Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách

Quốc Toản - Thứ Tư, 04/09/2024 , 07:37 (GMT+7)

Đầu năm học mới, nhiều đứa trẻ vùng cao vẫn chưa có sách vở đến trường. Chúng mặc cảm, tự ti với phận mình nên chẳng dám đòi hỏi gì.

1.

Chiếc thuyền chòng chành bơi ngược dòng một quãng xa rồi tự thả trôi theo con nước khi gần cập bến. Vào mùa mưa, nước lũ lớn, bản Vui (xã Phú Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa) gần như bị cô lập.

Bản Vui không bị bỏ mặc, nhưng "thế giới" của họ dường như tách biệt với phần còn lại. Đồng bào dân tộc Thái, Mường nơi đây ít có điều kiện giao tiếp với khu trung tâm do địa hình bị chia cắt bởi dòng sông Mã.

Cán bộ Hà Thanh Tình (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân) là người bản địa nên nắm khá rõ điều kiện ăn, ở của cư dân. Cả huyện Quan Hóa có 4 cầu treo bắc qua sông Mã thì xã Phú Xuân có tới 3. Toàn xã có 11 bản nhưng có đến 4 bản đặc biệt khó khăn nằm cách lề bên kia sông. Vị trí cán bộ Tình đang đứng trước đây có một cây cầu treo, nhưng đã bị lũ cuốn trôi cách đây ít lâu. Bởi vậy, mỗi khi qua sông, người dân không còn cách nào khác là phải lụy đò.

Bản Vui cách trung tâm xã 9km, với 114 hộ và 589 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường. Đây là bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa với hơn 81% hộ dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Bao năm qua, dân bản vẫn cư ngụ và sinh tồn sau cánh rừng già. Nơi ấy vẫn đang cứu rỗi cuộc sống của họ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Muốn sang được bản Vui phải đi đò vượt sông Mã. Ảnh: Minh Chí.

Giống như cha ông, 3 đứa trẻ cùng huyết thống Hà Anh Thắng (10 tuổi), Hà Đông Dương (9 tuổi), Hà Hương Tràm (7 tuổi) lớn lên nhờ măng rừng, cá suối. 

Quanh năm, mấy đứa trẻ đến trường với cái bụng rỗng tuếch. Sáng nay, 3 đứa trẻ chia nhau gói mì tôm, bốc vội, nhai ngấu nghiến trên cung đường đồi dốc để đến điểm trường. Nhà Thắng cách không xa trường, nhưng muốn đi tìm chữ, anh em Thắng phải vượt qua một quãng đường đồi núi, sỏi đá lởm chởm. Thật kỳ lạ, cậu anh cả chưa nổi 20kg vẫn đều đặn cõng gọn lỏn đứa em gái trên lưng mỗi khi qua đoạn đường dốc, trơn trượt…

Ở bản Vui, 3 anh em Thắng thuộc diện học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ Thắng không còn sống chung khi Thắng lên 5 tuổi và em út lên 2 tuổi. Ngày ra đi, mẹ nó chẳng nói chẳng rằng, lầm lũi một mình vượt rừng trong đêm tối khi lũ trẻ đang yên giấc, rồi biệt tăm mấy năm nay. Đứa em út của Thắng khi ấy lên 2 tuổi nhiều đêm mộng mị, giấc ngủ chập chờn vì thiếu hơi ấm của mẹ. Phải mất thời gian dài, nó mới quen cảm giác thiếu thốn tình thương.

Đường vào bản Vui rất khó khăn. Ảnh: Minh Chí.

Mấy đứa trẻ đang độ tuổi vô lo, nên chẳng thể suy nghĩ sâu xa chuyện người lớn. Chúng ngây dại và chả nhớ nổi mặt mẹ mình. Thắng thốt lên câu nói ngây ngô mà chua xót, như thể hờn trách mẹ nó vì từ bỏ khúc ruột đẻ ra: “Mẹ cháu đi rồi, có về nữa đâu. Có nhớ cũng chẳng làm được gì!”. Hàng xóm láng giềng thấy hoàn cảnh của lũ trẻ đáng thương nhưng không có cách nào giúp vì ở bản này, đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, ăn chưa đủ no, nói gì đến chuyện cưu mang, đèo bòng.

