Việc chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang lồng HDPE giúp chống chịu tốt hơn với thiên tai, bảo vệ tài sản và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Lồng nuôi biển HDPE: Thích ứng thiên tai, bảo vệ môi trường
Việc chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang lồng HDPE giúp chống chịu tốt hơn với thiên tai, bảo vệ tài sản và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, người dân hiện đang nuôi chủ yếu tôm hùm lồng với số lượng khoảng 35.000 lồng và các loại cá biển như chẽm, cá chim vây vàng, cá bớp…
Các lồng nuôi chủ yếu được làm bằng những nguyên liệu thô sơ như gỗ và các thùng phuy nhựa liên kết lại với nhau, kích thước các lồng nuôi nhỏ. Các loại lồng này chỉ nuôi được ở các vùng có dòng chảy chậm, ít sóng gió và thời gian sử dụng tương đối ngắn nên hiệu quả đầu tư không cao, cũng như sức chống chịu kém khi có bão xảy ra.
Phỏng vấn: Ông NGUYỄN XUÂN HÒA, Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa
Từ 2017 khi có bão trên Vịnh Vân Phong, tôi bắt đầu chuyển đổi, tôi thấy được một số bè nuôi bằng lồng HDPE điển hình như Viện I, Australis. Năm đó tài sản họ vẫn còn, sau này tôi thấy việc sử dụng lồng HDPE đảm bảo được an toàn tài sản cho người nuôi. Sau đó tôi bắt đầu chuyển đổi vào 2018-2019, tới thời điểm hiện nay, theo tôi đánh giá nuôi trồng về gốc độ an toàn sẽ cao hơn lồng gỗ truyền thống đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai nữa là đảm bảo được môi trường sẽ tốt hơn, độ rủi ro ít hơn lồng gỗ truyền thống.
Từ những thiệt hại nặng nề do cơn bão Damrey gây ra vào năm 2017, người nuôi đã ý thức được việc chuyển đổi từ lồng nuôi bằng gỗ truyền thống sang lồng chống chịu cao hơn với bão, gió là điều rất cần thiết để bảo vệ tài sản của mình.
Lúc này người nuôi dần dần chuyển sang lồng HDPE thay thế các lồng gỗ truyền thống.
Phỏng vấn: Ông NGUYỄN THANH SANG, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong
Hiện HTX có 10 hộ chuyển sang lồng HDPE, với một người khoảng 4 ô lồng. Nói chung lồng truyền thống khi sóng gió không chịu lực bằng HDPE, nếu mà nuôi khi thời tiết khó khăn phải chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng HDPE, đó là mong muốn của bà con.
So với lồng gỗ truyền thống, lồng HDPE có ưu điểm là nằm độc lập, giúp vùng nuôi thông thoáng hơn, tạo môi trường nuôi tốt hơn so với các bè nuôi kết từ hàng chục ô lồng với nhau. Hơn nữa, nhựa HDPE được đánh giá thân thiện với môi trường, có độ bền và khả năng chống chịu tốt hơn với sóng gió nên có thể đặt nuôi ở vùng biển hở, xa bờ giúp đàn cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn, nâng cao được tỉ lệ sống.
Ngoài lồng nuôi HDPE, hiện Trường Đại học Nha Trang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa thực hiện đề tài nghiên cứu, ứng dụng vật liệu composite sản xuất khung lồng nuôi thủy sản trên biển nhằm thay thế lồng gỗ truyền thống tại huyện Vạn Ninh.
Phỏng vấn: Ông HUỲNH VĂN VŨ, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang
Khung lồng không làm thay đổi tập quán, quy trình công nghệ nuôi của bà con sử dụng hiện nay. Vấn đề thứ hai, khung lồng giúp cho quá trình thao tác của người nuôi từ đi lại, chăm sóc, an toàn.. tốt hơn hệ thống lồng gỗ. Vấn đề thứ ba thay thế tốt hệ thống gỗ làm khung bè hiện nay, gỗ làm khung lồng phải là loại gỗ có độ dẻo dai, chịu uốn tốt, những loại gỗ này rất hiếm và giá thành cao. Mục tiêu dùng vật liệu composite thay thế cho hệ thống đấy đã thực hiện được.
Mô hình sử dụng 24 ô lồng với kích thước mỗi ô lồng 5×5m, đường đi mỗi ô lồng rộng 0,5m, để nuôi cá chim vây vàng.
Theo ông Huỳnh Văn Vũ, giá thành mỗi khung lồng đang sản xuất và thử nghiệm đến thời điểm hiện tại là 35 triệu đồng, với kích thước phủ bè là 5×5m, kích thước ô nuôi 4×4m. Bà con có thể tự làm các lồng nuôi bằng vật liệu composite, bởi vì hiện nay vật liệu composite trên thị trường rất phổ biến và công nghệ làm cũng đơn giản.
Phỏng vấn: Ông PHẠM NGỌC LUYỆN, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa
Lồng tròn HDPE có lợi thế so với các lồng truyền thống là nằm độc lập, giúp vùng nuôi thông thoáng hơn, tạo môi trường nuôi tốt hơn so với các bè nuôi kết từ hàng chục ô lồng với nhau.
Nhựa HDPE còn được đánh giá là thân thiện với môi trường, có độ bền và khả năng chống chịu tốt hơn với sóng gió nên có thể đặt nuôi ở các vùng biển hở, xa bờ giúp đàn cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn, nâng cao được tỉ lệ sống.
Với lợi ích kinh tế và tính bền vững, ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa luôn khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE, dần chuyển đổi phương thức nuôi lồng gỗ truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra, thân thiện với môi trường.