Tư duy phản biện được xem như một kỹ năng sống giữa thời đại công nghệ số. Bủa vây giữa một lượng thông tin đa dạng và đa chiều, nếu không trang bị tư duy phản biện thì dễ rơi vào tình trạng loay hoay khi phân định thật giả, đúng sai.
Thực tế, qua kinh nghiệm truyền đời của người Việt, tư duy phản biện cũng được hình thành trong từng nếp ăn, nếp nghĩ. Sau lũy tre làng, nông dân đã nhắc nhau “khôn ra miệng, dại ra tay” hoặc “khôn khéo lấy miệng mà xài, vụng dại lấy vai mà đỡ”. Cho nên, tư duy phản biện không nhằm tranh cãi, mà trở thành một cách ứng xử, dễ dàng tìm thấy ở kho tàng tục ngữ và thành ngữ, kiểu như “người khôn không nỡ ra đòn, một lời nói nhẹ hãy còn đắng cay”.
Bước vào kỷ nguyên kết nối toàn cầu, mạng xã hội càng thách thức tư duy phản biện của người Việt. Bằng thái độ cầu thị “học là học để làm người, biết điều hơn thiệt biết lời thị phi”, dù nông dân hay trí thức cũng cần nắm bắt và vận dụng những kỹ năng tư duy phản biện một cách đầy đủ. Khi con người được dẫn dắt bởi tư duy phản biện sẽ khơi gợi được niềm vui khám phá cuộc sống với tâm thế tôn trọng quan điểm khác biệt và tinh thần xây dựng. Việc tìm hiểu và thực hành tư duy phản biện vì thế càng trở nên quan trọng để cộng đồng đối thoại văn minh và cùng nhau lao động sáng tạo.
Vài thập niên gần đây, tư duy phản biện đã được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách lẫn chuyên gia giáo dục. Tư duy phản biện cũng đã được đưa vào chương trình đào tạo và cho thấy những tín hiệu tích cực. Sau những cuốn sách về tư duy phản biện của các tác giả quốc tế, bây giờ đã có tác giả Việt mạnh dạn tham gia vào phân khúc tài liệu tham khảo đặc biệt này. Ví dụ mới nhất là cuốn “Phản biện như một chuyên gia” của tác giả Lang Minh.
Với tư cách một nhà tư vấn giáo dục, tác giả Lang Minh đưa ra hai nhận định đáng chú ý. Thứ nhất, thanh niên Việt Nam có khả năng phản biện như phần lớn bạn trẻ trên thế giới chứ không như nhiều đồn đoán rằng các em ai cũng yếu về tư duy phản biện. Thứ hai, thanh niên Việt Nam không hề lãnh cảm mà có nhiều trăn trở về đời sống quanh họ, có khao khát hiểu xã hội đang vận hành ra sao.
Trong vai một thanh niên, tác giả Lang Minh dẫn dắt độc giả bước vào bài học bằng những cái “cớ” rất hài hước: Mượn chuyện con gái Hải Phòng để giới thiệu khái niệm luận cứ, từ chuyện ăn thịt chó bàn về tư duy khái niệm trong tuyên bố, hay khơi gợi tò mò bằng cách đặt câu hỏi “Tắc đường hay thất tình hay đâu mới là lý lẽ?”… Lựa chọn hài hước này đã khuyến khích người người thực hành tư duy phản biện kết nối các sự kiện nhỏ với vấn đề lớn bằng lý trí của chính bản thân, trước khi tiếp cận hệ thống các lý thuyết kinh viện.
Như ông bà khuyến cáo “nói phải củ cải cũng nghe”, tư duy phản biện phải được dựa trên luận cứ thuyết phục. Tác giả Lang Minh chia sẻ: “Tranh luận, rất nhanh thôi, sẽ biến thành tranh cãi khi ai cũng tuyên bố: Quan điểm của tôi là đúng (và ngầm ý rằng: các quan điểm không giống với quan điểm của tôi thì sai hoặc có vấn đề) mà thiếu đi những lý lẽ và bằng chứng được xác định một cách rành mạch nhằm bảo vệ quan điểm. Một tuyên bố được hỗ trợ tốt bởi lý lẽ và bằng chứng được gọi là một luận cứ. Chỉ có luận cứ mạnh hoặc yếu, không có luận cứ đúng hoặc sai. Đúng/sai là việc của các chuyên gia hoặc quan tòa, không nằm trong việc rèn luyện tư duy của cá nhân. Luận cứ mạnh hay yếu nằm ở sự cẩn trọng và chặt chẽ của người dựng lên luận cứ đó.
Tư duy phản biện không phải đặc quyền của những ai khoe mẽ kiến thức. Bởi lẽ, “một người có tư duy phản biện không phải người biết tất cả mọi thứ mà là người có thể tạm thời đánh giá thông tin mình nhận được có mức độ đáng tin cậy đến đâu dựa trên sự cẩn trọng và chặt chẽ ở trên và luôn sẵn sàng truy vấn thêm để có thể phản biện và hoàn thiện những “điểm đáng ngờ” trong luận cứ của người khác”.
Vì sao tư duy phản biện trở nên cần thiết cho con người hôm nay? Theo tác giả Lang Minh, định kiến xã hội luôn có sức đàn áp khủng khiếp. Tư duy phản biện giúp ta không vô tình trở thành một phần của sự đàn áp đó. Bạn thử nhìn lại những giá trị mà mình cho là tuyệt đối đúng, có số nào trong đó có nguy cơ trở thành định kiến mang tính đàn áp không? Đây là câu hỏi phải dành cả một phần đời để trả lời, và nó có thể làm tổn thương tinh thần bạn. Nhưng đừng dừng việc suy nghĩ cẩn trọng bởi khi dừng lại, bạn có thể đang làm tổn thương một ai đó.
Sự phát triển bùng nổ của internet và chiếc điện thoại thông minh có mặt ở mọi buôn làng xa xôi hẻo lánh, khiến người Việt rất dễ bị cuốn theo các cuộc đôi co nảy lửa trên mạng xã hội hay “lạc lối” giữa những luồng ý kiến trái chiều về cùng một sự kiện, mà ý nào nghe cũng thấy có lý. Trước cơn lũ thông tin ấy, nỗi băn khoăn “Ai đúng? Ai sai?” không còn bức thiết bằng câu hỏi “Tôi suy nghĩ như thế nào? Tôi có thể phát biểu gì? Tôi tranh luận với người khác ra sao?”.
Tư duy phản biện chính là một phương pháp tư duy hiệu quả giúp mỗi cá nhân tìm thấy đáp án cho những câu hỏi nêu trên. Tư duy phản biện cho mỗi người cách suy nghĩ bằng sự sáng suốt của một cái đầu lạnh để khỏi tự biến mình thành một kẻ hành xử cảm tính, một “Chí Phèo thời hiện đại” hay nạn nhân dưới sự thao túng của người khác… Quan niệm chân thành “hay thì khen, hèn thì chê” của người Việt càng đắc dụng với tư duy phản biện hiện đại.
Dẫu tư duy phản biện có vài kỹ năng hiệu quả như “thay đổi góc tiếp cận (từ văn hóa sang pháp luật, từ khoa học sang đạo đức, từ nghệ thuật sang quản trị…) để làm mới vấn đề là chiến thuật cơ bản khi cần phản biện một điều gì đó đã quá hiển nhiên với công chúng”, thì muốn "phản biện như một chuyên gia" vẫn phải đòi hỏi thái độ “ăn ngay nói thật, mọi tật cũng lành”.