Thay đổi cách thức truyền thông để tạo thói quen tốt cho người dân
Sáng 19/12, Hội thảo "Chuyển đổi số hỗ trợ tiếp cận thị trường nông sản và Góp ý hoàn thiện Phần mềm AgriDataGo" được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cho biết các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ còn thiếu định hướng dài hạn, thường xuyên “loay hoay” trong lựa chọn “vật nuôi, cây trồng” và xác định thị trường mục tiêu. Hầu hết bà con còn đang rất thiếu thông tin về thị trường, nhất là các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường đầu ra.
Bên cạnh đó, thông tin không đầy đủ về quy định biện pháp phi thuế quan của thị trường đích cũng là thách thức lớn. Nông sản muốn bán vào các thị trường đích cần đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật (SPS, TBT), cũng như các yêu cầu khác như trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch...
“Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là áp dụng công nghệ mới mà còn phải thay đổi cách thức truyền thông để tạo thói quen tốt cho người dân. Đồng thời, chúng tôi hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ họ thích ứng với xu hướng thị trường hiện đại.
Vì vậy, cần xây dựng một hệ sinh thái với nền tảng chung bao gồm các dữ liệu cụ thể, dễ hiểu về tiêu chuẩn, các biện pháp phi thuế quan và quy trình thực thi để các chủ thể sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu nắm bắt thông tin kịp thời. Từ đó, tuân thủ tốt hơn quy định của các nước cũng như của Việt Nam, góp phần phát triển sản xuất và xuất khẩu nông lâm thủy sản bền vững", ông Hiển nói.
Xây dựng hệ sinh thái chuỗi giá trị phát triển nông sản
Dự án “Xây dựng hệ thống dữ liệu theo chuỗi giá trị để hỗ trợ quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của Việt Nam” (AgriDataGo) được Quỹ Thiện Tâm (VinGroup) tài trợ, Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Dịch vụ chất lượng Retaq (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) triển khai từ tháng 10/2023, giai đoạn 1 kết thúc vào tháng 10/2024.
Dự án cung cấp phần mềm miễn phí AgriDataGo nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cả nước có thể tiếp cận công bằng và đầy đủ thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các thủ tục cần thiết để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tư vấn phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cho các chủ thể để tăng cường năng lực xâm nhập và cạnh tranh trên thị trường.
“Hiện các đối tượng yếu thế (doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, nông dân) khi kết nối những nông sản của mình vào thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn bởi không thông hiểu các quy định pháp lý, yêu cầu thị trường, đặc biệt là một số quốc gia thường xuyên thay đổi các quy định, tiêu chuẩn.
Do vậy, AgriDatatGo là công cụ giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với các yêu cầu của thị trường. Thiết kế cơ bản của dự án nhằm giải đáp được 2 vấn đề lớn, đó là thị trường mà sản phẩm sẽ hướng tới và cách thức để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường đó’", TS Trần Đăng Ninh, Giám đốc Retaq nói.
Hiện nay, giai đoạn 1 (5/2023 - 5/2024) của phần mềm AgriDataGo đã hoàn thành và đang kiểm tra dữ liệu về tôm và sầu riêng, đồng thời thu thập thông tin, đánh giá nhiều thị trường như Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil và các thị trường tiềm năng khác.
Ông Ninh cho biết, dự kiến giai đoạn 2 (6/2024 - 12/2025) sẽ mở rộng tính năng và cung ứng dịch vụ quản lý chất lượng sản phẩm OCOP sau công nhận và phần mềm miễn phí đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh.
Ông Đặng Xuân Trường, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mong muốn có thể ứng dụng chuyển đổi số và phần mềm AgriDataGo trong công tác khuyến nông. “Tôi đề xuất phát triển phần mềm AgriDataGo theo hướng tích hợp dữ liệu phân tích thị trường và điều kiện môi trường. Từ đó, cung cấp cảnh báo sớm cho nông dân, giúp bà con chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, phần mềm không chỉ hỗ trợ theo dõi tình trạng cây trồng qua hình ảnh mà cần tích hợp thông tin cảnh báo sâu bệnh và giải pháp cụ thể khi nông dân đăng tải dữ liệu”, ông Trường nói.