| Hotline: 0983.970.780

1001 lỗi trong cuốn 'Thăng Long - Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử'

Thứ Tư 13/11/2024 , 15:16 (GMT+7)

Sách dày gần 800 trang, thống kê 1.000 sự kiện lịch sử Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Lịch sử (ĐH KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội) chủ biên.

Cuốn 'Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử' do NXB Hà Nội phát hành (2017), thuộc Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Cuốn “Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử” do NXB Hà Nội phát hành (2017), thuộc Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Do khuôn khổ tờ báo, tôi chỉ bàn đến những sự kiện thuộc thế kỷ XX, xin được bắt đầu từ sự kiện số 501: Ra mắt Đông Dương tạp chí, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội, năm 1913.

Những người biên soạn - từ đây gọi tắt là Vũ Văn Quân (chủ biên-CB), viết: “Năm 1913, xuất bản tờ báo in hoàn toàn chữ quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội là “Đông Dương tạp chí”. “Đông Dương tạp chí” ra hàng tuần vào ngày thứ năm do Schneidor làm chủ nhiệm. “Đông Dương tạp chí” ra số đầu tiên vào ngày 15.5.1913, đến số 85 (ra ngày 31.12.1914) có 16 trang, khổ 27x21,5cm” (tr. 379).

Ở đây, cần lưu ý viết cho đúng tên người đứng đầu “Đông Dương tạp chí” là F.H. Schneider, chứ không phải Schneidor. Việc viết sai tên người Pháp này còn thấy ở sự kiện 507 tên Toàn quyền Sarraut bị viết sai thành Saraut (tr. 383). Và chức danh in trên măng-séc “Đông Dương tạp chí” là chủ nhân F.H. Schneider chứ không phải chủ nhiệm. Tiếp đó, cần viết cho đúng tên tòa soạn “Đông Dương tạp chí” nằm ở số 20 đường Carreau (nay là phố Lý Thường Kiệt) chứ không phải Careau.

Tôi cũng cần nói thêm, từ số 1 đến số 85, Đông Dương tạp chí ra hàng tuần vào ngày thứ 5, măng-séc của báo ghi rất rõ. Từ số 1 loại mới, báo vẫn ra hàng tuần, song chuyển sang chủ nhật, tăng trang gấp đôi và đổi khổ báo.

Lỗi trong sách 'Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử' – Vũ Văn Quân (Chủ biên). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Lỗi trong sách “Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử” – Vũ Văn Quân (Chủ biên). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Sang trang 380, Vũ Văn Quân (CB) viết tiếp: “Đến năm 1917 “Đông Dương tạp chí” giải thể, đổi tên là “Học báo”, chuyên về sư phạm. Trước đó có tờ “Trung Bắc tân văn” ra hàng ngày xuất bản năm 1914…”. Thông tin này không đúng. Tờ “Trung Bắc tân văn” số 1 ra ngày 7.1.1915, là tờ tuần báo, từ số 39 (tháng 10-1915) báo ra 3 kỳ/ tuần; năm 1919 mới ra hàng ngày. Còn Vũ Văn Quân (CB) viết rằng năm 1917 “Đông Dương tạp chí” giải thể lại mâu thuẫn với ngay thông tin Vũ Văn Quân (CB) viết trước đó: “Đông Dương tạp chí” xuất bản đến số 231, ra ngày 15.6.1919, gồm 32 trang, khổ 24x14,5cm, xuất bản hàng tuần vào ngày chủ nhật.

Sự kiện 504, “Nam Phong tạp chí”, Vũ Văn Quân (CB) viết: Phần chữ Hán do Nguyễn Bá Trạc phụ trách” (tr. 381) là sai. Viết đúng tên là Nguyễn Bá Trác. Việc viết sai tên người còn diễn ra với Nguyễn Thường Khanh – nhà thơ, liệt sĩ Trần Mai Ninh, viết sai thành Nguyễn Tường Khanh (tr. 449); Trần Khánh Giư chứ không phải Trần Khánh Dư (tr. 454); ủy viên UBND thành phố Hà Nội sau Cách mạng tháng 8.-1945 là Trịnh Văn Bô chứ không phải Trịnh Văn Bộ (tr. 503) - không nên tuỳ tiện đánh thêm dấu vào tên nhân vật lịch sử; người góp nhiều nhất trong Tuần lễ vàng tháng 9.1945 là bà Lợi Quyền tên thật là Vương Thị Lai chứ không phải Vũ Thị Lai (tr. 511); Thư ký tòa soạn báo Sự thật là Lê Hữu Kiều chứ không phải Lê Hữu Riều (tr. 517) và báo Sự thật ra số đầu tiên vào ngày 5.12.1945 chứ không phải 5.10.1945, báo Sự thật được phát hành ở Việt Bắc đến cuối tháng 2.1951 chứ không phải đến tháng 12-1950…

