đường.

Cách đó không xa là tấm biển bắt mắt của điểm check-in "Mộc Châu 4 mùa view", nằm lọt giữa những luống chè xanh mướt. Quanh đó là những nhà lưới trồng nho, vườn trồng lê, đào, mận chi chít quả của HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5.

Cơ ngơi 10ha này vừa là vùng trồng, khu nghiên cứu, cơ sở chế biến, nơi kinh doanh, điểm du lịch của HTX. Mùa nào thức nấy, hoa quả quanh năm nên trụ sở của HTX 19/5 có rất nhiều khách tham quan đến ngắm cảnh, mua hàng.

Lại cũng có người đến đây để nghe Giám đốc Mai Đức Thịnh chia sẻ về kinh nghiệm làm nông nghiệp. Khi nói chuyện về làm nông, anh Thịnh có thể nói say mê cả tiếng đồng và đặc biệt không bao giờ giấu nghề với những người muốn học hỏi.

Ngấp nghé tuổi 60 nhưng nếu mới gặp, có lẽ nhiều người nghĩ anh Thịnh chỉ mới xấp xỉ ngũ tuần. Vóc dáng cao lớn, nước da rám nắng, khuôn mặt rắn rỏi và đặc biệt lúc nào cũng đội một chiếc mũ phớt vành rộng, gặp ông Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, dễ liên tưởng đến hình ảnh các cao bồi miền viễn Tây nước Mỹ.

Cơ ngơi 10ha của trụ sở HTX 19/5 nằm cạnh quốc lộ 6. Ảnh: Tùng Đinh.

Sinh năm 1967 trong gia đình có bố mẹ là người đồng bằng Bắc bộ đi kinh tế mới ở Mộc Châu, Mai Đức Thịnh bôn ba khắp chốn, từ Đông sang Tây rồi anh quyết định quay về cao nguyên này để hồi sinh quả mận, cùng bà con làm giàu.

Thời thanh niên, “gã cao bồi” này sang các nước Đông Âu học tập và làm việc, từ quốc gia này sang quốc gia khác, cái anh Thịnh học được là cách người châu Âu đối xử với nông sản, chế biến nông sản và kiếm tiền từ nông sản.

"Từ những năm 90 của thế kỷ trước, họ đã có hệ thống sản xuất khép kín, tưới tiết kiệm, bảo quản, đóng gói đúng quy cách với mã vạch, bao bì bắt mắt", anh kể về cách làm nông nghiệp ở châu Âu.

1997, sau 10 năm ở trời Tây, anh về nước mang theo giấc mơ làm giàu từ quả mận. Nhưng ngờ đâu, đặc sản quê hương lúc đó thừa mứa, bán không ai mua, cho không ai lấy.

Mận hậu Mộc Châu hiện nay đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Không ai tin

Thời kỳ đó, mận hậu được trồng tràn lan, bạt ngàn ở Mộc Châu. Nếu bò sữa, chè có những nông trường, công ty để sản xuất kinh doanh thì mận đa phần do người dân trồng tự phát, được hay mất, phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thương lái.

Tự phát như thế nên mận bị thừa. Sản lượng lớn, tiêu thụ kém, chưa biết bảo quản, khó vận chuyển đi xa nên nhiều khi chỉ có đổ đi. "Khi ấy tôi cũng thu mua, đem đi bán ở các tỉnh khác nhưng không xuể. Lại còn hư hỏng, thiệt hại do bảo quản kém, có lúc đổ đi cả xe", ông Giám đốc HTX 19/5 nhớ lại.

Theo lời anh Thịnh, có những lúc mận nhiều đến nỗi đổ đống khắp nơi, "đi từ Hà Nội lên, ngồi trên xe khách mà cứ thấy mùi chua xộc lên mũi là biết đang ở Mộc Châu", rồi bà con lại phải bốc bỏ đi nơi khác vì sợ chua đất. Xót xa cho quả đặc sản bản địa, thêm ý chí muốn cùng bà con làm giàu, năm 2000 anh cùng một số thành viên Hội Làm vườn thị trấn Nông trường Mộc Châu thành lập HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5.

Xem cây mận như những đứa con, anh Thịnh và 13 thành viên ban đầu của HTX tìm mọi cách để "nuôi dạy" những đứa con này để có được phẩm chất tốt nhất.

Thông qua Viện Bảo vệ thực vật, từ 2003 - 2007, HTX 19/5 tham gia chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng mận Mộc Châu do Australia tài trợ. Theo chương trình này, ngoài công tác chọn giống còn phải đốn, tỉa theo phương pháp khoa học, không để cành lá xum xuê, bừa bãi.

