| Hotline: 0983.970.780

Nhân nuôi ‘vệ sỹ’ bảo vệ cây ăn quả đặc sản

Thứ Tư 06/11/2024 , 11:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Kết quả đạt được ngoài mong đợi năm 2023 là tiền đề để Trung tâm BVTV vùng khu IV nhân rộng mô hình nuôi kiến vàng bảo vệ cây ăn quả có múi năm 2024.

Cam, bưởi sạch sâu, nhện hại

Năm 2023, ý tưởng nhân nuôi “vệ sỹ” kiến vàng để phòng trừ các loài sâu nhện hại như rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ, sâu non bướm phượng, nhện đỏ cam chanh… được Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) vùng khu IV (thuộc Cục BVTV) hình thành, đưa vào thực hiện tại vườn cam 3 xã: Thọ Điền, Quang Thọ và Đức Liên (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh).

Mô hình nhân nuôi kiến vàng mang lại hiệu quả cao trong phòng chống sâu, nhện gây hại cho cây cam tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Mô hình nhân nuôi kiến vàng mang lại hiệu quả cao trong phòng chống sâu, nhện gây hại cho cây cam tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Lúc bấy giờ, biện pháp kỹ thuật này tuy không mới nhưng các bước thực hiện theo đúng quy trình gần như người sản xuất chưa nắm được. Chưa kể, đây chỉ là một công đoạn trong cả chu trình sản xuất cam hữu cơ mà ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền huyện Vũ Quang đang định hướng, chuyển giao cho bà con.

Sau 1 năm triển khai, kết quả cho thấy, việc nhân nuôi kiến vàng đã khống chế được sâu, nhện gây hại trên cây cam; nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm quả đặc sản của huyện Vũ Quang.

Trước nhu cầu học tập kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật của người sản xuất ngày càng lớn, năm 2024, Trung tâm BVTV vùng khu IV tiếp tục hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, nhân rộng trên các vườn cam hữu cơ tại xã Quang Thọ và Thọ Điền, đồng thời mở rộng thêm 4 điểm sử dụng kiến vàng phòng trừ sâu, nhện hại trên cam, bưởi tại 4 xã gồm: Ân Phú, Đức Hương (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) và xã Yên Thọ, Yên Ninh (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) nhằm góp phần giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hóa học, tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu IV cho hay, kiến vàng Oecophylla smaragdina Fab phân bố nhiều tại các vườn trồng cam, bưởi tập trung, trên đồi keo, cây xà cừ, cây bùm bụp... Tuy nhiên, mật độ kiến vàng ở các vùng không giống nhau, có thể liên quan đến vấn đề thức ăn, môi trường sống và việc sử dụng thuốc BVTV hóa học trong phòng trừ dịch hại.

Hộ ông Đinh Lâm Hậu (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ kết hợp nuôi 'vệ sỹ' kiến vàng bảo vệ vườn cam. Ảnh: Thanh Nga.

Hộ ông Đinh Lâm Hậu (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ kết hợp nuôi "vệ sỹ" kiến vàng bảo vệ vườn cam. Ảnh: Thanh Nga.

“Khi thực hiện biện pháp thu bắt kiến vàng trên các vườn cây ăn quả có múi và cây tạp (cây keo, xà cừ, cây bùm bụp...) để nhân nuôi tại điểm ứng dụng mô hình, đàn kiến được bảo vệ bằng cách không phun thuốc BVTV hóa học để phòng trừ các loài sâu hại. Chăng dây giữa các tán cây để tạo điều kiện cho kiến di chuyển từ cây này sang cây khác để săn mồi và làm tổ. Trong một đến hai tuần đầu bổ sung thức ăn cho kiến vàng để kiến phát triển ổn định và nhân đàn hiệu quả”, ông Lộc nói.

Tại Vũ Quang, kiến vàng được nhân nuôi trên vườn cam 5 - 10 năm tuổi, còn tại Thanh Hóa nhân nuôi trên vườn bưởi 10 năm tuổi.

Theo ông Đinh Lâm Hậu, chủ vườn cam chanh 2ha ở xã Ân Phú (huyện Vũ Quang), năm 2015 gia đình ông bén duyên trồng cây ăn quả có múi. Sau 3 năm cây bắt đầu cho quả. Tuy nhiên, quá trình sản xuất do lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học nên hiện có khoảng 30% diện tích đã thoái hóa.

Cán bộ Trung tâm BVTV vùng khu IV tập huấn kỹ thuật nhân nuôi kiến vàng cho người sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Cán bộ Trung tâm BVTV vùng khu IV tập huấn kỹ thuật nhân nuôi kiến vàng cho người sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2023 ông chuyển hướng sang chăm sóc cam theo quy trình hữu cơ, giải độc cho đất và môi trường nên khi đưa kiến vàng vào nuôi hồi đầu năm 2024, đàn kiến làm tổ, phát triển nhanh trên các cây cam.

“Năm nay năng suất cam của tôi tương đương năm ngoái nhưng chất lượng cam vượt trội hẳn. Quả cam to, ngọt, vỏ trơn bóng, vàng ươm rất bắt mắt. Hiện tôi đã bán 3 tấn, giá bán tại vườn 35.000 – 40.000đ/kg”, ông Hậu phấn khởi.

Cần nhân rộng

Ông Trương Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Vũ Quang đánh giá, sau 2 năm thực hiện mô hình nhân nuôi kiến vàng phòng trừ sâu, nhện gây hại trên cây cam, bước đầu người sản xuất hào hứng, đánh giá cao hiệu quả.

Chất lượng cam hữu cơ được nâng lên rõ rệt nhờ nhân nuôi kiến vàng bảo vệ vườn cam. Ảnh: Thanh Nga.

Chất lượng cam hữu cơ được nâng lên rõ rệt nhờ nhân nuôi kiến vàng bảo vệ vườn cam. Ảnh: Thanh Nga.

Các chủ vườn đều nhận thấy kiến vàng là loài thiên địch tự nhiên, sức sống khỏe, khả năng thích ứng cao với điều kiện môi trường, dễ nhân nuôi tăng nhanh quần thể trên các vườn cam. Tuy nhiên, cần phải ngưng phun thuốc BVTV hóa học, không quấy rầy (chọc phá, cắt cành, tỉa tán trên những cây kiến vàng đã làm tổ) và thường xuyên thăm vườn, quan sát hoạt động của đàn kiến, nếu thấy kiến di chuyển nhiều xuống đất cần phải bổ sung thêm thức ăn để duy trì mật độ quần thể. Đặc biệt, những tháng nắng nóng (tháng 5 đến tháng 7) cần lưu ý bổ sung thêm nước đường loãng để kiến uống nhằm tạo điều kiện cho đàn kiến phát triển thuận lợi.

Hiệu quả mô hình đã rõ, vấn đề đặt ra là duy trì và nhân rộng giải pháp kỹ thuật này. Theo Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu IV, việc xây dựng, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây cam, bưởi là nhiệm vụ mà Trung tâm và các đơn vị đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, tỉnh Hà Tĩnh nên giao Sở NN-PTNT phối hợp chính quyền các địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình.

“Phía Trung tâm BVTV vùng khu IV sẽ luôn đồng hành, phối hợp trong việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con”, ông Nguyễn Tuấn Lộc cam kết.

Trước đó, trong 2 năm thực hiện mô hình, 7 lớp tập huấn đã được Trung tâm BVTV vùng khu IV tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa nhằm trang bị kiến thức cho người trồng cây ăn quả về vai trò, phương pháp sử dụng kiến vàng trong quản lý một số đối tượng sinh vật gây hại trên cây có múi, biện pháp quản lý đàn kiến trên vườn cây.

Giá bán cam hữu cơ giao động 35.000 - 40.000đ/kg tại vườn, cao gần gấp đôi so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Thanh Nga.

Giá bán cam hữu cơ giao động 35.000 - 40.000đ/kg tại vườn, cao gần gấp đôi so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Thanh Nga.

Việc sử dụng kiến vàng trong quản lý sinh vật gây hại giúp nông dân giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV hóa học, giảm phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ và đặc biệt là các chế phẩm sinh học (nấm xanh Metazhium, thể kháng nấm, chế phẩm Emuniv...) góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

“Kiến vàng khi thả với mật độ 1 tổ/5 cây cam/bưởi, quy mô diện tích 2ha/điểm có khả năng khống chế tốt các loài sinh vật gây hại trên vườn cam, bưởi. Độ phong phú của kiến phụ thuộc vào số tổ kiến trên cây, kích thước của tổ và nguồn thức ăn. Ở những vườn cây xanh tốt, nhiều lá, có thảm cỏ, đường để kiến di chuyển thì kiến tự bò đi theo bằng các con đường này để tìm kiếm thức ăn và xây tổ mới”, ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu IV cho biết.

Xem thêm
Thay thế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải

Cải thiện khẩu phần ăn là giải pháp quan trọng để giảm phát thải trong chăn nuôi, trong đó có sử dụng các nguồn nguyên liệu phát thải thấp trong thức ăn chăn nuôi.

Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

QUẢNG BÌNH Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 địa phương là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã.

Nông dân xuất sắc Việt Nam làm nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu ở Đất Cảng

HẢI PHÒNG Nuôi giun quế và trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã Sông Giá là mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn ở Hải Phòng.