Tri thức nông dân

Khuyến nông cộng đồng - Cầu nối tri thức

Sứ mệnh cao cả!

Sứ mệnh cao cả!

'Tôi mong muốn anh em khuyến nông trên khắp mọi miền đất nước hãy nhận về mình sứ mệnh cao cả này', Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về mô hình Tổ Khuyến nông cộng đồng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Trước hết, tôi muốn dẫn nhập từ câu chuyện thay đổi tư duy của lực lượng khuyến nông Việt Nam. Có thể nhận thấy rất rõ, kể từ khi nông nghiệp Việt Nam chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thì khuyến nông Việt Nam cũng có sự chuyển dịch, thay đổi tư duy rất mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về vai trò, sứ mệnh của Khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về vai trò, sứ mệnh của Khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngày trước, vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông đơn thuần chỉ là chuyển các giao mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất mới…, với mục tiêu giúp bà con nông dân có thể sản xuất được sản lượng nhiều hơn, năng suất cao hơn…, nghĩa là đồng hành cùng với bà con tạo ra sản phẩm, thì ngày nay, khuyến nông Việt Nam đã thay đổi tư duy để đồng hành với bà con nông dân tạo ra thương phẩm. Đó là một sự thay đổi lớn lao và mang nhiều ý nghĩa. Vai trò của khuyến nông hôm nay đã không còn đơn thuần mang sứ mệnh chọn lựa, chuyển giao những giải pháp hữu ích mà đã đặt mục tiêu cao nhất là phải làm sao để đưa được những sản phẩm của bà con đến thị trường với giá trị tối ưu nhất.

Ngoài sản xuất còn là chế biến, bảo quản, đóng gói bao bì, tìm kiếm thông tin thị trường, khuyến nông hỗ trợ bà con tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thị trường ngày một khắt khe… Tôi cho rằng đó chính là một phần quan trọng trong hành trình tri thức hóa người nông dân mà khuyến nông giữ vai trò rất rộng, rất sâu và là một sứ mệnh rất cao cả.

Khuyến nông cộng đồng hỗ trợ, đồng hành với bà con ở Sơn La. Ảnh: Hoàng Anh. 

Khuyến nông cộng đồng hỗ trợ, đồng hành với bà con ở Sơn La. Ảnh: Hoàng Anh. 

Có thể ví vai trò, sứ mệnh cao cả ấy là cầu nối của cả hai chiều xuôi và ngược. Nếu như trước đây, anh em khuyến nông chỉ đơn thuần tiếp nhận sản phẩm nghiên cứu từ các viện, trường để chuyển giao mô hình, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với bà con nông dân, thì bây giờ ở chiều ngược lại, từ kho tàng tri thức bản địa có sẵn, đội ngũ khuyến nông hỗ trợ, đồng hành cùng với bà con đặt hàng ngược trở lại các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ sở nghiên cứu để nâng cao hơn nữa giá trị của tài nguyên bản địa đó.  

Tôi đã từng tìm hiểu, nghiên cứu câu chuyện khuyến nông ở nhiều quốc gia tiên tiến và nhận thấy rằng không gian của khuyến nông rất rộng và sứ mệnh của khuyến nông rất lớn. Gần như mọi lĩnh vực của Bộ, của ngành NN-PTNT đều có liên quan đến khuyến nông. Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang thực hiện chủ trương tri thức hóa nông dân như hiện nay để chuyển người nông dân truyền thống sang người nông dân chuyên nghiệp, nâng cao giá trị của hợp tác để vận động bà con nông dân tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác…, đòi hỏi chúng ta cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Bên cạnh vai trò, nhiệm vụ của nhiều cơ quan chuyên môn khác chính là sứ mệnh của khuyến nông và tôi mong muốn anh em khuyến nông trên khắp mọi miền đất nước hãy nhận về mình sứ mệnh cao cả này.

Sẽ có người hỏi rằng tại sao nông nghiệp, nông dân, nông thôn chúng ta cần phải có khuyến nông cộng đồng?

Đã nhiều lần tôi phát biểu, trong đó có không ít lần ở trước Quốc hội rằng: Thay đổi tư duy nông nghiệp, tri thức hóa nông dân hay nhiều chủ trương, chính sách của chúng ta không thể chuyển tải đến bà con theo kiểu Trung ương đi xuống địa phương, đi xuống với bà con rồi đi về, tỉnh và huyện cũng đi xuống rồi đi về, chỉ còn bà con ngồi lại với bà con được. Mọi sự thay đổi đều không hề dễ dàng, nhất là thay đổi tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một vài cuộc nói chuyện, một vài lớp tập huấn không thể thay đổi được, phải có những người ở cộng đồng, lắng nghe sự phản hồi của bà con, dẫn dắt bà con, định vị cùng với bà con phải làm thế nào. Đó chính là sứ mệnh của khuyến nông cộng đồng.

Nói cách khác, mô hình khuyến nông cộng đồng phải bắt đầu từ chính cộng đồng, thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng chính là những người ở đó được bà con mình bầu chọn. Những bà con nông dân có tư duy, kiến thức sản xuất vượt trội hơn đôi chút, hay cán bộ đoàn thể ở cơ sở có tâm huyết với sự phát triển của địa phương… sẽ là những hạt nhân của khuyến nông cộng đồng, trực tiếp gắn bó, đồng hành, xây dựng cộng đồng. Đúng như thông điệp của khuyến nông mà tôi thực sự cảm kích, xúc động: “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.

Bởi vì mọi câu chuyện của hoạt động nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở địa phương, nếu lâu lâu mới xuống có khi đã xong rồi. Nhất là câu chuyện thông tin, thứ mà bà con luôn luôn thiếu và hoang mang trong bối cảnh thông tin trên mạng quá nhiều, hỗn loạn như hiện nay. Nhiều bà con nói với tôi, giờ người ta đến quảng cáo phân bón, thuốc BVTV nhiều đến nỗi chúng tôi không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Ai cũng nói sản phẩm của họ là tốt nhất, rẻ nhất, bà con có gì để đối chiếu đâu, có ai hỗ trợ đâu.

Rồi cả chuyện giá cả thị trường, chuyện cây trồng, vật nuôi, chuyện liên kết, kết nối với doanh nghiệp, với các chuyên gia, nhà khoa học, tiếp cận những thông tin chính thống, chuẩn xác… Bà con nông dân cần một người bạn đồng hành trong hành trình tự tri thức hóa, người bạn đó chính là khuyến nông cộng đồng. Dù đôi lúc đội ngũ khuyến nông cộng đồng không thể giải quyết được mọi khúc mắc của bà con, nhưng họ sẽ là những chiếc cầu nối hỗ trợ, đồng hành cùng với bà con cả trong sản xuất lẫn trong đời sống. Một cuộc điện thoại, một tin nhắn trao đổi, khuyến nông cộng đồng có thể trực tiếp hỗ trợ, hoặc chuyển vấn đề đó đến địa chỉ tin cậy nhất giúp bà con và có sự phản hồi kịp thời cũng là một vai trò đặc biệt quan trọng của khuyến nông cộng đồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nói chuyện với bà con nông dân. Ảnh: Quang Dũng. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nói chuyện với bà con nông dân. Ảnh: Quang Dũng. 

Đồng hành trong suy nghĩ, trong tiềm thức cùng với người nông dân, nghĩ theo cách nghĩ của bà con, nói theo cách nói của cộng đồng, để người nông dân của chúng ta yên tâm sản xuất, buôn bán, bởi vì luôn có một lực lượng thực sự đồng hành, gần gũi, lắng nghe và luôn sẵn sàng chia sẻ là khuyến nông cộng đồng. Những con người mang lại nhiều hoạt động thiết thực cùng bà con. Không còn lặng lẽ như ngày trước mà đã thực sự sống cùng đời sống của người nông dân. Những hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng và vui. Giúp người nông dân thay đổi, đồng nghĩa với nông nghiệp, nông thôn chúng ta cũng sẽ thay đổi.

Khi xây dựng Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, Bộ NN-PTNT xác định sứ mệnh của khuyến nông nói chung và khuyến nông cộng đồng nói riêng bao trùm lên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Với nông nghiệp là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến và tất cả các khâu từ chế biến, thị trường tiêu thụ... Với bà con nông dân là sứ mệnh đồng hành để tri thức hóa. Với nông thôn là hỗ trợ tổ chức đời sống ở cộng đồng, xây dựng nông thôn mới. Tôi gọi mỗi khuyến nông viên ở cơ sở là một nhân viên phát triển cộng đồng đó. Phát triển nông nghiệp, tri thức hóa nông dân hay xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng cộng đồng phát triển hài hòa, hợp tác với nhau chứ không phải chỉ là cầu, đường, trường, trạm… Và tinh thần mới mẻ đó là sứ mệnh, vai trò đặc biệt quan trọng của khuyến nông cộng đồng.

Nhìn lại sau hai năm thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” và sự thay đổi tư duy của toàn bộ hệ thống khuyến nông, một lần nữa có thể khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khuyến nông với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thực tiễn còn đó những khó khăn, thách thức từ câu chuyện đứt gãy ở cơ sở, từ nhận thức về vai trò của khuyến nông, vấn đề “cắt khúc” trong từng lĩnh vực ở các cơ quan quản lý, tuy nhiên, tôi cho rằng, chính từ thực tiễn đó càng cho thấy vai trò của khuyến nông nói chung và khuyến nông cộng đồng nói riêng. Từ vai trò tư vấn hỗ trợ bà con nông dân giải quyết trực tiếp từng vấn đề đến vai trò kết nối, vai trò khuyến nghị chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Và khi khuyến nông thay đổi, phát huy giá trị to lớn thì nhiều địa phương cũng đã thay đổi, ban hành các chính sách nhằm phát huy hơn nữa vai trò của khuyến nông ở cơ sở.

Trong thời gian tới Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, năng lực của đội ngũ khuyến nông cộng đồng. Cần phải xây dựng giáo trình cho đội ngũ khuyến nông cộng đồng theo tư duy kinh tế thay vì tư duy sản xuất. Bởi vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta không chỉ là kinh tế mà còn là văn hóa, xã hội, môi trường… Cần phải có một chương trình đào tạo bài bản, thậm chí đội ngũ khuyến nông cộng đồng sẽ được cấp chứng nhận, chứng chỉ thông qua các lớp đào tạo chuyên biệt, phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, nhằm nâng cao năng lực và cách thức tiếp cận hơn nữa của khuyến nông với bà con nông dân.

Khi sứ mệnh, vai trò của khuyến nông đã được khẳng định, khi vấn đề hợp tác liên kết, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, các địa phương của lực lượng khuyến nông ngày càng phong phú, đa dạng sẽ không chỉ mở rộng không gian hợp tác, không chỉ khơi thông thêm nhiều nguồn lực mà còn thay đổi cả một không gian văn hóa khuyến nông.

Đó là điều không chỉ bà con nông dân cần, các địa phương cần mà cả xã hội cần ở khuyến nông nói chung, khuyến nông cộng đồng nói riêng.

Hoàng Anh (Ghi)

Tin khác

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 9h trước
Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu

Thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu

Đầu tư đồng bộ vào công nghệ, quy trình và thương hiệu, ngành chè Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Tri thức nông dân  - 21h trước
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Nhìn ra thế giới  - 23h trước
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/11/2024
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Nhìn ra thế giới  - 21/11/2024
Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới

Tầm quan trọng của giống đối với ngành chè Việt Nam và thế giới

Việc mở rộng các giống chè chất lượng cao đang là mục tiêu chiến lược để tăng giá trị xuất khẩu​.

Tri thức nông dân  - 20/11/2024
Làm sao thoát ‘bẫy giá rẻ’ cho chè xuất khẩu?

Làm sao thoát ‘bẫy giá rẻ’ cho chè xuất khẩu?

Ngành chè Việt Nam, với vị thế là một trong năm quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, đang đối mặt với một thực tế đáng lo ngại khi giá chè xuất khẩu trung bình chỉ đạt 67% so với giá chè thế giới.

Tri thức nông dân  - 20/11/2024
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 2] Đặt tên cho rừng bằng mã số

Nhờ mã số vùng trồng, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Tri thức nghề nông  - 20/11/2024
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/11/2024
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 1] Thách thức tăng gấp 3 lượng carbon hấp thụ từ rừng

Để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp phải tăng khả năng hấp thụ carbon lên 185 triệu tấn CO2e, trong khi tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định.

Tri thức nghề nông  - 19/11/2024
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 19/11/2024
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số

Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số

Dừa tươi Việt Nam đang được các thương nhân Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu trong năm nay, qua đó đưa Việt Nam vào tốp 3 những nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.

Không gian kết nối  - 19/11/2024