Năm 2021, xuất khẩu nhóm nông sản chính như rau quả, cà phê, cao su... đạt khoảng 21,5 tỷ USD. Con số này được dự báo tăng trong năm 2022, khi sau 10 tháng, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều ấy đặt ra những thách thức không nhỏ cho hệ thống kiểm dịch thực vật, khâu cuối cùng trong chuỗi giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang nước ngoài. Cuộc trao đổi của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc có nhiều điều chỉnh trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm nhập khẩu vào thị trường nước này. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm, Luật An toàn sinh học và các qui định khác liên quan. Song song với đó, Việt Nam và Trung quốc còn ký nhiều nghị định thư về kiểm dịch thực vật với các mặt hàng nông sản thế mạnh của nước ta. Từ đầu năm 2022 đến nay, lần lượt chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang và tổ yến chạm ngõ thị trường tỷ dân.Bên cạnh việc thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, một loạt thay đổi kể trên đặt ra những yêu cầu mới về kiểm dịch thực vật, kiểm dịch an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, câu nói này dường như đã nằm lòng và được học thuộc bởi nhiều cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân . Với riêng mặt hàng nông sản, cả chuỗi giá trị sản xuất của Việt Nam đều phải nắm chắc một điều, rằng Trung Quốc định hướng quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để phục vụ truy xuất nguồn gốc lô hàng. Ngoài ra, với từng loại nông sản, Trung Quốc lại có một yêu cầu riêng, cụ thể về điều kiện nhập khẩu, đòi hỏi cơ sở sản xuất trong nước phải nắm rõ.Kiểm dịch thực vật, kiểm soát dịch hại cho nông sản không còn đơn thuần là công việc của những cán bộ tại cửa khẩu, cán bộ hướng dẫn, tập huấn mà là trách nhiệm chung của ngành nông nghiệp trên con đường đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Để thực hiện điều ấy, không gì khác hơn ngoài việc người dân phải thay đổi nhận thức, cũng như cách bắt đầu từ khi gieo hạt giống xuống đất đến lúc chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản và phân phối. Ngoài ra, là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, đảm bảo công tác thanh, kiểm tra, giám sát được thực hiện xuyên suốt cho tới lúc sản phẩm xuất sang thị trường nước bạn.
Kiểm dịch thực vật , khâu cuối cùng trong chuỗi giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang nước ngoài. Cuộc trao đổi của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn