| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp 'phủi tay', bỏ mặc người trồng gừng ôm cục nợ

Thứ Ba 03/04/2018 , 07:15 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều nông dân Tây Nguyên đã ký hợp đồng liên kết trồng gừng với Cty CP Xuất khẩu Nông sản sạch VN với những điều khoản tưởng như béo bở, có thể thu lợi nhuận cao. Thế nhưng khi gừng bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt Cty “lặn mất tăm”, bỏ nông dân “cay mắt” vì ôm cục nợ.

Tháng 5/2017, ông Đèo Minh Thiện, SN 1961, thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) ký hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Cty nông sản, vốn chuyên cung cấp giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật theo hướng liên kết sản xuất nông sản sạch xuất khẩu, có địa chỉ tại số 27 Phan Đăng Lưu, TP. Buôn Ma Thuột.

15-55-59_ong_thien_ben_vuon_gung_chet
Ông Thiện bên vườn gừng chết

Theo hợp đồng, Cty cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ gừng củ với giá 18.000 đồng/kg; nông dân chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc gừng. Chi phí đầu tư trồng 10.000 bầu gừng hết 218 triệu đồng, Cty hỗ trợ một nửa, số còn lại nông dân phải trả đủ cho Cty.

Sau 9 tháng trồng, sản lượng gừng thu về ít nhất là 25.000 kg, trừ tiền đầu tư, nông dân lãi hơn 300 triệu. Con số này đối với nông dân là quá lớn nên nhiều người khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên thực tế không như vậy. Ông Thiện kể: Thời gian đầu xuống giống, gừng phát triển tốt, đến tháng thứ 4 bỗng dưng bị vàng lá. Gia đình gọi điện báo, Cty cho cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, hướng dẫn bỏ thuốc vài ba lần nhưng bệnh càng nặng, thối cả rễ lẫn củ. Từ đó, Cty “lặn mất tăm”, gọi điện không được, tìm đến trụ sở thì cửa đóng then cài.

Nhìn hàng nghìn bầu gừng từng ngày úa chết, ông Thiện xót xa cả cõi lòng. Diện tích đất nhà ông Thiện trước đây trồng rau rừng cho thu nhập ổn định, nghe quảng cáo trồng gừng vừa khỏe mà thu lời cao nên phá bỏ trồng gừng, giờ thì nay bỗng dưng ôm cục nợ.

Theo ông Nguyễn Văn Niên 43 tuổi, thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (Gia Lai) khi gừng bị bệnh, người dân liên hệ với Cty để xin hỗ trợ thuốc trị. Lúc đầu Cty cấp một ít thuốc, sau đó bảo bà con tự mua về điều trị. Ông Nguyễn Văn Thảo 44 tuổi, huyện Ia Grai, cho biết đã mua đủ loại thuốc về trị nhưng 13.000 bầu gừng cứ “đua” nhau chết. Tính cả tiền phân, giống, công cán… hết 200 triệu đồng, số tiền này ông vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, SN 1961, thôn Đức Hà, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Cty cũng bị chết gần hết, bức xúc nói, từ ngày xuống giống, nông dân tuân thủ theo quỳ trình, trồng chăm sóc do Cty đưa ra. Giờ gừng chết, Cty đổ do thời tiết để phủi bỏ trách nhiệm. Trong khi hợp đồng nêu rõ: Khi gặp sự cố thiệt hại về gừng, trong 5 tháng đầu mà gừng bị bệnh, chết thì bên A (tức Cty) sẽ cung cấp thêm giống, phân thuốc cho bên B (tức nông dân) trồng lại và bên B sẽ không phải bỏ thêm chi phí nào. Ông Quảng cho biết, nếu Cty "bỏ rơi" nông dân thì sẽ nhờ pháp luật can thiệp.

15-55-59_gung_thui_c_goc_ln_cu
Gừng thúi cả gốc lẫn củ

Không riêng các hộ dân nói trên mà nhiều hộ dân các tỉnh Tây Nguyên cũng mắc nợ khi vướng vào dự án liên kết trồng rừng. Tuy nhiên, Cty ký kết trực tiếp với nông dân, khi xảy ra sự cố bà con cũng loay hoay tự chữa trị, không báo xã nên không nắm rõ con số cụ thể.

Ông Đào Lân Hưng, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Ia Grai, cho biết qua tìm hiểu trên địa bàn có 6 hộ dân ký kết với Cty trồng gừng. Hộ trồng ít nhất 10.000 bầu, nhiều nhất 22.000 bầu. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ có 2 bên kí kết, chính quyền không giám sát. Phòng NN- PTNT huyện sẽ thống kê thiệt hại, liên hệ với Cty và người dân để giải quyết sự việc.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm