| Hotline: 0983.970.780

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất do thiên tai cần nhanh hơn

Thứ Ba 29/10/2024 , 13:52 (GMT+7)

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp khôi phục sản xuất sau thiên tai cần phải nhanh chóng, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế.

TS. Nguyễn Trí Ngọc,  Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp trọng trong sản xuất nông nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Ngọc,  Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp trọng trong sản xuất nông nghiệp.

Sáng 29/10, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang tổ chức “Tọa đàm tham vấn giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật”. 

TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh doanh nghiệp là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Theo quy định pháp luật, các chủ thể kinh tế là bình đẳng, trong đó, doanh nghiệp nông nghiệp không chỉ tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy công ăn việc làm mà còn góp phần gia tăng sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội...

Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông - lâm - thủy sản, doanh nghiệp hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. 

Trước đó, Chính phủ đã thông qua Nghị định số 02/2017/NĐ-CP năm 2017 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nhưng đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần điều chỉnh, bổ sung, cập nhật.

Nghị quyết số 143/NQ-CP, ban hành ngày 17/9/2024, của Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả của bão số 3 (Yagi). Tuy nhiên, doanh nghiệp và người nông dân vẫn đang đề xuất những ý kiến, bổ sung thêm những chính sách tối ưu hơn để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. 

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, chia sẻ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chống dịch bệnh và hậu thiên tai đã được Chính phủ đưa ra từ lâu, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, trong đó mất rất nhiều thời gian để vốn trợ cấp và hàng cứu trợ đến được tay người dân.

Ông Thành hy vọng, trong thời gian tới, các chính sách cần phải được nghiên cứu kỹ và thiết thực hơn, phù hợp với điều kiện thực tế trong đó cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề nhanh và sớm bởi nông nghiệp là ngành có tính thời vụ và mùa vụ rất lớn.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, thiên tai và dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại to lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp. 

Do đó, ông Báo đề xuất Chính phủ cần có các chính sách miễn, giảm các nghĩa vụ của doanh nghiệp với nhà nước như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tiền thuê đất. Thậm chí, có thể xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho doanh nghiệp bị thiệt hại đã tham gia hỗ trợ người dân vùng thiệt hại.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed đề xuất một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp sau thiên tai.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed đề xuất một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp sau thiên tai.

Ngoài ra, còn những chính sách cần được quan tâm như tái cơ cấu sản xuất chuỗi cung ứng, khuyến khích các doanh nghiệp tái cơ cấu mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, áp dụng các giải pháp canh tác thông minh, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. 

Đồng thời, cần rà soát lại quy hoạch các ngành nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên phát triển các ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ gắn với hoạt động sản xuất của nông nghiệp, ở nông thôn.

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái khởi động sản xuất và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước ta.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.