Mô hình nuôi tôm lúa hữu cơ ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh mang lại lợi nhuận trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, giúp cải thiện đời sống của nhiều gia đình.
Luân canh tôm, lúa hữu cơ mỗi năm thu lợi khoảng 80 triệu đồng/ha
Mô hình nuôi tôm lúa hữu cơ ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh mang lại lợi nhuận trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, giúp cải thiện đời sống của nhiều gia đình.
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang mô hình luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh để thay thế các diện tích đất canh tác kém hiệu quả. Theo đánh giá của người dân, mô hình này mang lại lợi nhuận khá, trung bình từ 70 - 80 triệu đồng mỗi hecta một năm, góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ dân ở địa phương.
Ông Trầm Văn Tiền ở ấp Vàm Ray (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh): Trước đây, tôi trồng mía nhưng thu nhập không ổn định, sau đó nhờ vay vốn từ nhà nước, tôi đào ao nuôi tôm và trồng lúa. Mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng mía, lúa thì trúng mùa, còn tôm cũng có lãi.
Theo ông Tiền, mô hình tôm – lúa có ưu điểm nổi bật là tạo ra sản phẩm sạch, vì không sử dụng thuốc hóa học. Tôm sống nhờ ăn các vi sinh vật từ cây lúa. Ngoài ra, lúa cũng giúp lọc nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm và cua phát triển nhanh, nặng cân và có giá bán cao. Giá tôm nuôi dưới đất lúa dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/kg, tùy thuộc vào kích cỡ. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình ông Tiền cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng mía, với lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu đồng mỗi hecta, một năm.
Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh: Mô hình nuôi tôm của Hội Nông dân đã mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình lúa - tôm.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, hiện địa phương có khoảng 50ha diện tích trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Mặc dù mô hình tôm - lúa đã có những bước phát triển, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ. Do đó, trong thời gian tới, địa phương cần quy hoạch vùng nuôi và xây dựng thương hiệu riêng để hướng đến thị trường xuất khẩu