Danh họa Hồ Hữu Thủ quê quán Quỳnh Lưu, Nghệ An nhưng sinh ra và lớn lên tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Từ thuở hai mươi, danh họa Hồ Hữu Thủ đã chọn một con đường riêng mình để chinh phục công chúng.
Phong cách ấy, được danh họa Hồ Hữu Thủ theo đuổi suốt đời, như ông thổ lộ: “Lúc vẽ tôi vô tri, không dùng ý tưởng, không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Chỉ khi đã hoàn thành, tôi mới dùng kiến thức để hoàn chỉnh thêm bức tranh. Nhiều lúc tôi ngồi vẽ thì trong đầu kiến thức mách bảo cái này đẹp cái kia đẹp, tôi dứt khoát từ chối hoặc bỏ dở bức tranh đứng dậy. Điều nguy hiểm nhất là mình bị ý tưởng khống chế, chi phối. Sáng tạo là phải sinh ra một cái hữu thể chưa có ở trên đời này. Sáng tạo như một đóa hoa đang nở, mới và đẹp”.
Một trong những dấu ấn quan trọng của danh họa Hồ Hữu Thủ là thay đổi cách vẽ tranh sơn mài. Ông không hài lòng với kỹ thuật truyền thống khi sáng tác bằng sơn ta, đó là mài phẳng để lộ các lớp sơn để thể hiện hình tượng, cảm xúc của tác giả. Ông cảm thấy cách thức đó đã có những hạn chế trong biểu đạt nên mạnh dạn cải tiến trên nền chất liệu sơn ta, vóc. Không nhất thiết phải mài tất cả, có thể không mài hay có khi chỉ một phần. Có thể dùng các chất liệu khác như bao bố, gỗ dán lên mặt tranh…Tất cả đều có thể dùng làm phương tiện biểu đạt, miễn hài hoà với nhau trong tranh và diễn tả được điều muốn thể hiện. Ông tự gọi đó là “sơn ta tổng hợp” cho những bức tranh của ông.
Bền bỉ và quyết liệt đến mức cực đoan, danh họa Hồ Hữu Thủ quan niệm: “Tôi luôn nghĩ đến cái mới, khuyến khích các bạn trẻ làm cái mới, nhưng tác phẩm phải đẹp và rung động lòng người chứ không phải chỉ dừng ở cái lạ không mỹ cảm hoặc đánh đố, lừa bịp người thưởng ngoạn. Tôi không thích kiểu hội họa chỉ bày đủ trò lỗi thời rác rưởi kiểu bắt chước các trào lưu phương Tây”.
Giới nghiên cứu và phê bình mỹ thuật đánh giá, danh họa Hồ Hữu Thủ đã sáng tác nên một thế giới mà con người, sự vật và thiên nhiên đều đã được lựa chọn và biểu tượng hóa, không còn hợp lý với cái nhìn bình thường. Tất cả đều hiện ra trong một bầu không khí chung đẹp đẽ, tươi mát, hồn nhiên, tổng hòa trong một bút pháp vừa thực vừa siêu thực, để đi tới một cái đẹp tinh túy của nghệ thuật tượng trưng.
Lúc sinh thời, danh họa Hồ Hữu Thủ cho rằng, con người không chỉ sống bằng vật chất mà còn có nhu cầu về tinh thần, biết thưởng ngoạn nghệ thuật, tôi gọi chung đó là tâm thức. Vừa thỏa mãn kiến thức vừa thỏa mãn tâm thức thì con người mới cân bằng. Đối với người nghệ sĩ, nền tảng của sự sáng tạo không phải từ kiến thức mà là tâm thức. Kiến thức chỉ là mớ rác đọng lại của quá khứ.
Chúng ta có thói quen sống với quá khứ kéo dài hàng ngàn năm không thay đổi. Kiến thức có giới hạn. Kho tàng tâm thức vô hạn trong mỗi con người mới là cội nguồn của sự sáng tạo. Khi nghệ sĩ cố tình sử dụng kiến thức thì tâm thức sẽ bị chìm đi. Ngược lại, khi nghệ sĩ sáng tạo bằng trực nghiệm của tâm thức thì kiến thức sẽ bị hóa giải. Tất cả nền văn hóa nhân loại đều bắt nguồn từ tâm thức. Người nghệ sĩ moi cái thần để thể hiện qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh…làm cho tâm hồn mình lẫn người thưởng ngoại cảm thấy sảng khoái, hạnh phúc. Khi đó người nghệ sĩ mới đạt được mục đích.
Xem tranh của danh họa Hồ Hữu Thủ, công chúng có thêm những ý niệm nghệ thuật mới lạ, độc đáo, phá vỡ những thông lệ hội họa bình thường, phổ biến để đạt đến cảnh giới Thiền đặc sắc. Nhiều người nhận định rằng cõi mộng ảo trong tranh Hồ Hữu Thủ chính là phiên bản của tâm hồn ông, chân thật và an nhiên như tự tính rỗng rang vốn có của một con người buông bỏ bản ngã để tìm về trạng thái tĩnh lặng, nơi ngọn nguồn của mọi sáng tạo được khơi dậy.
Vậy điều gì đã tạo nên chất mộng ảo trong tranh Hồ Hữu Thủ? Đó là quá trình hình thành của một ngôn ngữ vô thức qua lăng kính tâm hồn họa sĩ. Hiện thực bị chối xóa hết đường nét, lý trí không cón nơi nương thân, và chỉ có nhạt nhòa làm nên mộng mị và mộng mị đã làm nên chất nhạc và chất thơ.
Những năm cuối đời, danh họa Hồ Hữu Thủ bỏ nhiều tâm huyết xây dựng một không gian lưu giữ tác phẩm của ông. Lý do, được ông chia sẻ: “Tôi đem tranh triển lãm nhiều nước, tự phát hiện rằng tại sao mình lại đem tinh hoa cho người ta xem. Trong khi người Nhật chẳng hạn, muốn thuê một bức tranh của danh họa châu Âu đưa về nước cho công chúng thưởng ngoạn phải tiêu tốn hàng vài triệu đôla cho tiền bảo hiểm, vận chuyển bằng chuyên cơ đặc biệt. Vì vậy tôi muốn giữ lại những bức tranh ưng ý, nhất là tranh sơn mài trừu tượng để làm một bảo tàng mỹ thuật tư nhân riêng để phục vụ cho nhân dân mình. Còn người nước ngoài nếu ai thích thì bỏ tiền mua vé máy bay sang đây để xem”.