Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT, chuỗi liên kết góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp các bên chia sẻ thông tin để giải quyết vấn đề chung.
Ngày 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp để giải quyết những thách thức của chuỗi giá trị lúa gạo ở Hậu Giang, bao gồm các vấn đề như diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún và khó khăn trong liên kết sản xuất. Hệ thống thủy lợi và đường giao thông ở một số khu vực vẫn chưa hoàn chỉnh, cùng với việc các mô hình tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi giá trị còn thiếu sự ổn định và bền vững.
Tại hội thảo, các ý kiến đều đồng tình cho rằng, muốn thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần loại bỏ dần tình trạng mua bán lúa gạo kém bền vững; khuyến khích liên kết từ khâu sản xuất – thu hoạch – bảo quản – chế biến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường (ổn định, nâng cao giá bán)… Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại lợi ích cho nông dân, hạn chế tình trạng “bẻ kèo” giữa doanh nghiệp và nông dân. Đây cũng là cách để thực hiện “100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” như mục tiêu đề án đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT: Sự cần thiết của việc thực hiện chuỗi liên kết theo đề án, đầu tiên là cải thiện sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu thị trường; thứ hai nhằm thay đổi phương thức sản xuất để giảm chi phí tăng hiệu quả sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu; thứ ba đó là thông qua các đối tác nắm được thông tin, chia sẻ thông tin cùng nhau giải quyết vấn đề trong sản xuất.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho rằng ý kiến từ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và HTX sẽ hỗ trợ Hậu Giang giải quyết khó khăn trong việc liên kết chuỗi giá trị lúa gạo theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hậu Giang cam kết tái tổ chức sản xuất, mở rộng cánh đồng lớn và thành lập HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang sẽ khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho nông dân. Thông qua liên kết chặt chẽ và áp dụng khoa học kỹ thuật, Hậu Giang sẽ xây dựng vùng lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo định hướng tăng trưởng xanh của Chính phủ.
Ông Ngô Minh Long: Hậu Giang đã xây dựng được liên kết bao tiêu cho 25.000ha lúa, và dựa trên nền tảng này, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi thêm doanh nghiệp tham gia hỗ trợ bao tiêu. Tỉnh cũng dự kiến giữ các doanh nghiệp chủ chốt trong quá trình hợp tác này. Gần đây, Hậu Giang đã thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo, làm đầu mối cho hơn 60 HTX trong tỉnh, nhằm phối hợp thực hiện bao tiêu trong thời gian tới.
Tại sự kiện, Sở NN-PTNT Hậu Giang ký kết hợp tác với Agribank chi nhánh Hậu Giang để hỗ trợ tín dụng cho Đề án và với Công ty Vinacontrol về giải pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng ký kết với 10 doanh nghiệp cung ứng vật tư, máy móc cho sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong hợp tác với 6 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.