Việc sản xuất dược liệu hữu cơ đang góp phần thay đổi thói quen canh tác truyền thống lạc hậu, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc.
HTX Quế hữu cơ Nậm Đét, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, Lào Cai có tổng diện tích quế bao gồm cả liên kết gần 1.800ha. Trong đó, hơn 1.200ha được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế. Sản lượng quế khô trung bình hàng năm là khoảng 300 - 500 tấn; loại tươi 1.000 - 1.500 tấn.
HTX đã xây dựng vườn giống chuyển hóa sang hữu cơ với diện tích 32ha. Bên cạnh đó, tất cả các hộ đều được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý theo quy trình thống nhất. Trong đó, yếu tố then chốt để canh tác hữu cơ thành công là "nói không" với thuốc BVTV và không dùng phân bón hóa học. Các hoạt động dọn vườn, phát cỏ, tỉa cây, cành lá sâu bệnh đều làm thủ công.
Với cách làm này, giá bán quế hữu cơ của HTX luôn cao hơn 20% so với quế trồng thông thường. Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi hộ có thu nhập trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/năm.
Anh Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX quế hữu cơ Nậm Đét
Khi mình làm được hữu cơ thì đất sạch hơn, cây quế hồi xưa chưa hữu cơ thìbán giá cả bấp bênh. Có hữu cơ rồi bán ra thị trường, các nước ưa chuộng,hàng mình sạch. 1 năm người ta lên đánh giá nước, đất cây, xét nghiệm rồi họđặt mua sản phẩm và mình làm sạch cho người ta nên giá cả cao hơn rất nhiều.
HTX Mý Dao, Khu 1, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, Lai Châu có tổng diện tích trồng cây dược liệu là 10ha, chủ yếu là sâm đương quy. Từ khi phát triển trồng dược theo tiêu chuẩn hữu cơ các thành viên của HTX đã có thu nhập từ 6 – 15 triệu đồng/tháng. Trước khi xuống giống, các đầu mối thu mua sẽ cùng với HTX lấy mẫu đất mang đi kiểm nghiệm hàm lượng hóa chất độc hại, tồn dư thuốc BVVT. Bên cạnh đó, thay vì tự nhân giống, HTX đã đặt hàng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp cây giống chất lượng. Quá trình chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Anh Giàng Xuấn Cường, Giám đốc HTX Mý Dao
Việc canh tác dược liệu hữu cơ không chỉ góp phần thay đổi thói quen canh tác truyền thống lạc hậu của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn nâng cao giá trị dược liệu; tạo tiền đề hình thành vùng chuyên canh sản xuất dược liệu hữu cơ an toàn gắn với chuỗi giá trị ngành hàng. Từ đó, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc.