| Hotline: 0983.970.780

Không có chất ô nhiễm, hệ sinh thái mới tái sinh

Thứ Ba 05/07/2016 , 07:15 (GMT+7)

Đằng sau việc xác định rõ thủ phạm gây ra hiện tượng hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung là hàng loạt vấn đề đặt ra cho việc khôi phục lại môi trường biển...

19-32-57_ong-mi-vn-trinh
Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp Mai Văn Trịnh

 

Đằng sau việc xác định rõ thủ phạm gây ra hiện tượng hải sản chết tại 4 tỉnh miền Trung là hàng loạt vấn đề đặt ra cho việc khôi phục lại môi trường biển, đảm bảo sự phát triển hệ sinh thái cũng như đánh bắt cá của ngư dân trên biển khơi.

Giới khoa học lo ngại phải mất hàng thập kỷ mới có thể khôi phục lại rạn san hô đã bị hủy hoại. Còn những việc trước mắt như làm thế nào để thu gom được hết số trầm tích hay các trầm tích đó liệu có sinh ra các loài thủy sinh khác không là những câu hỏi khó cho các nhà khoa học và nhà quản lý.

NNVN đã gặp ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, thành viên của tổ công tác đặc biệt thuộc Bộ NN-PTNT từng khảo sát ở miền Trung vừa qua. Ông Trịnh cho biết, biển vẫn có thể ô nhiễm nếu như nhà máy vẫn xả thải dù kiểm soát được nước thải.

Phục hồi rạn san hô ít nhất 50 năm

Thưa ông, có một vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm đó là việc tái sinh các rạn san hô. Với hiện trạng như hiện nay, việc này sẽ diễn ra như thế nào?

Qua báo cáo của nhóm thợ lặn, rạn san hô ở vùng Vũng Áng bị đổi màu (chết). Thực tế, san hô chết rồi thì khó phục hồi lắm. Vì san hô phải mất nhiều năm, nếu có sự phát tán hoặc ở phía dưới chân nó chưa chết thì có cơ may mọc lên.

Các nhà khoa học tính toán, trong điều kiện phát triển bình thường, phải mất khoảng 50 năm, các rạn san hô, bãi san hô mới có thể phát triển được bằng thời điểm trước khi sự cố môi trường xảy ra. Vì đây là loài phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ lớn lên 1 - 2cm.

Song để nó mọc được lên (theo cách hiểu được tái tạo lại, ngoài việc mất hàng chục năm trời thì yêu cầu quan trọng nhất là môi trường biển phải sạch). Chứ một mặt vừa khôi phục, một mặt vẫn xả thải thì khó kỳ vọng sự hồi phục san hô và hệ sinh thái nguyên trạng được. Đây là thử thách lớn giữa một bên là phát triển kinh tế, một bên là đảm bảo môi trường biển trong sạch.

Nghĩa là muốn có được san hô, hệ sinh thái, sinh vật biển, tôm cá phong phú, môi trường biển phải được kiểm soát nghiêm ngặt, nước biển phải sạch. Còn có sự xả thải thì dù chất lượng nước thải đạt dưới ngưỡng, biển vẫn bị ô nhiễm?

Đúng vậy. Ở đâu có san hô là môi trường biển ở đó được đảm bảo. Vì thế chất lượng nước thải của khu công nghiệp có đạt dưới ngưỡng đi chăng nữa vẫn có chất ô nhiễm tồn dư. Ví dụ, ngưỡng cho phép nồng độ 1 chất nào đó là 100 ppm (phần triệu) nhưng 99 ppm thì vẫn có chất ô nhiễm trong đó.

Một phép tính sau sẽ rõ: Một nhà máy xả thải 12.000 m3/ngày đêm. Trong 100 lít nước thải với hàm lượng 100mg chất ô nhiễm/lít thì tải lượng đó là 100x100 = 10.000mg = 10g. Nếu 1.000.000m3 sẽ là 100mg x 109 lít = 100 tấn chất ô nhiễm. Như vậy 360 ngày sẽ có khoảng 432 tấn chất ô nhiễm được xả thải (đây chỉ là mới một chất thôi, chứ trong nước xả thải nó có nhiều chất lắm, Fe, thủy ngân, asen…).

Cho nên, chỉ có khi nào không có chất ô nhiễm hệ sinh thái mới không bị thay đổi hay nói cách khác là có cơ may để phục hồi, tái sinh.

Cần những nghiên cứu sâu

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, nước thải từ Formosa ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua… kết hợp với Hydroxit sắt tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel) có tỷ trọng lớn hơn nước biển là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Thưa ông, nếu phức chất đó không tan hay pha loãng trong nước thì nó tồn tại bao lâu và những tác động của nó đối với môi trường biển tiếp theo sẽ như thế nào?

Các hợp chất (trong đó nó đã ngậm nước) cộng với môi trường nước biển có hàm lượng muối cao thì dễ xảy ra quá trình trao đổi chất, hyđrat hóa và các phản ứng hóa học khác sẽ dẫn đến một số kết quả: Một phần phức hợp nó chuyển thành dạng bùn, sau đó cứng lại. Nếu chưa bị cứng (còn dạng phức), khi bị tác động bởi các dòng hải lưu thì nó di chuyển. Quá trình di chuyển, nó gặp các khối đá, vật cản rất dễ bị chia nhỏ ra phân tán thành nhiều đám mây, hoặc vướng vào các khe đá ở đáy biển. Như vậy, việc quản lý, xử lý phức chất này càng phức tạp hơn.

Liệu các phức chất độc hại này nó có tạo ra các loài thủy sinh mới không thưa ông?

Trong tổ công tác của chúng tôi chỉ làm các xét nghiệm về độc học, xem mức nồng độ các chất ngưỡng bao nhiêu thì cá chết. Vì thế liệu các phức chất này có tạo ra các loài thủy sinh khác (đột biến) thì phải làm các thí nghiệm dài hạn tiếp theo.

Giả sử có đột biến nguy cơ sẽ như thế nào đối với vùng biển?

Các phức chất này là ở dạng nhớt nó dính vào mang con cá làm cá không thở được. Hoặc có những hợp chất ôxy hóa mạnh, trong quá trình ôxy hóa chúng lấy hết ôxy ở môi trường khiến cá, tôm chết. Đây là dạng ngộ độc cấp tính nên tôm, cá sẽ chết ngay tức khắc. Bản thân Phenol, Xyanua là chất ngộ độc cấp tính ngay lập tức. Do đó, khả năng xảy ra đột biến là rất ít. Muốn biết có hay không một cách chính xác thì phải xét nghiệm và có thêm thời gian. Từ giả thiết bạn đặt ra, tôi cho rằng các cơ quan chức năng sẽ phải có trách nhiệm tính đến việc nghiên cứu này.

Tuy nhiên, điều chúng ta dễ thấy rằng, nó (các phức chất) sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái trong vùng bị ảnh hưởng. Rõ nhất là nó làm thay đổi thành phần hóa học của nước và dẫn đến làm thay đổi đa dạng sinh học biển. Một số loài không phù hợp sẽ phải di cư đến chỗ khác, số ở lại nó sẽ giảm dần.

Thưa ông, nếu phức hỗn hợp (Mixel) ở vùng đáy biển không tự phân hủy thì nguy cơ hệ sinh thái của biển sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề? Giả thiết hút hết trầm tích dưới đáy biển vùng bị ảnh hưởng, theo ông có khả thi?

Tôi có đọc ý kiến của TS Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tìm nguyên nhân cá chết trên một tờ báo, được biết, 50% diện tích san hô khu vực biển 4 tỉnh đã bị phá hủy trên tổng số 800ha.

TS Lợi đặt ra giải pháp làm sạch môi trường đáy biển miền Trung đã được các nhà khoa học nghiên cứu. Theo đó, trong trường hợp các phức chất ở vùng đáy không phân hủy hết, thì hút trầm tích đáy biển.

Như vậy, với dải biển dài 209km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên. Sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. Cá nhân tôi cho rằng, giải pháp này sẽ ngốn rất nhiều kinh phí và nếu làm được thì điều này mới giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm của biển hiện nay. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng khó khả thi vì vấn đề kinh tế. Do đó các giải pháp đưa ra lúc này cần tiếp tục tính toán, cân nhắc trước khi quyết định.

Xin cảm ơn ông!

“Tại thời điểm Formosa xả thải lưu lượng lớn, bất ngờ nên tôm, cá và hệ sinh thái bị ngộ độc cấp tính dẫn đến chết, bị hủy hoại. Còn về lâu dài, việc xả thải dù có được kiểm soát thì chất lượng môi trường nước biển vẫn có thể bị ô nhiễm.

Dù tôm, cá và hệ sinh thái về lâu dài có thể thích nghi với môi trường đó nhưng khả năng hàm lượng các độc tố trong tôm, cá, hệ sinh thái vẫn tồn dư.

Trong môi trường nước biển mà hàm lượng một chất ô nhiễm nào đó cao thì hàm lượng chất ô nhiễm trong tôm, cá cũng sẽ cao lên. Đây là khả năng thích ứng của cơ thể sinh vật.

Ngay cả trên sông Nhuệ ô nhiễm như thế nhưng vẫn có loài cá sống được. Đó là bản năng sinh tồn và thích nghi. Ở vùng biển có một chất ô nhiễm tăng lên như asen, thủy ngân thì hàm lượng độc tố đó trong tôm, cá cũng sẽ tăng lên”, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp Mai Văn Trịnh khuyến cáo.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm