| Hotline: 0983.970.780

Hổ hoang dã hay báo đỏ xuất hiện ở Pác Nặm?

Thứ Tư 16/03/2016 , 13:05 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN chiều ngày 15/3, ông Lê Xuân Diệu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) cho biết: “Cho đến chiều 15/3, các cơ quan chức năng huyện Pác Nặm vẫn chưa có thông tin chính thức về con thú hoang dã xuất hiện tại khu rừng Cà Chi, thôn Bản Sáng xã Cổ Linh là cá thể hổ hoang dã hay chỉ là báo đỏ?”.

18-17-40_1_1
Thông báo của UBND huyện Pác Nặm về việc xuất hiện cá thể hổ

Theo ông Lê Xuân Diệu, việc Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm ký Thông báo số 17/TB-UBND của UBND huyện Pác Nặm ngày 10/3/2016 về việc “Xuất hiện cá thể hổ hoang dã trên địa bàn” là nhằm khuyến cáo người dân sinh sống ở gần khu vực nghi vấn có cá thể hổ hoang dã cần đề cao cảnh giác khi đi rừng hoặc về đêm, đề phòng rủi ro, đó là trách nhiệm của UBND huyện và Lực lượng kiểm lâm trong việc an toàn tính mạng, tài sản người dân và khuyến cáo người dân cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho động vật hoang dã quý hiếm, nhất là đối với cá thể hổ.

Từ những ngày đầu tháng 3/2016, một số người dân sống ở trên lán làm nương rẫy, gần khu rừng Cà Chi, thuộc thôn Bản Sáng, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm đã kể lại sự việc khi được nghe tiếng hổ gầm rú, người thì bảo đã nhìn thấy bóng dáng con thú này, với phần nhiều đều cho rằng nó nặng từ 40 đến 50kg, có bộ lông hung đỏ, mỗi khi nó xuất hiện, trâu bò đều bỏ chạy, không dám lên đó ăn cỏ nữa.

Khi có tin xuất hiện, lực lượng Kiểm lâm huyện Pác Nặm đã kịp thời vào cuộc và tới từng lán ở của người dân để thu thập lại toàn bộ tin tức, với hy vọng đó là cá thể hổ hoặc báo gấm cũng đều rất quý hiếm và rất cần bảo vệ.

Bằng biện pháp xác định truyền thống là thử xua trâu bò lên rừng Cà Chi, thì chỉ một lúc sau tất cả lũ trâu bò lại chạy xuống, không dám lên đó kiếm cỏ lá như mọi khi, đã càng củng cố thêm rằng; khu rừng này có thú dữ xuất hiện.

Ông Dương Văn Bèn, thôn Bản Sáng xã Cổ Linh kể lại: “Khi nghe tiếng gầm gừ ở trên rừng tôi rất sợ, nổi cả da gà vì tiếng nó cứ gầm gừ như tiếng hổ…”, khi PV đặt câu hỏi: Tiếng hổ gầm như thế nào, ông đã được nghe rõ lần nào chưa? Ông Bèn lại thủng thẳng; “Cũng chỉ nghe người già nói lại thôi, mình đã bao giờ được nghe con hổ thật gầm đâu mà biết?”. Như vậy, tiếng con thú đó gầm rú trong rừng như thế nào, âm thanh ra sao, là con gì cũng chẳng ai xác định được chính xác.

Còn ông Hoàng Văn Thường, thôn Bản Sáng, báo cáo bị hổ bắt mất con lợn khoảng 25kg, qua xác minh ban đầu thì cũng chỉ là nghi vấn bị con thú dữ trên rừng xuống bắt lợn, chứ thực tế sự biến mất của con lợn chẳng để lại vết tích gì cả. Cho đến nay, các biện pháp nghiệp vụ để gắng xác định con lợn đó biến mất như thế nào, thú dữ ăn thịt hay “hợi tặc” xẻ thịt thì vẫn là câu bỏ ngỏ.

Riêng đối với ông Giàng Á Thỉnh, xóm Nà Mản, thôn Khuổi Trà xã Cổ Linh, người tự khoe đã được tận mắt nhìn thấy nó xuất hiện gần ông khoảng 100 m, làm cả đàn trâu nhà ông phải bỏ chạy, thì con thú đó có màu hung đỏ, khi PV lấy 2 hình ảnh 1 con hổ Đông Dương và 1 con báo đỏ, từ chiếc điện thoại di động thông minh cho ông Thỉnh xem, thì ông ta chỉ vào hình dáng và màu lông của báo đỏ và cho rằng, con thú ông nhìn thấy đã rất giống với con báo đỏ.