"Thời điểm đó cực kỳ khó khăn. Không ai tin mình, nghe mình để cắt tỉa cành mận. Người ta bảo, mỗi cành này chiết vội cũng được một cây mận. Tội gì mà cắt", ngồi trong cơ ngơi khang trang của HTX cạnh Quốc lộ 6, anh Thịnh kể về giai đoạn khó khăn nhất của quả mận Mộc Châu.

4 năm ròng, HTX đưa cán bộ kỹ thuật, cùng với các nhà khoa học đi vận động bà con học theo cách canh tác mới nhưng không được, không ai làm theo. Hết chương trình của Australia, anh Thịnh xin thêm chương trình của Pháp, từ 2007 - 2013, theo cách quốc gia này áp dụng cho các loại cây ôn đới, trong đó có mận.

Sản phẩm mận được chế biến đa dạng, phục vụ khách đến tham quan HTX 19/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ những rừng mận chi chít, quả nhỏ, người Mộc Châu biết cách cải tạo, chăm sóc giúp cây khỏe, quả to và gây dựng được thương hiệu mận Ruby với sinh khối lên tới 20 - 25 quả/kg, to gấp đôi mận thường.

10 năm nỗ lực với quả mận với 2 chương trình của nước ngoài nhưng kết quả mận Mộc Châu vẫn chưa tạo được dấu ấn trên thị trường, đặc biệt là quả tươi. Mãi đến những năm 2017 - 2018, những quả mận to, đẫy đà mới xuất hiện nhiều ở Mộc Châu.

"Lúc thấy quả to, đẹp, bán được giá rồi thì chả cần vận động nữa, người dân lại đua nhau, học nhau cách canh tác kiểu mới", ông giám đốc chia sẻ thêm.

Theo anh Thịnh, đó là cả một hành trình dài, từ lúc người dân tiếc cành, tiếc cây không dám đốn tỉa cho đến khi thấy được hiệu quả mà đua nhau làm: "Người trồng mận ở Mộc Châu đã thay đổi được nhận thức về chăm sóc cây trồng".

Hiện nay, HTX 19/5 có khoảng hơn 30 cán bộ kỹ thuật và quản lý, còn lại là những nhân công làm thời vụ, tùy theo thời điểm thu hoạch các loại mặt hàng.

“Việc sử dụng nhân lực thời vụ vừa giúp bộ máy của HTX không bị cồng kềnh mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho bà con”, anh Mai Đức Thịnh chia sẻ.

Một điểm quan trọng nữa, là khi bà con đến làm việc cho HTX, những kiến thức, kỹ thuật canh tác hiệu quả sẽ được chia sẻ, học hỏi để về áp dụng cho các vườn cây của gia đình.

Vườn nho rừng trĩu quả hút khách du lịch của HTX 19/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Vòng tròn nông nghiệp

Vực dậy được cây mận, anh Thịnh và HTX 19/5 không dừng lại, tiếp tục mở rộng hệ sinh thái nông nghiệp, với 5 lĩnh vực tuần hoàn. Đầu tiên là vật tư đầu vào, gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, những yếu tố hàng đầu trong canh tác nông nghiệp.

Nói về sự khác biệt của mình so với các đại lý khác, Giám đốc HTX phân tích: "So sánh tương đối thì như y với dược. Nếu các đại lý chỉ là dược, bán thuốc thì chúng tôi kết hợp cả 2, vừa bắt bệnh, vừa bốc thuốc".

Tự nhận thấy đây là lĩnh vực phức tạp, tốn công sức, nhiều lần muốn dừng nhưng vì các HTX khác trong huyện cần một nơi để chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn nên 19/5 vẫn duy trì.

Lĩnh vực thứ hai là sản xuất. Sau hơn 20 năm phát triển, hiện nay HTX 19/5 có 55 thành viên, liên kết với hơn 200 nông hộ, tương đương vùng trồng lên đến 100ha nông sản các loại với 20ha mận đạt chuẩn VietGAP.

Riêng ở trụ sở, HTX sử dụng như một viện nghiên cứu với nhiều loại cây trồng khác nhau. Điều này tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, đánh giá mức độ phù hợp trong canh tác trước khi đưa ra sản xuất quy mô lớn.

"Tại trụ sở chúng tôi có 7 giống mận, 4 giống đào, 3 giống lê, 5 giống hồng và 3 giống nho", anh Thịnh cho biết. Ngoài ra, việc trồng tập trung nhiều giống cây ở trụ sở cũng giúp ghi nhận nhanh những thay đổi do điều kiện tự nhiên để đưa ra phương án xử lý kịp thời cho toàn bộ vùng trồng của HTX.

Lê ôn đới được trồng tại HTX 19/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Lĩnh vực tiếp theo là chế biến nông sản. Sản xuất tốt rồi nhưng phải đảm bảo được cả đầu ra. Từ chỗ mận thừa đổ đi, anh Thịnh mày mò, học hỏi cách chế biến, đầu tiên là rượu. Từ 2004, HTX 19/5 đã ủ được rượu từ mận, mặc dù chưa bán được nhiều nhưng xử lý được vấn đề dư thừa. "Năm đó chúng tôi ủ 1.000 tấn mận làm rượu, có mẻ được có mẻ hỏng nhưng xử lý được mận thừa nên rất hăng hái", anh kể.

Cho đến nay, ngoài rượu mận, HTX 19/5 còn có các sản phẩm sấy từ những hoa quả ôn đới như mơ, xoài và thị trường, khách hàng tiêu thụ cũng đã ổn định.

Ngoài cây ăn quả, HTX cũng đầu tư sản xuất các loại rau ôn đới ngắn ngày nhằm tạo thu nhập cho thành viên. Các loại rau này đa phần được xuất bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc các khách sạn ở Hà Nội.

Vấn đề đặt ra là phụ phẩm của rau xanh rất nhiều, thêm phần bỗng thải của rượu mận nên HTX đầu tư thêm mảng chăn nuôi. Chất thải trong chăn nuôi lại được đưa trở lại làm phân bón, phối hợp với chế phẩm vi sinh để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Hiện nay, ngoài lợn đen nuôi tập trung ở xa khu dân cư thì có thêm gà, thỏ được nuôi thả ngay trong khu vực trụ sở, vừa sản xuất, vừa phục vụ du lịch – lĩnh vực cuối cùng trong "vòng tròn nông nghiệp" của HTX 19/5.

Du lịch không chỉ đem lại thu nhập trực tiếp mà còn là phương pháp hiệu quả để quảng bá thương hiệu nông sản Mộc Châu cũng như giải quyết vấn đề cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ, không đủ làm hàng hóa có thể tiêu thụ tại chỗ cho du khách.

Tùng Đinh – Hoàng Anh – Quang Dũng
Tin khác
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Du lịch xanh - đòn bẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
Du lịch xanh - đòn bẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero

TP.HCM Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.

Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi
Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi1

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách
Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Việt Nam thiếu 150.000 nhân lực cho thị trường carbon
Việt Nam thiếu 150.000 nhân lực cho thị trường carbon

Bên cạnh nhân lực, phương pháp, tài chính và thiết bị, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần bổ sung thêm những hướng dẫn, quy định cụ thể khi vận hành thị trường.

Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức
Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức

Nhiều bạn đọc 'nhí' trưởng thành từ thư viện đã trở về Dương Liễu làm tình nguyện viên, tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho nhiều trẻ em.

Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò
Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò

Hàng ngàn cò, vạc chọn ao đình làm nơi trú ở khiến làng cũng được gọi thành làng Cò. Trên mảnh đất ấy, một thư viện làng cũng có tên gọi: Thư viện làng Cò.

Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách
Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách

Đầu năm học mới, nhiều đứa trẻ vùng cao vẫn chưa có sách vở đến trường. Chúng mặc cảm, tự ti với phận mình nên chẳng dám đòi hỏi gì.

Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách
Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách

Vua tiêu Việt là sự xưng tụng xứng đáng dành cho doanh nhân Phan Minh Thông trên con đường lập nghiệp gắn bó giữa thương hiệu nông sản và giá trị trang sách.

Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn
Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn

Không chỉ mê sách, tràn đầy nhiệt huyết trong việc lan tỏa đam mê đọc cho các em học sinh, thầy giáo này còn có gia tài 'khủng' là tủ sách quý gần 2.000 cuốn.

Lời giải nào cho khủng hoảng nguồn nước sông Ba?
Lời giải nào cho khủng hoảng nguồn nước sông Ba?

Phản ánh thông tin về tình trạng kêu cứu ở mức báo động 'SOS' của sông Ba đúng là rất đáng quan ngại... nhưng phải chăng có trường hợp 'lạc đà chui lọt lỗ kim'?!

Sự kiện