Vì sao cánh đạo diễn phim tài liệu mỗi lần xem “reality shows” (truyền hình thực tế) lại cứ phát điên lên? Một đạo diễn của kênh Discovery còn gào to: “Tại sao chúng tôi học hành bao nhiêu năm để làm thể loại này trở nên nghiêm chỉnh và chính thống, thì dân truyền hình thực tế lại dám biến thể loại tài liệu trở nên lố bịch như vậy?”.
Và, đã không ít nhà phê bình thẳng thắn gọi “truyền hình thực tế là rác rưởi và làm sứ mệnh mua vui từ những thảm họa”.
Trong show "Ai muốn làm việc cho P.Diddy?" của Mỹ, người ta có thể thấy thí sinh nữ da màu Kim đi thi đến 2 lần và nhân vật Kim đáng ghét, hả hê và khuôn mặt tỏ ra sung sướng mỗi khi thấy người bị loại không phải là mình, đã khiến không ít khán giả dán mắt vào xem. Kim được đánh giá là “nhân vật của truyền hình thực tế”. Và thực tế, vắng thí sinh Kim, chương trình này nhạt nhẽo hẳn đi.
Thí sinh Kim trong show "Ai muốn làm việc cho P.Diddy"
Các chương trình của Việt Nam cũng tận dụng khá triệt để những nhân vật kiểu như Kim. Ví dụ, Lê Thị Phương của "Vietnam’s Next Top Model" mùa thứ 2 - cô gái ngờ nghệch, dù chả xuất sắc hơn ai nhưng lại tiến khá sâu vào những vòng sau, bởi hơn ai hết, nhà sản xuất biết rõ, đó là một nhân vật có sức hút để kéo khán giả ngồi xem.
Mới đây, truyền thông và khán giả lại được một phen dậy sóng khi đêm thi “Sing-off” (thi vớt) của cuộc thi “The Voice" (Giọng hát Việt) diễn ra vào tối Chủ nhật (30/9) vừa qua. Sau khi 8 thí sinh ở hai đội HLV Trần Lập và Thu Minh được khán giả và chính HLV lựa chọn. Các thí sinh còn lại phải trình bày một người một bài hát, mỗi HLV sẽ lựa chọn thêm 1 người, và loại 2 người còn lại. Trong khi ca sĩ Thu Minh có những lựa chọn khiến đa số khán giả đồng tình, thì Trần Lập đã có lựa chọn gây tranh cãi.
Bảo Anh, thí sinh bị nhiều khán giả đánh giá là “thảm họa” khi hát ca khúc “Everytime” tại đêm Liveshow 1, sau đó, cô chọn ca khúc “Giấc mơ ngày xưa” (sáng tác Việt Anh) cho đêm “Sing-off”.
Khách quan mà nói, Bảo Anh đã làm tốt hơn đêm Liveshow 1, với “Giấc mơ ngày xưa”, ít nhiều thí sinh này đã bộc lộ được thế mạnh của mình là sự hồn nhiên, trong sáng và trình diễn khá thoải mái, tuy vậy, những điểm yếu trong giọng hát như chênh, phô, xử lí non… vẫn khiến nhiều khán giả có cảm giác khó chịu. Hai thí sinh còn lại là Thảo Nguyên và Huỳnh Anh Tuấn, dù biểu diễn tốt hơn Bảo Anh nhưng lựa chọn cuối cùng của Trần Lập là Bảo Anh.
Đường đi của Bảo Anh trong cuộc thi “The Voice” khá sóng gió. Ngay vòng “Giấu mặt”, cô đã được HLV Hồ Ngọc Hà “mặc cho cái áo quá khổ” - là Taylor Swift Việt Nam. Chính điều này đã khiến dư luận săm soi lối sống của thí sinh này khi những bức ảnh vui chơi trong quán bar của cô được đưa ra bình luận.
Đường đi của Bảo Anh trong cuộc thi “The Voice” khá sóng gió
Sau đó, tại vòng “Đối đầu”, Trần Lập đã lựa chọn cô thắng cuộc dù cô không nhỉnh hơn thí sinh Thanh Thủy. Chính điều này, tin đồn tình cảm giữa cô và HLV Trần Lập cũng được dấy lên và đêm “Sing-off”, như giọt nước tràn ly, khiến dư luận bức xúc.
Dù thích hay không thích, không ai có thể phủ nhận cái tên Bảo Anh đang rất “hot” và gây tranh cãi. Cô có nhan sắc, chiêu trò, khả năng gây tranh cãi và đời sống hậu trường ồn ào. Ở các show nước ngoài, những cái tên như vậy được gọi là “nhân vật của truyền hình thực tế”, một chương trình mà thiếu những nhân vật như vậy thì sẽ… giảm đi một lượng người xem đáng kể.
Truyền hình thực tế tôn thờ cảm xúc tức thời của khán giả, có người khiến khán giả rút máy ra nhắn tin và cũng có người kêu gào, la ó ầm ĩ… Điều này đã được xem là một phần tất yếu của truyền hình thực tế.
Cũng được xem là “kẻ thù” của các thí sinh dự thi các chương trình truyền hình, đó là… Editor (bộ phận biên tập). Nhiều chương trình được ghi hình lại và phát sóng nên đa phần các thí sinh chẳng biết họ đã làm gì với phần thi của mình. Jason Tien Nguyen, thí sinh gốc Việt thi "X-Factor" của Anh, đã phân trần: "Thi xong thì em sợ lắm, vì em không chủ động được, người ta có thể biến em thành anh hùng nhưng cũng có thể biến em thành thảm họa".
Xem các show như “Got Talent” (Tìm kiếm tài năng), "X-Factor"… thì khán giả có thể cười suốt ngày, bởi quá nhiều trò mua vui, điều đáng nói, tất cả các màn thi được cho vào vòng “Audition” (diễn trực tiếp cho giám khảo) đều đã qua một vòng “pre-cast” (sơ loại).
Người dự thi sơ loại có thể hay, dở và cực kì dở, đều có thể được chọn, với điều kiện… nhà sản xuất đã tiên liệu, bạn có lợi gì cho họ hay không? Bạn là một tài năng, thảm họa khiến khán giả cười ngặt nghẽo hay một nhân vật có câu chuyện thương tâm, đó là tiêu chí họ lựa chọn.
Có thể, khán giả nước ngoài, người ta thừa hiểu cách xem truyền hình thực tế nhưng với khán giả Việt, còn khá lạ lẫm. Nhưng chắc chắn, điểm chung của khán giả, dù ở đâu đi nữa thì cũng đều bộc lộ cảm xúc: vui mừng, tức tối, la ó, phản đối, thậm chí khóc lóc… trước những thân phận trên màn hình vô tuyến mỗi đêm.
Minh chứng cho điều này, đó là thể loại này vẫn phát triển ầm ầm và ngày càng đa dạng nội dung, từ ca hát, thiết kế, người mẫu… đến nấu ăn, kĩ năng sống, giảm béo…, cho nên nếu kiềm chế được, thì bớt bực mình, còn không thì cứ vui mừng, la ó, bực mình đi. Giải trí thôi mà!