Bố Thắng đi làm ăn xa, 3 anh em nó nhờ cậy cả vào ông bà nội. Cả mấy nhân khẩu trong nhà đều sống bằng nghề chặt luồng, hái măng rừng, bắt cá suối. Ở nhà, nó phân vai công việc rõ ràng cho 2 đứa em. Hằng ngày, em Dương (em thứ 2 của Thắng) ra suối bắt cá, hái rau rừng, đứa em út ở nhà phụ giúp bà nấu nướng, giặt giũ. Phần mình, nó nhận việc nặng nhọc hơn. 

Hà Anh Thắng (10 tuổi) đến trường với bộ quần áo cũ, lấm lem bùn đất. Ảnh: Quốc Toản.

Hôm nào nghỉ học, Thắng lẽo đẽo theo chân ông nội lên rừng hái măng, phụ em bắt cá suối. Thắng bán măng, cá suối lấy tiền mua gạo và thức ăn cho em ở nhà. Tuổi thơ của 3 anh em nó không biết từ khi nào bị "đánh cắp" bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn vì cuộc sống mưu sinh.

Thắng và 2 đứa em vẫn đến trường đều đặn và chưa nghỉ học buổi nào. Thế nhưng, tròn 1 năm nay, 3 anh em nó chưa một lần được mặc quần áo mới. Mùa đông cũng như mùa hè, chúng vẫn mặc bộ quần áo lấm lem bùn đất khi đi làm nương, rẫy rồi bước đôi chân trần tới trường. Nó và mấy đứa em tự ti và dường như biết phận mình nên chả đòi hỏi gì nhiều từ người thân. 3 đứa trẻ không dám nghĩ đến quần áo, sách vở mỗi dịp đầu năm như bạn bè cùng trang lứa dưới xuôi.

3 anh em ruột lần lượt từ trái sang phải gồm Hà Hương Tràm, Hà Đông Dương, Hà Anh Thắng. Ảnh: Quốc Toản.

Năm ngoái, cận kề ngày khai giảng, nó lững thững tới trường, trên người chả mang theo thứ gì. Thầy cô trong trường thương nên quyên góp tiền mua tặng cậu học trò nghèo bộ sách mới. Hai đứa em Thắng được các bạn khóa trước cho mượn lại sách để học.

Năm ngoái, Thắng được ông nội mua một chiếc cặp mới từ tiền bán luồng. Thằng bé hí hửng cả đêm chỉ mong trời sáng thật nhanh để đến trường khoe với lũ bạn. Năm nay, Thắng chuẩn bị vào lớp 5, nó và 2 đứa em vẫn chờ bố gửi tiền về để mua sách vở, quần áo để kịp khai giảng cùng các bạn. 

2.

Lũ trẻ ở bản Ho (xã Hiền Kiệt, Quan Hóa, Thanh Hóa) gọi nhau í ới tắm mưa. Vi Văn Tím (15 tuổi) nghe được tiếng nô đùa của lũ bạn cùng xóm nhưng khó gượng dậy.

Trong căn nhà sàn cũ kỹ, Tím nằm co ro một mình bên góc tối. Mấy hôm nay nó mệt hơn thường lệ vì bệnh suy thận có chiều hướng trở nặng. Nhà Tím không có thu nhập gì ngoài mấy sào ruộng. Mẹ Tím ở tít trong chòi để chăm ruộng lúa, đi rừng hái măng. Bố Tím đi làm thuê nhưng không đủ tiền trang trải sinh hoạt cho 3 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chiều nay, bố Tím phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền để mua thuốc cho nó chữa bệnh. 

Vi Văn Tím (bên phải) phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ảnh: Minh Chí.

Tím học hết lớp 9 thì nghỉ học vì gia đình kinh tế khó khăn. Năm ngoái, nó rong ruổi theo chân người ta đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Được vài tháng, Tím phải nghỉ việc giữa chừng vì bệnh suy thận. Nó chán và suy sụp mất một thời gian dài vì nghĩ ông trời không thương mình. Em gái Tím năm nay lên lớp 7. Hôm trước, nó thủ thỉ với Tím sẽ nghỉ học đi làm thêm, kiếm tiền phụ giúp gia đình và anh trai chữa bệnh.

Tím còn trẻ nhưng biết suy nghĩ cho người khác. Ngày Tím quyết định nghỉ học, nó đắn đo mãi, vì dẫu sao đó cũng là chuyện cực chẳng đã. Nó nhẩm tính, nếu đi học cấp 3, bố mẹ phải thuê xe ra tận xã Thiên Phủ cách nhà 20km, chi phí mất 600 nghìn đồng/tháng. Nhà Tím thuộc diện đặc biệt khó khăn nên việc lo chi phí cho Tím đi học và chữa bệnh là cả một vấn đề lớn. Giờ nó chỉ mong sớm khỏi bệnh để đi tìm việc phụ giúp gia đình và giúp đỡ em gái học hành.

Căn nhà của gia đình Tím đang sinh sống đã cũ kỹ, xuống cấp. Ảnh: Quốc Toản.

Chả riêng gì gia đình nhà Tím, tại bản Ho, không ít hộ dân có hoàn cảnh éo le. Trưởng bản Vi Văn Yên ấp úng, có vẻ không muốn nhắc tới chuyện chuyện sinh kế, học hành của bà con tại bản đặc biệt khó khăn này, bởi từ trước tới nay, dân bản vẫn lầm lũi sống bằng hạt lúa, búp măng, nên không có gì để khoe.

Cán bộ Yên bày tỏ, dù được Nhà nước hỗ trợ cấp gạo, hỗ trợ tiền điện, được ngân hàng chính sách cho vay vốn phát triển kinh tế, thế nhưng tỷ lệ hộ nghèo tại bản vẫn còn cao. Cả bản có 96 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu (người Thái), thì có tới 85 hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây luồng và hái măng rừng, trong khi quỹ đất sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, thiếu thốn. Bởi vậy, thu nhập bình quân đầu người của dân bản cũng khá khiêm tốn (hơn 1,8 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ mù chữ khoảng 8%, chủ yếu là người trên 60 tuổi. 

Trưởng bản Yên thống kê, toàn bản có hơn 50 học sinh đang trong độ tuổi đến trường. Do bản cách xa trung tâm hàng chục km nên chính quyền địa phương đã bố trí điểm trường lẻ cấp 1 tại đây để thuận tiện cho con em đồng bào đến trường. Tuy nhiên, cứ 10 học sinh cấp học hết cấp 2 thì có vài em nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và đường sá đi lại khó khăn. Khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất 1 người trong bản thi cử đỗ đạt cao, hiện là Bí thư đoàn xã Phú Xuân. Số còn lại đa phần học hết cấp 2 (số ít học hết cấp 3) rồi bỏ xứ đi làm ăn.

3.

Ông Ngân Văn Nội (bố Ngân Văn Khôi) chuẩn bị sẵn cho mình cỗ quan tài đặt trong gian nhà chật. Người đàn ông sống một mình trong căn nhà rỗng tuếch biết rằng, ngày ấy chắc không còn xa. Ông Nội năm nay gần 70 chẳng lo nổi phận mình, nên cứ day dứt mãi với mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn kể từ khi vợ bỏ đi. Nay, ông Nội đã có tuổi nên dạo gần đây thường xuyên ở nhà để lo chuyện nương, rẫy.

Ngày Khôi được Đồn Biên phòng Hiền Kiệt nhận làm “con nuôi” cách đây 2 năm, ông Nội thốt lên một câu như thể tự giải thoát cho suy nghĩ đã dày vò bấy lâu: “Thằng Khôi được cứu rồi. Đời nó bớt khổ như bố rồi”. 

Nơi ở của Khôi trước khi được Đồn Biên phòng Hiền Kiệt đưa về nuôi dưỡng. Ảnh: Quốc Toản.

Ngân Văn Khôi (sinh năm 2012) là con út trong gia đình có 3 chị em (hai chị gái đi lấy chồng). Vài năm trước, sau khi mẹ Khôi bỏ nhà ra đi, ông Nội cũng tìm đường làm ăn để nuôi nấng lũ trẻ. Năm lên 5 tuổi Khôi đã biết tự lập. Những ngày tháng ấy, đứa bé nhút nhát, ngây ngô không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng có khả năng sinh tồn kỳ lạ.

Hằng ngày, nó mặc chiếc áo cũ kỹ của bố dài quá đùi gối, theo chân dân bản lên rừng hái măng, ra suối đánh cá, đổi gạo, mì tôm để ăn qua bữa. Đêm đến, thằng bé nép mình bên góc tối, phủ kín chăn để che lấp sự sợ hãi của bóng đêm bủa vây và sự cô độc mà nó đang phải chịu đựng. Từ khi bắt đầu đi học (đến trước khi được Đồn Biên phòng nhận làm "con nuôi"), nó chẳng có lấy một bộ quần áo và bộ sách mới đến trường.

Trung Tá Lê Hồng Thắng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Hiền Kiệt (Quan Hóa, Thanh Hóa) nhớ mãi ngày cán bộ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt xuống tận nhà động viên và đưa Khôi lên đồn để dưỡng dục: “Thằng bé đen nhẻm, gầy gò nhưng có gương mặt rất sáng và nghị lực sinh tồn phi thường. Hôm nào hết thức ăn dự trữ, nó sang hàng xóm xin cơm lót dạ, rồi chiều lại ra suối bắt cá đổi gạo. Sống trong cảnh thiếu thốn nhưng Khôi tự lập được mọi thứ và rất ham học. Bởi vậy, sau khi được đưa về đồn và bố trí nơi ăn nghỉ, Khôi hòa nhập rất nhanh với cuộc sống mới”.

Nơi ở của gia đình Khôi không có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo cũ màu. Ảnh: Minh Chí.

Tại Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, Khôi được bố trí ăn cùng, ở cùng các chiến sĩ và ưu tiên góc học tập riêng. Cán bộ Biên phòng thương Khôi nên thay nhau bảo ban thằng bé học tập. Khôi ý thức được trách nhiệm của mình nên sinh hoạt hoạt đúng giờ giấc theo tác phong quân đội. Ngày nghỉ, Khôi cùng các chiến sĩ làm vườn, quét dọn vệ sinh khuôn viên và phụ giúp các chú bộ đội nấu ăn. Chẳng biết từ khi nào, đứa bé tự ti, nhút nhát năm ấy, nay đã dạn dĩ, trưởng thành hơn nhiều. Tại đồn, Khôi gọi các chú, các bác bằng bố. Có lẽ thằng bé chưa bao giờ nhận được sự yêu thương, che chở như thế, kể từ khi lọt lòng.

Khôi được Đồn Biên phòng Hiền Kiệt nhận làm "con nuôi". Ảnh: Quốc Toản.

Trung tá Lê Hồng Thắng cho biết, không chỉ riêng Khôi, hiện nay Đồn Biên phòng Hiền Kiệt đang nhận đỡ đầu 5 học sinh (trong đó có 1 học sinh nước bạn Lào), mỗi cháu nhận hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng đến hết lớp 12 từ nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp. Ngoài ra, thực hiện Dự án “Quân đội nâng bước em tới trường”, hiện nay Đồn Biên phòng Hiền Kiệt đang đỡ đầu cho 12 học sinh là con em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, như: tặng xe đạp, đồ dùng học tập, quần áo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm...

Chúng tôi rời các bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa sau 2 ngày tìm hiểu thực tế. Trong đầu vẫn đắn đo suy nghĩ: Liệu ở Thanh Hóa còn bao nhiêu học sinh có hoàn cảnh khó khăn như 3 đứa trẻ bản Vui chưa có sách vở dịp cận kề năm học mới? Bao nhiêu học sinh phải bỏ học giữa chừng vì gia cảnh khốn khó? Và có bao nhiêu đứa trẻ được may mắn cưu mang như Khôi?

Quốc Toản
Tin khác
Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi
Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi

Thiên tai khắc nghiệt đẩy hàng triệu số phận con người vào hoàn cảnh bi thương, được nhiều thế hệ nhà thơ Việt phản ánh trong các sáng tác thi ca.

'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ
'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ

‘Tư duy ngược’ được xem như một phương pháp rèn luyện kỹ năng sống hiện đại, nhưng sự đón nhận của độc giả trẻ cũng có nhiều góc độ khác nhau.

Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp
Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp

Danh họa Hồ Hữu Thủ, một tên tuổi hàng đầu của giới mỹ thuật Việt Nam hiện đại, vừa qua đời tại TP.HCM sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 85 tuổi.  

Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.

Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi
Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi1

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách
Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức
Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức

Nhiều bạn đọc 'nhí' trưởng thành từ thư viện đã trở về Dương Liễu làm tình nguyện viên, tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho nhiều trẻ em.

Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò
Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò

Hàng ngàn cò, vạc chọn ao đình làm nơi trú ở khiến làng cũng được gọi thành làng Cò. Trên mảnh đất ấy, một thư viện làng cũng có tên gọi: Thư viện làng Cò.

Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách
Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách

Vua tiêu Việt là sự xưng tụng xứng đáng dành cho doanh nhân Phan Minh Thông trên con đường lập nghiệp gắn bó giữa thương hiệu nông sản và giá trị trang sách.

Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn
Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn

Không chỉ mê sách, tràn đầy nhiệt huyết trong việc lan tỏa đam mê đọc cho các em học sinh, thầy giáo này còn có gia tài 'khủng' là tủ sách quý gần 2.000 cuốn.

Sự kiện