| Hotline: 0983.970.780

Hướng tới Festival muối 2025

Doanh nghiệp và diêm dân chung tay nâng niu hạt muối

Thứ Năm 19/12/2024 , 21:02 (GMT+7)

Nghề làm muối bao đời vất vả, nhọc nhằn, biết thế nhưng diêm dân Quỳnh Lưu vẫn miệt mài bám trụ, với họ mỗi hạt muối là kết tinh của bàn tay và khối óc.

Quỳnh Lưu là vựa muối lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Quỳnh Lưu là vựa muối lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Giai đoạn 1971 – 1976 là bước ngoặt của nghề làm muối tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), từ định hướng phát triển của Nhà nước, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, hợp tác xã đồng loạt cải tạo lại đồng muối theo quy hoạch thống nhất, đồng thời huy động hàng vạn ngày công đào đắp từng đường lô, ô nề, nhăng, giếng, giát, mương dẫn.

Cùng với đó công cụ làm nghề cũng được cải tiến qua từng giai đoạn, từ xe cút kít gỗ thô sơ chuyển thành bánh đệm gỗ cao su và cốt sắt, sau này là bánh xe máy vành hợp kim cốt có bi, xăm lốp hơi.

Âm thầm chuyển mình từng bước, hiện tại Quỳnh Lưu đã vươn tầm thành vựa muối lớn nhất tỉnh Nghệ An với quy mô khoảng 600 ha, đồng thời là địa phương còn giữ được diện tích sản xuất muối theo phương thức phơi cát thủ công truyền thống lớn nhất cả nước.

Phương thức phơi cát truyền thống vẫn được diêm dân Quỳnh Lưu gìn giữ. Ảnh: Việt Khánh.

Phương thức phơi cát truyền thống vẫn được diêm dân Quỳnh Lưu gìn giữ. Ảnh: Việt Khánh.

Cách này được diêm dân Quỳnh Lưu giữ gìn, lưu truyền hàng trăm năm rồi. Muối được sản xuất hoàn toàn từ nguồn nước biển sạch, có vị mặn dịu, dưới ánh nắng mặt trời hạt muối kết tinh còn giữ được nguyên vẹn các khoáng chất tự nhiên có trong nước biển, hay còn gọi là các vi lượng khoáng hữu cơ vô cùng quý giá cho sức khỏe con người.

Qua tìm hiểu các tài liệu mà các nhà nghiên cứu đã phân tích, cho thấy muối Quỳnh Lưu chứa nhiều nguyên tố hóa học được kết tinh trong cát phơi như NaCl, MgSO4, MgCl, KCL, KSO4... Đáng nói tỷ lệ này gần tương đương tỷ lệ thành phần của các nguyên tố hóa học có trong máu và dịch thể con người

Số đông chuyên gia trong ngành đánh giá muối phơi cát Quỳnh Lưu sở hữu chất đặc trưng, được người tiêu dùng Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU cực kỳ ưa chuộng. Nắm bắt được xu thế này, những năm qua huyện Quỳnh Lưu đã quan tâm thu hút đầu tư, tạo cơ chế pháp lý thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp chế biến muối tìm về để gầy dựng nhà máy sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp và diêm dân cùng làm, bổ trợ cho nhau tất sẽ hình thành môi trường phát triển vững bền nhất.

Ánh mặt trời làm nước bốc hơi, ấy là khi diêm dân được hưởng thành quả. Ảnh: Việt Khánh. 

Ánh mặt trời làm nước bốc hơi, ấy là khi diêm dân được hưởng thành quả. Ảnh: Việt Khánh. 

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, từ năm 2012 đến nay huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng gần 7.000 bộ chạt lọc cải tiến với kinh phí gần 21 tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ trải bạt nhựa HDPE trên ô kết tinh cho gần 800 đơn vị sản xuất muối (60m2/đơn vị), trị giá 2,4 tỷ đồng.

Phía huyện cũng đầu tư kinh phí nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối (hệ thống kênh cấp thoát nước, cải tiến ô phơi, sân, nề...) qua đó tạo động lực để diêm dân tích cực “bám nắng, thắng mưa” yên tâm sản xuất. Được biết sản lượng muối năm hàng năm của toàn huyện đạt từ 45.000 - 50.000 tấn, đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh nghề muối đối mặt với đầy rẫy chông gai, thách thức.

Ông Bùi Xuân Trúc, Phó phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu thông tin, trên địa bàn có nhiều cơ sở chế biến muối thuộc Công ty muối HaKaMatSu liên doanh Nhật Bản, Công ty muối Nghệ An, Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc, Công ty TNHH MTV muối xuất khẩu chất lượng cao Việt Nam và Công ty TNHH Abaca Việt Nam.

Các đơn vị đều chung nhận định, muối Quỳnh Lưu đạt tiêu chuẩn để chế biến mặt hàng xuất khẩu, hàm lượng sắt, nattri, magie tự nhiên... trong hạt muối của diêm dâm làm ra đúng với tiêu chuẩn yêu cầu của bạn hàng.

Từ hoạt động chế biến, mỗi năm các đơn vị đã thu mua, bao tiêu khoảng 40.000 tấn muối thô cho bà con diêm dân, với doanh thu xấp xỉ đạt 10 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 20.000 tấn muối tinh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào. Từ thực tế này, có thể thấy sản phẩm muối phơi cát ở Quỳnh Lưu đã khẳng định được vị thế trong mắt bạn hàng, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. 

Sản phẩm muối truyền thống của Quỳnh Lưu được người tiêu dùng tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Ảnh: Việt Khánh.

Sản phẩm muối truyền thống của Quỳnh Lưu được người tiêu dùng tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Ảnh: Việt Khánh.

Đặc biệt, Công ty TNHH Abaca Việt Nam đóng tại xã Quỳnh Văn là đơn vị đầu tiên trong cả nước thu mua sản phẩm muối phơi cát truyền thống và nước mật muối của diêm dân để sản xuất, chế biến thành nhiều sản phẩm muối giảm mặn đa khoáng và muối dược liệu để chăm sóc sức khỏe con người.

Công ty đã sử dụng công nghệ phân tách vi khoáng đa tầng để giảm thiểu lượng Natri có trong muối biển, đồng thời phân tách các vi khoáng tốt cho cơ thể (Magie, Kali, Canxi) để bổ sung vào muối ăn thông thường. Từ sản phẩm muối giảm mặn, dinh dưỡng cơ bản công ty đã phát triển thêm 22 sản phẩm gia vị và dược liệu khác nhau, với chất lượng cao, điển hình như bột canh, muối tôm, muối dứa dinh dưỡng, muối tiêu, muối chanh, các loại gia vị chấm.

Ước lượng mỗi tháng Abaca thu mua khoảng 50 tấn muối biển và 40 m3 "mật muối" cho diêm dân Quỳnh Lưu. Đáng chú ý mật muối rỉ ra từ những hạt muối được xem là chất dư thừa, vốn dĩ là thứ người dân đổ đi nhưng công ty vẫn thu mua với mức giá 1.200 đồng/lít. Với dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến sâu thì hoạt động này của công ty đã góp phần tăng giá trị hạt muối phơi cát truyền thống của Quỳnh Lưu.

Nhờ những doanh nghiệp như Công ty TNHH ABACA Việt Nam, diêm dân Quỳnh Lưu có thể sống tốt hơn với nghề. Ảnh: Việt Khánh. 

Nhờ những doanh nghiệp như Công ty TNHH ABACA Việt Nam, diêm dân Quỳnh Lưu có thể sống tốt hơn với nghề. Ảnh: Việt Khánh. 

Chị Trần Thị Hồng Thắm, nữ Giám đốc trẻ tuổi của Công ty TNHH ABACA Việt Nam chia sẻ: "Mật muối là phần nước biển cô đặc sau khi bà con thu hoạch muối vẫn còn sót lại trên ruộng và kho muối, thứ vẫn được gọi là nước ót hay nước chạt. Trước đây, bà con diêm dân thường để sử dụng tái sản xuất muối, hoặc cho vào các ao hồ làm thức ăn cho tôm.

Phần này được xem là phụ phẩm trong sản xuất muối nhưng lại có hàm lượng khoáng như Kali, Magie cao và cùng hàng chục loại vi lượng khoáng khác. Nguồn nguyên liệu quý này vốn dĩ đang bị lãng quên, Abaca sẽ cố gắng dung hòa, tận thu hết giá trị mà biển cả ban tặng, điều đó không chỉ mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp mà còn nâng cao thu nhập cho diêm dân”.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Lasuco hợp tác trồng mía giảm phát thải

Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) hợp tác với một số doanh nghiệp triển khai dự án giảm phát thải carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.