Thiên nhiên vẫy gọi bằng tinh thần “Nhìn núi nhìn cây mà sống. Hiên ngang và ngay thẳng” trong tập truyện ngắn “Lưng người thăm thẳm” của nữ tác giả Vũ Thị Huyền Trang. Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ môi trường để bảo vệ chính mình. Thiên nhiên vẫy gọi với vẻ đẹp hoang sơ dường như đại diện cho những mát lành nhất, lương thiện nhất.
Tội lỗi lớn nhất của con người được nhấn mạnh trong “Lưng người thăm thẳm” là tội hủy diệt thiên nhiên. Những kẻ đầu độc đất đai, phá rừng, buôn lậu gỗ đều bị những hậu quả, nỗi ân hận và ác mộng đeo đẳng. Đó là Núi, kẻ phá rừng và chỉ dùng luật rừng để đối đãi với người khác, rốt cuộc bị đâm sau lưng và phải trốn chui trốn nhủi, đi đâu cũng gặp “những cánh rừng trọc lốc, không đủ cho Núi ẩn nấp an toàn”. Đó là Nhẫn với vườn rau trước và vườn rau sau nhà, cái để bán cho người khác, cái để cho gia đình mình ăn.
Và đó là người cha của Lim, giàu lên nhờ tận diệt rừng, rồi đứa con của mình bị vây trong cơn lũ giữa thảm cảnh chung “Cơn lũ giằng đứa nhỏ tuột khỏi bàn tay nắm níu của một người mẹ khốn khổ nào đó. Giằng ông già khỏi cái cột nhà. Giằng sự chào đời của một sinh linh nào đó còn nằm trong bụng mẹ. Giằng người chồng khỏi vợ. Giằng người mẹ khỏi con. Như cách mà chúng ta giằng sự sống của rừng. Giằng vùng biển sạch của cá tôm. Giằng sự trong lành của bầu khí quyển.
Nữ tác giả Vũ Thị Huyền Trang bày tỏ hoài nghi “loài người đến trái đất này để tàn phá rồi đi” chăng? Bởi lẽ, khi loài người thờ ơ với những tín hiệu thiên nhiên vẫy gọi thì bi kịch tái diễn ngậm ngùi “Điện lại bị cắt đột xuất, những cái bất thường dẫn trở nên bình thường đến mức chẳng ai buồn kêu than, chửi rủa. Như trong phiên chợ sáng mai, người ta sẽ thôi hỏi người bán hàng là rau này có sạch không? Có phun thuốc hay không? Bởi họ biết câu trả lời mà mình nhận được thường là lời lừa phỉnh. Khuất mắt khôn coi, người mua đành tặc lưỡi mà can đảm sống”
Nuôi mơ ước màu xanh, nữ tác giả Vũ Thị Huyền Trang thúc giục mọi người giữ lấy đất, lấy rừng, lấy núi. Vì nơi đó là nơi gửi gắm những tình cảm trìu mến, cũng là nơi ký thác hy vọng của tương lai: “Phải có vài tán cây cho tụi nó lớn lên nô đùa chạy chơi. Cho chim chóc kéo về làm tổ. Cho trẻ thơ biết niềm vui ngóng mùa quả chín”.
Năm nay 37 tuổi, nữ tác giả Vũ Thị Huyền Trang tốt nghiệp khoa Lý luận - Sáng tác - Phê bình Văn học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tập truyện ngắn “Lưng người thăm thẳm” là tác phẩm vừa phát hành của chị, sau những cuốn sách được độc giả chào đón như “Cánh sóng mùa xuân”, “Bố tôi”, “Đô thị ảo”, “Hái trăng trên đỉnh núi”, “Những đám mây ngoan”...
Ngoài lời cảnh tỉnh sự lạnh lùng của con người đang đối xử với thiên nhiên, “Lưng người thăm thẳm” cũng đầy ắp những tình cảm tốt lành, giục giã con người trở về với bản chất chân thành và thuần hậu.
“Lưng người thăm thẳm” là sự gặp gỡ của những thân phận cô đơn, nghèo khó, mất mát đau thương… Họ tìm thấy nhau, nương tựa vào nhau. Họ vực nhau dậy, gieo vào lòng nhau thứ ánh sáng hy vọng về ngày mai hạnh phúc. Trong mất mát có hồi sinh. Trong nghèo khó có nảy chồi hy vọng: “Xe cộ từ khu công nghiệp đổ ra, những người đàn bà vội vã lao nhanh trên đường. Vài lời của ai đó về chuyện phải tạt qua chợ mua con cá om dưa cho chồng con đổi bữa, chuyện nhà đài dự báo đêm nay mưa, chuyện mấy hôm nay nắng quá cái cây ở nhà khéo đã chết khô, chuyện đường ống nước ở nhà bị hỏng không biết có gọi thợ sửa kịp không? Người dưng đâu có biết lúc rơi rớt mấy lời đó đã đánh thức cơn nhớ nhà của một người đàn bà điên”.
Nữ tác giả Vũ Thị Huyền Trang mong muốn, trong nghịch cảnh con người vẫn đối tốt với nhau bằng tất cả tấm lòng. Để không phải nuối tiếc khi nhìn nhau từ phía sau, mà thật ra còn nhìn thấy tấm lưng thăm thẳm của nhau là bởi vì còn thương mới dõi theo nhau.
Qua “Lưng người thăm thẳm”, dễ dàng bắt gặp những con người rất đỗi nhỏ bé của đời thường, những người mà có lẽ ai cũng từng bắt gặp, từng lướt qua trong đời. Đó là anh tài xế lái xe đường dài, là người phụ nữ quê ra chợ bán rau, là cô nhân viên tiệm spa làm đẹp, là người đàn ông đi xuất khẩu lao động… Đó là những con người trôi giạt, cầu bất cầu bơ, không dừng lại ở nơi nào hay gắn bó với một ai được lâu, chẳng bao giờ có cảm giác thuộc về. Đó là những người ở bên rìa xã hội: một bà mẹ điên, tay đầu sỏ buôn lậu gỗ, người phụ nữ bán thân để nuôi lấy hai đứa con…
Nữ tác giả Vũ Thị Huyền Trang chia sẻ: “Tôi chọn họ đơn giản vì tôi gần với họ nhất, giống họ nhất, hiểu và đồng cảm với họ nhất. Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó, gắn bó với những người nông dân chân chất, thật thà. Lớn lên dù đi đâu, làm gì tôi vẫn mang tấm lòng cởi mở của người quê để bắt quen, gần gũi với những người bình thường, giản dị. Tôi soi mình vào họ mỗi ngày nên có nhiều thứ để trải ra trang viết. Tôi thấy họ đẹp lắm, từ khuôn mặt còn lấm bụi đường xa đến nụ cười giấu bao nỗi truân chuyên mưa nắng”.
Được viết bằng sự chăm chút và tỉ mỉ, “Lưng người thăm thẳm” chọn những điều giản dị để lay động trái tim độc giả, như quan niệm của Vũ Thị Huyền Trang: “Cũng giống như một vết thương, trong quá trình bôi thuốc chữa lành ta phải chịu rất nhiều đau đớn. Bởi không muốn là người đứng bên lề hơi thở thời đại, tôi cố gắng đi qua bề mặt của niềm vui để đào sâu vào góc khuất nội tâm từng nhân vật mình sáng tác. Với mong muốn được cùng họ đối mặt với chính mình. Ngay cả sự cô đơn cũng sẽ được thắp lên lấp lánh như ngọn nến”.