Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có những kịch bản ứng phó phù hợp với các diễn biến bất thường do hiện tượng La Nina gây ra.
La Nina sẽ gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan trong năm 2024
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có những kịch bản ứng phó phù hợp với các diễn biến bất thường do hiện tượng La Nina gây ra.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, năm 2023, cả nước đã xảy ra hơn 5.300 sự cố, thiên tai làm trên 1.100 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 9.300 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước... Bên cạnh đó, hiện tượng ENSO sẽ có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina, gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm.
Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Năm nay sẽ có khoảng 12-13 cơn bão đổ bộ biển Đông, nhưng đặc biệt là những cơn bão này sẽ hình thành ở gần Việt Nam, như vậy sẽ di chuyển từ biển Đông vào đất liền rất nhanh. Như năm 2020 có những cơn bão chỉ trong vòng 1 ngày là đổ bộ đất liền. Đây là những đặc thù của cuối năm 2024 này. Thứ 2 là sẽ có những trận mưa tập trung khá lớn và những trận mưa này chủ yếu sẽ diễn ra vào nửa cuối năm, đặc biệt là trong tháng 11, 12/2024. Sẽ gây sạt lở, lũ quét ở miền núi, sẽ có những đợt thiên tai ngập úng rất nặng ở miền Trung, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, các Bộ, ngành, địa phương đã có sự chủ động trong công tác ứng phó. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần lưu ý và khắc phục trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng TRẦN LƯU QUANG
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước kỳ mưa lũ và thường xuyên rà soát các kịch bản. Tôi biết, ngành nào, địa phương nào cũng có những kịch bản mẫu, nhưng có khi nó lâu lắm rồi, có khi chục năm rồi, bây giờ thiên tai mình muốn nó nó không còn nữa, cho nên phải tính toán, rà soát lại để có kịch bản hợp lý nhất. Mong cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các bên có liên quan làm sao tăng cường được chất lượng dự báo, 1 là kịp thời, 2 là chính xác nhất có thể. Năng lực điều hành của từng địa phương, Bộ ngành cũng cần nâng cao lên. Chúng ta đang nói đến 1 tổ chức chung, thực ra việc đó diễn ra ở địa phương thì người đứng đầu địa phương đó mới là chỉ huy trực tiếp tại chỗ, mới có quyết định sáng suốt nhất và hợp lý nhất vào thời điểm đó.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia vào công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chia sẻ khó khăn với người dân bị thiệt hại, để “không ai bị bỏ lại phía sau”./.