Nuôi kiến vàng trong vườn quýt giúp tiêu diệt sâu hại, hạn chế sự phát triển của ruồi ký sinh, bảo vệ cây trồng tự nhiên mà không cần sử dụng hóa chất.
Nuôi kiến vàng thiên địch, cây khỏe không lo sâu bệnh
Xã Bình Phú, huyện Càng Long, từ lâu đã nổi tiếng với đặc sản quýt đường Long Trị – một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, diện tích loại cây này đã giảm mạnh từ vài trăm xuống chỉ còn vài chục hecta do tình trạng cây lão hóa và bệnh hại trên cây có múi lây lan.
Bà Phan Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Quýt đường Bình Phú: Với vai trò của hợp tác xã, chúng tôi đã kiến nghị các ngành chức năng và đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai mô hình cải tạo đất phù hợp với cây trồng. Đồng thời, chúng tôi cũng áp dụng các phương pháp canh tác mới và vận động bà con nuôi kiến vàng để giảm sử dụng phân thuốc hóa học.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long: Theo chú thấy, vườn trồng cây có thả kiến vàng cho chất lượng trái tốt hơn so với việc phun thuốc hóa học. Hơn nữa, kiến vàng còn giúp trái cây bóng đẹp hơn.
Kiến vàng có khả năng kiểm soát hiệu quả nhiều loại sâu bệnh trên cây có múi như rệp sáp, bọ trĩ, sâu đục thân, sâu ăn lá và cả sâu vẽ bùa. Không chỉ tiêu diệt sâu hại, kiến vàng còn giúp hạn chế sự phát triển của ong và ruồi ký sinh, bảo vệ cây trồng một cách tự nhiên mà không cần sử dụng hóa chất. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm các nhà vườn đã hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, thay thế bằng phân chuồng, phân hữu cơ và các sản phẩm sinh học.
Bà Phan Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Quýt đường Bình Phú: Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy cây phát triển tốt hơn, hiện nay đang cho trái với năng suất ổn định. Hợp tác xã cũng mong muốn nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Bà Bùi Mai Ly, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú: Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên để triển khai thêm nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ, giúp bà con dễ dàng tiếp cận hơn.
Hiện tại, đã có 12 thành viên tham gia mô hình phục hồi vùng nguyên liệu quýt đường Long Trị. Họ đang từng bước xây dựng thương hiệu đặc sản quýt đường với mục tiêu phát triển bền vững và góp phần đưa nông sản Trà Vinh vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.