Một bức tranh đầy tươi mới về vùng cao Nghệ An đã được khắc họa đậm nét kể từ khi Chương trình MTQG phát triển KT-XH cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) (gọi tắt là Chương trình 1719) tràn qua.
Các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân (hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng; chính sách bình đẳng giới; chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…) đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần nâng cao dân trí, tạo sinh kế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dù vậy tiến độ triển khai thực hiện của một số Dự án, Tiểu dự án khá chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp. Cá biệt có một số nội dung chưa thực hiện được, hay như việc đề xuất lựa chọn, phê duyệt danh mục dự án đầu tư hiệu quả chưa cao, phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi…
Điều này thể hiện rõ qua Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”. Riêng Tiểu dự án 1 “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” đến thời điểm cuối năm vẫn chưa thể sử dụng vốn sự nghiệp dù ngân sách Trung ương đã bố trí cho Ban Dân tộc và các huyện từ lâu. Nguyên nhân được hiểu là chưa có văn bản hướng dẫn nội dung thực hiện đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn (Mông và Khơ Mú).
Tiểu dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” cũng vướng mắc do công tác tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS còn bó hẹp về đối tượng cộng đồng, độ tuổi...
Về nguyên nhân khách quan, trước tiên thấy rằng Chương trình đa dạng về nội dung, hình thức với 10 Dự án, 14 Tiểu dự án và 36 nội dung thành phần. Bao hàm là thế nhưng hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn với sự tham gia chủ trì của nhiều Bộ, ngành Trung ương nhưng nhiều nội dung chưa rõ, chưa cụ thể, nhất là đối tượng, định mức chi, quy trình thực hiện, trình tự thủ tục thanh quyết toán...
Chưa kể lộ trình phân vốn của Trung ương năm sau nhiều hơn năm trước dẫn đến tình trạng dư thừa, đặc biệt là nguồn sự nghiệp. Một số nội dung vốn được cấp nhiều nhưng không có, hoặc thiếu đối tượng thụ hưởng. Ngược lại một số đầu mục có nhu cầu, đối tượng thụ hưởng lớn nhưng nguồn vốn phân bổ ít, vô hình trung dẫn đến tình cảnh “người cần không có, người có không cần”.
Tiến độ chậm cũng đến từ năng lực yếu kém của đội ngũ cán bộ địa phương, nhất là cấp xã. Bên cạnh đó, một bộ phận nặng tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu quyết liệt, chưa mạnh dạn, linh hoạt trong công tác tổ chức, thực hiện.
Từ thực tiễn đặt ra, năm 2025 tỉnh Nghệ An xác định phải tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, kịp thời sửa đổi và cập nhật khi có sự thay đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.
Chương trình MTQG 1719 với chủ trương thiết thực đã tạo ra hiệu ích tích cực, toàn diện khắp miền Tây xứ Nghệ, tin rằng khi những nút thắt dai dẳng được tháo gỡ hoàn toàn, diện mạo vùng cao Nghệ An sẽ được nâng tầm hơn nữa.