Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh kế cao, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia từ Viện Dược liệu và doanh nghiệp về vấn đề này.
Theo thống kê của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Việt Nam hiện ghi nhận trên 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm...
Cũng theo Bộ Y tế, giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5 - 10 lần trồng lúa). Thí dụ, trồng quế, hồi, kim ngân hoa… có thể cho thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/ha/năm; cây atiso thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm (Công ty dược traphaco đã rất thành công và mang lại hiệu quả cao cho người dân SaPa, Lào Cai khi trồng dược liệu atiso) trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm.
Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 376/TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước; Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài…; Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh kế cao.