Sáng ngày 20/12, tại Hà Nội, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm miền núi với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam.
Sự kiện lần này diễn ra từ ngày 20 đến 22/12, kết hợp giữa 2 hoạt động là Hội nghị Kết nối giao thương và Khu trưng bày, quảng bá sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận - quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Ban tổ chức cũng đã bố trí khu trưng bày về cây sâm Ngọc Linh và các sản phẩm làm từ cây sâm Ngọc Linh để quảng bá, giới thiệu đến người dân Thủ đô và các tỉnh phía Bắc.
Cây sâm Ngọc Linh là một phần tâm thức, là niềm tự hào của người Xê Đăng nói riêng và đồng bào vùng cao Nam Trà My nói chung. Không chỉ là dòng sâm quý trên thế giới, sâm Ngọc Linh còn mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa đồng bào Xơ Đăng. Từ “nóc nhà Tây Nguyên”, sâm Ngọc Linh đã rời tán rừng nguyên sinh và có mặt tại Hà Nội.
"Chúng tôi đưa sâm Ngọc Linh tới Hà Nội với mong muốn quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có dịp “thực mục sở thị” những củ sâm Ngọc Linh quý hiếm đến từ vùng núi Nam Trà My. Mỗi củ sâm Ngọc Linh được trưng bày và bán tại sự kiện này đều được Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam bảo chứng, chịu trách nhiệm về chất lượng và nguồn gốc để người mua yên tâm", ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội Sâm Quảng Nam cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Quảng Nam, các đơn vị tham gia Chương trình xúc tiến thương mại ngày càng quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, tiên tiến phục vụ sản xuất; chất lượng sản phẩm dần được nâng cao; trong đó, khâu an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng; mẫu mã, bao bì, nhãn mác được cải tiến; việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được thực hiện tốt; giải quyết được nhiều lao động địa phương; doanh thu, lợi nhuận bình quân của chủ thể được gia tăng hơn so với trước khi tham gia Chương trình.
Hiện nay, các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cấp được Giấy chứng nhận OCOP có 407 sản phẩm (nhóm thực phẩm 302, đồ uống 32, dược liệu, sản phẩm từ dược liệu 24, thủ công mỹ nghệ 47, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch); trong 407 sản phẩm đã đạt sao (61 sản phẩm đạt 4 sao, 346 sản phẩm đạt 3 sao).
Có 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó có 43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), 164 hộ sản xuất. Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.
Dịp này, Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam cũng tổ chức livestream phiên đấu giá sâm Ngọc Linh để hỗ trợ cho đồng bào nghèo huyện Nam Trà My. Phiên đấu giá diễn ra sôi động, thu hút đông đảo mọi người tham gia bởi ý nghĩa nhân văn của chương trình. Người đóng góp sâm vào phiên đấu giá và người tham giá đấu giá đều nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ chương trình, đều hướng đến việc chia sẻ với đồng bào nghèo.
Dược sỹ Nguyễn Văn Toanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Dược phẩm Bạch Mã Vạn Xuân tham gia đấu giá chia sẻ: "Tôi đã rất xúc động với chương trình đấu giá này. Với 60 triệu là xoá được một căn nhà tạm cho đồng bào nên tôi đã trả giá cho 2 củ sâm là 238 triệu đồng. Hy vọng qua chương trình sẽ có thêm nhiều căn nhà kiên cố hơn để đồng bào khó khăn vui đón Tết".
Việc tổ chức hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm miền núi với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát, nghiên cứu thiết lập các điểm tiêu thụ sản phẩm miền núi, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; triển khai hiệu quả kế hoạch, phương án tiêu thụ, xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh; đồng thời, lồng ghép đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch.