Tục ‘giỗ sống’ cha mẹ từ lâu đời tại huyện miền núi Minh Hóa đã trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo miền sơn cước.
Từ bao đời nay, bà con người Nguồn ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vẫn còn gìn giữ một phong tục từ xa xưa mà đó cũng là lẽ sống xuyên suốt bao thế hệ sinh ra và lớn lên trên vùng đất này. Khi vào vào dịp tháng chạp, con cái làm một mâm cỗ rồi bưng đến nhà bố mẹ, ông bà còn sống để mời thể hiện tấm lòng hiếu thảo của người con với cha mẹ, ông bà. Tùy theo từng gia đình mà các con bàn tổ chức một, hai lần hoặc cứ mỗi người con đều bưng một cỗ đến…
Hôm nay, gia đình anh Đinh Thanh Quán, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tụ họp đông đủ để chuẩn bị mâm cơm cuối năm dâng lên cha mẹ. Mâm lễ không cần sơn hào hải vị mà chỉ là những món ngon, sản vật của địa phương mà ông, bà yêu thích. Để chuẩn bị mâm cỗ, anh em, con cháu trong gia đình người vào rừng tìm cây chuối, hái rau, người ra chợ chọn món rồi cùng nhau tự tay chế biến để thể hiện lòng thành của mình đối với cha mẹ.
Phỏng vấn anh Đinh Thanh Quán, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình:
“Hằng năm cứ vào dịp cuối năm, con cháu thường làm mâm cơm để bưng cho cha mẹ, mâm cơm dâng lên là những món ưa thích của ba mẹ, chúc cho ông bà sống lâu trăm tuổi để dạy dỗ con cháu”.
Những món ăn dân dã đã được con, cháu tự tay làm lấy để sắp đặt thành mâm cỗ. Những món ăn không phải là “cao lương mỹ vị”, mà chỉ là bữa cơm hàng ngày. Người con dâu trong gia đình tự làm món “lóng”. Đó là món lấy từ lõi non cây chuối rừng ninh nhừ với xương, thịt lợn. Người con gái lấy chồng xa thì làm món thịt gà xé nhỏ nhuyễn vì bố mẹ đã có tuổi, các cháu thì làm bánh gạo, bánh nếp gói lá chuối như thêm gia vị cho mâm cỗ dâng ông bà.
Khi mâm cỗ đã tươm tất vào xếp vào thúng tre. Người con dâu bưng thúng hay gánh đôi quang cùng chồng, con đến nhà bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ. Khi mâm cỗ được bày lên bàn, các con cung kính mời bố mẹ ngồi và thưa chuyện, kính lễ mong bố mẹ sức khỏe để sống thật lâu cùng con cháu. Khi con thưa chuyện xong, bố hoặc mẹ rất mãn nguyện với nụ cười trên môi vì tấm lòng hiếu thảo của con cháu và không quên răn dạy những điều hay, lẽ phải mà con cháu phải làm theo trong cuộc sống thường ngày.
Theo người già kể lại, từ xưa, người dân ở đây quan niệm rằng, cha mẹ quanh năm vất vả làm lụng để nuôi con cái trưởng thành. Nay cha mẹ già yếu thì con cái dù làm ăn xa ở đâu, giàu sang hay nghèo khó đều trở về làm mâm cơm dâng lên đấng sinh thành để tỏ lòng hiếu kính. Đây là một nét đẹp văn hóa đã được người dân phát huy và gìn giữ.
Phỏng vấn ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình:
“Bưng cỗ Tết có từ lâu lắm rồi, ngày xưa nghèo đói về vật chất nhưng con cháu cũng phải có mâm cơm. Mâm cơm này là chọn những vật yêu thích, quý hiếm hợp với khẩu vị của bố mẹ. Thường vào cuối tháng 11 và đầu tháng chạp là người dân ở đây đã làm rồi. Hiện nay phong tục này đã thấm nhuần trong cộng đồng người Nguồn Minh Hóa”.
Tục giỗ sống là một nét văn hóa đẹp của người dân ở huyện Minh Hóa, truyền thống này có từ xa xưa nhưng đến nay vẫn giữ nguyên bản sắc. Dù cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại nhưng đối với mỗi người con nơi đây, dù đi làm ăn xa, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về cũng đều nhớ về quê hương, nhớ gia đình. Đây cũng là dịp để con cháu sum vầy và báo hiếu lên những bậc sinh thành./.