Trao đổi việc này với ông Vi Văn Tuyến – Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm được biết: “Nhận được báo cáo của UBND xã Cổ Linh và tin tức từ người dân báo về Thường trực UBND huyện là có cá thể hổ xuất hiện, UBND huyện đã có Thông báo khẩn cấp nhằm bảo vệ người dân khi có thú dữ xuất hiện, đồng thời cũng cảnh báo người dân phải bảo vệ cả động vật hoang dã quý hiếm.

Tuy nhiên, nó là con hổ hay báo đỏ cũng cần thời gian nữa để xác minh, nhưng với nhiều thông tin thu thập được trong mấy ngày qua, thì nghi vấn con thú dữ này chắc là con báo đỏ.”.

Sự việc lên đến cao trào, các cơ quan chức năng vào cuộc bủa vây, theo dõi xuất cả tuần nay, lại không có ai nghe được tiếng nó gầm gừ nữa. Phải chăng, đó chỉ là con báo đỏ xuất hiện làm người dân hoang mang tưởng nó là con hổ.

Vì khu rừng Cà Chi giáp ranh với xã Cao Thượng huyện Ba Bể (Bắc Kạn) và xã Hồng Thái huyện Na Hang (Tuyên Quang), sợ nó đã lẩn sang các vùng lân cận, gây nên nhiều phiền toái khác, phóng viên NNVN đã có cuộc rượt đuổi để tìm kiếm các thông tin cả phía Na Hang và Vườn Quốc gia Ba Bể để có thêm thông tin nhiều chiều.

Trao đổi với ông Đặng Đức Hoài – Cán bộ Văn phòng UBND xã Hồng Thái huyện Na Hang (Tuyên Quang) được biết: Cá nhân ông cũng như UBND xã Hồng Thái chưa nghe thông tin nào về sự xuất hiện của thú dữ đến bắt gia súc, gia cầm trong suốt nhiều năm qua.

18-17-40_2
Báo cáo mới nhất của UBND xã Cổ Linh về sự việc

Còn trong cuộc trao đổi với ông Vân Đình Thảo – Bí thư Huyện ủy huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang chiều ngày 15/3, được biết: “Sáng nay 15/3, tôi đã Họp Giao ban với các xã, có mặt đầy đủ Bí thư, Chủ tịch các xã, nhưng không nghe thông tin gì mới về thú dữ xuất hiện. Đặc biệt là từ rất nhiều năm qua đã không có thông tin nào về việc trâu, bò, lợn bị thú dữ ăn thịt hoặc bị mất tích bí ẩn cả…”.

Qua làm việc với ông Khổng Văn Quang – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng Đặc dụng Na Hang (Tuyên Quang) cũng được biết: “Rừng Đặc dụng Na Hang chưa ghi nhận được cá thể hổ nào, nhưng trong năm 2014, một số người dân đi rừng có phát hiện mẫu dấu chân thú rất khác thường, người dân đã báo tin cho lực lượng Kiểm lâm đến xác minh, thì vẫn nghi vấn là mẫu dấu chân của loài báo, chúng thường xuất hiện tại vệt rừng, khe suối chạy dọc theo các xã; Hồng Thái; Khâu Tinh; Sơn Phú; Đà Vị”...

Riêng ông Bùi Văn Quang – Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) đã khẳng định với NNVN rằng: “Vườn Quốc gia Ba Bể chưa ghi nhận được thông tin nào về sự xuất hiện của cá thể hổ tại Vườn, kể cả các thông tin của người dân sống quanh vùng đệm này cũng chưa có ghi nhận được tin tức gì về sự xuất hiện của hổ…”.

Qua hàng loạt thông tin từ các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, nơi có rừng đặc dụng, rừng bảo tồn, Vườn rừng Quốc gia nằm liền kề với địa điểm được cho là “xuất hiện cá thể hổ xã Cổ Linh”, đã minh chứng thêm rằng: Con thú dữ xuất hiện tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm trong đầu tháng 3 vừa qua, rất có thể chỉ là con báo đỏ, vì thông tin này có sự trùng hợp với các thông tin thu thập được tại Rừng Đặc dụng Na Hang, nơi được cho là “điểm an toàn” của thú dữ trong núi rừng Việt Bắc suốt nhiều năm qua.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Kênh Chợ Gạo mở rộng gấp 3 lần do sạt lở

Tiền Giang Nhiều năm qua, do ảnh hưởng bởi thiên tai, kênh Chợ Gạo rộng thêm gấp 3 lần so với trước đây.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.