Đề án một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai đề án đã gặp một số trở ngại, trong đó có vấn đề về tài chính.
Huy động tài chính cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Đề án một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi triển khai Đề án chính là vấn đề tài chính. Điều này, gây không ít khó khăn cho các chủ thể thực hiện đề án.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh lúa gạo cho rằng, hiện nay vấn đề vốn đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của họ khi tham gia mô hình Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao. Vì để tạo ra năng suất tốt, chất lượng cao, giảm phát thải thấp, thì việc sản xuất phải đồng bộ, do đó nông dân, các hợp tác xã cần vốn để mua sắm trang thiết bị mới phục vụ sản xuất.
Ông NGUYỄN VĂN CƯNG, Thành viên HTX Phát Tài, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh:Đối với người dân muốn vay tín dụng, đặc biệt ngân hàng nông nghiệp thì khoảng trên dưới 6-7%/năm. Mong muốn các tổ chức tín dụng cho HTX tiếp cận lãi xuất thấp hơn nữa, góp phần tăng lợi nhuận. Khi mà tiếp cận được cái nguồn vốn với cái lãi suất ưu đãi khuyến khích cho những người tham gia có vốn đầu tư các dịch vụ thiết yếu để phục vụ cho sản xuất.
Nhằm giúp các ban ngành, địa phương hiểu rõ hơn về phương thức tiếp cận tài chính trong chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp tại Việt Nam cũng như đánh giá những rủi ro có thể gặp phải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Hiệp hội, Tổ chức lúa gạo quốc tế - IRRI đã chia sẻ những kinh nghiệm nhằm giúp cho các HTX, doanh nghiệp và các bên liên quan tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
Bà AMBER SHARCIK, Chuyên gia tài chính bền vững - Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI): Hiện nay có rất nhiều chính phủ và các tổ chức nước ngoài, rất quan tâm đến việc người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng như thế nào để có thể đón nhận nguồn hỗ trợ đó. Bên cạnh đó, họ cũng rất quan tâm vấn đề làm thế nào để có thể giảm những rủi ro khi cung cấp tín dụng cho thị trường Việt Nam.
Ông LÊ THANH TÙNG, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) : Hiện nay tín dụng để cho tái đầu tư cho sản xuất lúa gạo theo đề án 1 triệu ha thì cần phải có nguồn đầu tư mới. Bà con nông dân tái đầu tư cho từng thửa ruộng rất dễ, nhưng tái đầu tư cho cả cánh đồng thì cần rất nhiều nguồn đầu tư của đề án 1 triệu ha nó không chỉ là kỹ thuật canh tác, chất lượng của lúa gạo mà nó còn mang tính chất nông thôn.
Các chuyên gia cho biết, trước nhu cầu mua sắm trang thiết bị mới phục vụ sản xuất, tổng nhu cầu vốn đầu tư đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao khoảng 11.800 tỉ đồng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế.
Để hỗ trợ thực hiện, Bộ NN-PTNT dự kiến trình Chính phủ cho phép vay khoảng 9.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, rất nhiều Tổ chức quốc tế cũng đang sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện đề án này. Vấn đề còn lại là sự sẵn sàng của Việt Nam để có kế hoạch phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp.