Cây bút trẻ miền đồng mặn Long Điền Đông, nên không ngạc nhiên lắm khi Chuyện về hạt ngọc quê hương của cô đoạt một trong hai giải Ba (không có giải Nhất) cuộc thi bút ký văn học ĐBSCL năm 2023. Ấn tượng là, tình đất - tình người - tình muối kết tinh thành những trang viết sống động mà với tôi, bài bút ký của tác giả trẻ ấy là bài viết đầy đủ nhất về muối tôi từng gặp.
Ngòi bút Nguyễn Kim Nghỉ tận tình đưa người đọc vào cuộc du ngoạn thú vị về nghề muối, người làm muối và về hạt muối quê mình.
Giáo sư, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí là chuyên gia hàng đầu ngành Truyền máu & Huyết học Việt Nam. Mối quan tâm của ông với hạt muối Bạc Liêu thật đặc biệt. Trên xe về xứ muối Điền Hải, ông thủ thỉ: “Máu có linh hồn đấy anh ạ. Muối cũng có linh hồn”. Lãnh đạo huyện Đông Hải bố trí để ông gặp gỡ diêm dân ở hội trường UBND xã rồi mới ra ruộng muối, nhưng ông đề nghị được ra ruộng muối ngay, trò chuyện luôn ở ngoài ấy.
Hai lần chất vấn ở diễn đàn Quốc hội, đau đáu nỗi niềm của vị đại biểu Quốc hội ấy là làm sao để diêm dân sống được bằng nghề muối! Một lần, trước phiên họp trực tiếp và trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ điểm cầu Hà Nội ông nhắn vào điểm cầu Bạc Liêu: “Nay, tôi lại chất vấn về muối, anh ạ”. Vị giáo sư, Anh hùng Lao động vẫn đã và đang kỳ quyết đeo đuổi câu chuyện về hạt muối Bạc Liêu như đã chuyện trò cùng diêm dân Bạc Liêu bữa nọ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mỗi tuần chia sẻ không dưới 3 tin nhắn Zalo cho những ai quan tâm đến những tài liệu về ngành nông nghiệp, trong đó không ít nội dung liên quan đến hạt muối. Trong một bài báo, ông khẳng định muối Bạc Liêu nổi tiếng xưa nay vì chất lượng không có vị đắng, chát và ít tạp chất. Hạt muối mặn mòi, theo tình người làm muối ngược xuôi khắp vùng. Ông trăn trở: Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tổ chức lại ngành nông nghiệp vừa thuận thiên, vừa thích ứng không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là có thể mang lại xung đột. Nuôi tôm thì cần nước mặn, trồng lúa thì cần nước ngọt và mong mưa, làm muối lại cầu cho nắng dài... Và dù chọn cách nào vẫn luôn là một sự đánh đổi. Trong câu chuyện muối, vị tư lệnh ngành chỉ ra điều cốt lõi: Phải mở rộng không gian tư duy về hạt muối, sản phẩm muối và ngành hàng muối.
“Chừng nào chưa cạn biển Đông/ Bạc Liêu còn muối, anh không sợ nghèo”. Đã có rất nhiều bài viết, hội thảo, phát biểu nghị trường… đau đáu nỗi niềm hạt muối, nghề muối. Đang có những diêm dân ăn nên, làm ra từ nghề muối, song số đông diêm dân vẫn cơ cực, diêm nghiệp thì vẫn bấp bênh. Khuyến cáo của vị tư lệnh ngành nông nghiệp về việc phải mở rộng không gian tư duy về hạt muối, sản phẩm muối, ngành hàng muối, và điều lo lắng của cô gái xứ đồng mặn Long Điền Đông trong bút ký của cô, về diện tích làm muối ngày một giảm, thoạt nghe có vẻ không “dính líu” gì nhau, hóa ra lại cùng mẫu số chung khi ngẫm kỹ!
Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi thay đổi sâu sắc cách nhìn nhận thành quả nông nghiệp, và trong câu chuyện này là thành quả của diêm nghiệp. Thay vì đánh giá thành quả theo thống kê sản lượng muối làm ra, diện tích muối hiện có, số tấn muối thu được và xuất đi, tư duy kinh tế muối sẽ đánh giá dựa vào giá trị sản xuất, giá trị gia tăng mà hạt muối và nghề làm muối đem lại. Bởi sản lượng, diện tích… chỉ phản ánh năng lực sản xuất mà chẳng nói được điều gì về giá trị kinh tế của ngành muối.
Muối làm ra thỉnh thoảng lại “ế nhệ” trong than vắn thở dài của diêm dân. Dòm giá bán hộp sản phẩm muối Provettenbox mà rớt nước mắt thay cho hạt muối Bạc Liêu. Người Áo họ khai thác muối mỏ tự nhiên, rồi tạo giá trị gia tăng cho muối ấy bằng cho ra đời sản phẩm muối đá tự nhiên “kết duyên” với rau, hoa, tảo biển, củ cải đường, thảo mộc... Hộp muối đá thảo mộc bán ra cao giá gấp cả trăm lần muối bán thô có cùng trọng lượng.
Đến đây, câu chuyện về khuyến cáo của vị Bộ trưởng và mối quan tâm của cô gái xứ đồng mặn đã hội tụ. Bởi một khi muối Ba Thắc được “chăm sóc” để có được danh phận như muối đá của Cộng hòa Áo, sẽ không còn đau đáu băn khoăn diện tích muối ngày một thu hẹp. Các nhà thống kê không còn bứt rứt về số tấn muối thu được “năm sau không cao hơn năm trước”, vì đã có giá trị gia tăng của hạt muối, nghề muối bù đắp vào rồi. Diêm dân thì không còn rầu lòng với điệp khúc “được mùa rớt giá” để sẵn lòng chấp nhận việc làm ra hạt muối không còn thuần túy những công đoạn lấy nước, chứa nước, phơi nước, phơi kết tinh và “giản dị” một đôi ba công đoạn cho ra đời một đôi ba sản phẩm muối (chất lượng cao, nhưng chưa phong phú) như hiện giờ.
Thay cho những diêm dân chỉ dán lưng vào mặt trời, soi mặt trên đồng mặn là những “công nhân diêm nghiệp” tạo nên các dòng sản phẩm dinh dưỡng từ muối, các dòng mỹ phẩm từ muối, các dòng dược phẩm từ muối, các dòng quà lưu niệm từ muối... Là chưa nói các dịch vụ liên quan khác, các sản phẩm du lịch đặc thù khác gắn cùng đồng muối, chất liệu muối, thương hiệu muối xứ mình.
Diêm dân miền Bắc kết tinh muối trên nền cát, diêm dân xứ mình kết tinh muối trên nền đất phù sa. Phù sa, với nhiều khoáng chất quý như vàng, bạch kim cùng những loại đá quý khác, rất có lợi cho sức khỏe. Muối Ba Thắc vang danh vì được làm thủ công từ nguồn nước biển giàu phù sa, kết tinh trên nền đất phù sa, và nó có màu trắng hồng rất đặc trưng.
“Muối Bạc Liêu khác với những nơi khác là hạt muối trắng hồng, khô chắc, không tạp mùi, có vị mặn dịu, đằm, có chút hậu ngọt chứ không phải vị mặn hơi đắng chát như ở vùng khác...” Chuyện về hạt ngọc quê hương của Nguyễn Kim Nghỉ viết vậy. Ngồi làm tư liệu cho bài viết nhỏ này, người viết giật mình bắt gặp điều vô cùng quan ngại: Cửu Long Giang đang là “dòng nước đói”!
Những hồ, đập mà một số quốc gia phía thượng nguồn tạo nên đôi mươi năm nay đã kìm chân và lọc bớt lượng phù sa từ thượng nguồn Tây Tạng - Thanh Hải đưa về hạ nguồn, tạo nên “dòng nước đói” (đói phù sa). Phù sa nào nhọc nhằn vượt qua những ải ấy được “dòng nước đói” đưa về đến đồng bằng châu thổ lại gặp phải những ô đê bao khép kín (có tác dụng giữ khô đất để làm tăng vòng quay của đất) và hệ thống cống, đập (có tác dụng làm giảm thiểu tác hại của nước biển dâng, xâm nhập mặn) song đồng thời gây “tác dụng phụ” không mong muốn, “từ chối” luôn những phù sa nhọc nhằn, ít ỏi kia, mặc cho nó trôi tuốt luốt ra biển khơi để rồi không còn cơ hội quay lại với bờ, với những ruộng muối ven biển. Lại một đánh đổi!
Thấy đó, biết phải làm gì!?
Trữ lượng phù sa sụt giảm, chất lượng muối Ba Thắc biết còn được như xưa? Nếu không, cách nào tìm lại được “một thời vang bóng”? Hệ sinh thái dòng Mê Kông thay đổi, trong quan tâm chung số phận ĐBSCL không thể tách rời mối quan tâm đến thân phận long đong của hạt muối Ba Thắc - sản vật tinh túy mà đất, trời và biển cả ban tặng xứ sở này. Hồi âm câu hỏi kia để chuẩn bị sẵn một tâm thế và định rõ cách làm đặng mà quảng bá thương hiệu Muối Ba Thắc. “Trong bộn bề cuộc sống, con người dễ quên đi những di sản văn hóa đã từng thấm vào máu thịt, tâm hồn, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bảo tồn các di sản văn hóa không phải phục vụ hội hè mà tạo ra, cộng hưởng thành giá trị chung để quảng bá và hơn hết là phát triển thương hiệu muối”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng bày tỏ.
Đó cũng cái nghĩa cái tình sau trước với hạt muối Ba Thắc của Miền Di sản muối, Miền Dạ cổ hoài lang vậy.