Tuyến đường sắt cao tốc xuyên qua rất nhiều địa hình hiểm trở, nối liền thủ đô Viêng Chăn của Lào và thành phố Côn Minh - Trung tâm của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), khẳng định vị trí quan trọng trong việc vận tải hành khách và hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước Asean; đưa Lào trở thành mắt xích kết nối mang tầm khu vực.
Trò chuyện đặc biệt từ Lào giữa nhà báo Trần Cao, Phó Tổng biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ phần mềm AutoAgri.
Thưa quý vị, gần một năm sau ngày chính thức được đưa vào hoạt động, tuyến đường sắt cao tốc xuyên qua rất nhiều địa hình hiểm trở, nối liền thủ đô Viêng Chăn của Lào và thành phố Côn Minh - Trung tâm của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong việc vận tải hành khách và hàng hóa khi không chỉ tiết kiệm rất nhiều thời gian mà còn tiết giảm chi phí vận tải 40-50% so với đường bộ. Những toa tàu luôn kín chỗ, các nhà ga luôn tấp nập từ sáng sớm cho đến tối muộn không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho đất nước Lào mà còn cho cả khu vực bởi Lào mà một mắt xích kết nối vận tải quan trọng. Ghi nhận của các phóng viên Truyền hình Nông nghiệp Việt Nam.
Tháng 12/2021, sau 5 năm thi công, hệ thống đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc dài 1.035km từ Thủ đô Viêng Chăn của Lào tới Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chính thức được đưa vào hoạt động. Trong đó, có 414 km trên lãnh thổ Lào. Với vận tốc bình quân đối với tàu chở hàng là 120km/h, tàu chở khách là 160km/h. Thời gian di chuyển từ nhà ga thủ đô Viêng Chăn cho đến nhà ga Boten (nơi tiếp giáp với biên giới Lào – Trung) chỉ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Giá vé cho toa hạng nhất là 529.000 kip Lào (xấp xỉ 760.000 đồng theo tỷ giá hiện tại), vé cho toa hạng 2 là 333.000 kip Lào (xấp xỉ 480.000 đồng).