Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là chủ trương và định hướng phát triển nhằm xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Bộ NN-PTNT tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy: Đến nay có khoảng 84 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động và nằm trong kế hoạch hỗ trợ của các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn để triển khai đến năm 2025.
Số doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp nông thôn ngày một tăng, các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trên cả nước.
Tuy nhiên từ thực tiễn các địa phương cho thấy vẫn còn nhiều nút thắt, rào cản đòi hỏi giải pháp chung tay tháo gỡ. Trong đó tri thức nông dân được xác định là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực của bà con nông dân nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tại buổi tọa đàm “Tri thức nông dân cởi trói cho du lịch nông nghiệp, nông thôn” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, bà Lò Thị Hoài, Tổ du lịch cộng đồng bản Kho Mường (xã Thành Sơn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: Từ thực tế ở Pù Luông cho thấy, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở vùng cao tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt với cộng đồng người Thái ở Pù Luông. Ngày trước đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, tư duy còn lạc hậu, nhà nào cũng nuôi trâu bò, lợn gà ngay dưới chân nhà sàn gây ô nhiễm môi trường, nông sản làm ra chủ yếu tự cung tự cấp... Nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong những năm gần đây mà nhiều gia đình trở nên khá giả, bà con trong nhiều cộng đồng biết cách liên kết lại với nhau để hình thành nên tổ hợp tác phát triển du lịch gắn với cảnh quan, bản sắc văn hoá của địa phương.
“Bà con dạy nhau trồng lúa rải vụ trên những thửa ruộng bậc thang để hút khách đến Pù Luông nhiều hơn, ở lại lâu hơn. Biết cách kể từng câu chuyện về sản vật địa phương như chuyện về vịt Cổ Lũng, ốc đá Pù Luông, gà đồi Thành Sơn, măng rừng Pù Luông… Biết cách khôi phục nét văn hóa bản sắc của đồng bào qua từng trang phục, điệu hát, lễ hội. Biết cách xây dựng từng cung đường kết nối các địa danh để du khách khám phá Pù Luông, cùng nhau làm Homestay, Farmstay, học ngoại ngữ để làm du lịch… Nghĩa là nhờ phát triển du lịch mà bà con biến những thứ tưởng chừng vô giá trị trước đây trở thành tài sản, có nguồn thu nhập ổn định và ngày càng phát triển”, Tổ trưởng Tổ du lịch bản Kho Mường cho biết.
Phân tích thêm về thực tiễn bà con đang gặp một số khó khăn về câu chuyện liên kết, thành lập hợp tác xã, các chính sách về đất đai, chính sách hỗ trợ tín dụng…, bà Hoài cho rằng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững bà con cần phát huy giá trị tài nguyên bản địa như cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá đồng bào và các sản vật bản địa như vịt Cổ Lũng, quýt hoi, ốc đá, măng rừng… để phục vụ du khách.
Tuy nhiên khó khăn hiện nay là nguồn vốn và các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm hiện đang còn rất hạn chế. Chính vì vậy để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững rất cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xuyên suốt từ Trung ương xuống đến địa phương.
Cùng quan điểm với bà Lò Thị Hoài, TS Hoàng Sỹ Thính (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng khẳng định: Trước hết cần khẳng định tri thức nông dân và giá trị bản địa là “đặc sản” của du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng. Thực tiễn ở nhiều địa phương cho thấy những mô hình phát triển là vì bà con và địa phương biết khai thác các thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực... tạo nên các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao.
Chính vì vậy, để du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể vượt qua rào cản cần phải có giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển các mô hình thí điểm, hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn đa dạng, chất lượng với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, khai thác lợi thế nổi bật của khu vực nông thôn về tiềm năng nông nghiệp, cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống.
Đi kèm với chính sách hỗ trợ là hành lang pháp lý, hướng dẫn chi tiết và tạo điều kiện để các địa phương và người dân có cơ sở phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiếp theo là giải pháp đào tạo, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên khai thác liên kết chuỗi giá trị du lịch và nông nghiệp, đa dạng tính trải nghiệm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước, hình thành các tour, tuyến du lịch đưa khách về khu vực nông thôn... Nhiều địa phương, người dân tham gia hoạt động du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội cho việc khai thác, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn.
“Thực tế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian qua vẫn chưa phát huy hết những dư địa sẵn có, một phần nguyên nhân là vì chính sách chưa đồng bộ, khiến các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhỏ lẻ. Đây là vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới”, TS Hoàng Sỹ Thính phân tích.