Lỗi trong sách 'Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử' – Vũ Văn Quân (Chủ biên). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Lỗi trong sách “Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử” – Vũ Văn Quân (Chủ biên). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Sự kiện 580 viết về cuộc vượt ngục Hỏa Lò của 7 chiến sĩ cộng sản ngày 24.12.1932, Vũ Văn Quân (CB) cho biết đó là: Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Lê Đình Tuyển, Phạm Quang Lịch, Bùi Xuân Mẫn, Vũ Trọng Đàm (tr. 445).

Thông tin nêu trên không đúng. Ông Lê Duẩn không tham gia cuộc vượt ngục này. Theo dự kiến ban đầu cuộc vượt ngục Hỏa Lò đêm Noel 1932 có ông Lê Duẩn và ông Nguyễn Tuấn Thức nhưng sau đó hai người này không thực hiện được như kế hoạch. Nhóm Vũ Văn Quân (CB) có thể đến ngay Ban Quản lý Di tích Hoả Lò ngay trung tâm Hà Nội để xác minh lại thông tin này cho chính xác.

Sự kiện 595 – Đại biểu 18 tờ báo của Xứ ủy và Thành ủy họp tại Hà Nội ngày 12.4.1937 để chuẩn bị tiến tới Hội nghị báo giới Bắc Kỳ. Vũ Văn Quân (CB) viết tên 13 tờ báo của Thành ủy Hà Nội, trong đó có tờ Ngày nay thì rất vô lý. Bởi vì lãnh đạo tờ báo Ngày nay đều là những gương mặt không liên quan gì đến Thành ủy Hà Nội như các nhà báo, nhà văn: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long)… Viết như thế này, nhóm biên soạn nên chủ động đề nghị với Thành ủy Hà Nội làm hồ sơ công nhận và truy tặng những người lãnh đạo báo Ngày nay chế độ… lão thành cách mạng!

Về sự kiện “Tạp chí Tri Tân”, Vũ Văn Quân (CB) viết số cuối cùng là 204, ngày 13.9.1945 (tr. 478). Thông tin này sai. “Tạp chí Tri Tân” còn ra thêm 2 số đặc san về Nam Bộ kháng chiến mới đình bản. Xin được nói thêm, trong số những tác giả viết cho “Tạp chí Tri Tân” không có ai tên Vân Giang mà phải là nữ sĩ Ngân Giang tên thật Đỗ Thị Quế (1916 – 2002).

Liên quan đến báo chí, những người biên soạn tiếp tục viết sai về tạp chí của Hội Văn hóa Cứu quốc. Đó là Tạp chí Tiên phong chứ không phải Tiền phong (tr.483). Theo Vũ Văn Quân (CB), tháng 7.1945 Tạp chí Tiên phong ra số đầu tiên. Không đúng. Đó là thời gian hoàn thành bản thảo để chuẩn bị cho ra số đầu tiên nhưng ngay sau đó những người tham gia tổ chức bản thảo (Nguyễn Huy Tưởng, Khuất Duy Tiến…) đi dự Hội nghị Tân Trào, việc in ấn phải đình lại. Tạp chí Tiên phong số 1 ra ngày 10.11.1945 gồm 44 trang (kể cả 4 trang bìa), hiện vẫn được bảo quản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi – Hà Nội).

Về tờ báo Độc lập – cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam, Vũ Văn Quân (CB) viết (tr. 487) ra số đầu tiên tại Hà Nội cuối tháng 3.1945 là thêm một thông tin sai. Số đầu tiên báo Độc lập ra vào cuối năm 1944, vì thế khi tờ báo này còn hoạt động, cuối năm 1974, năm 1979 và năm 1984 đều ra những số báo đặc biệt kỷ niệm ngày ra đời báo Độc lập.

Lỗi trong sách 'Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử' – Vũ Văn Quân (Chủ biên). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Lỗi trong sách “Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử” – Vũ Văn Quân (Chủ biên). Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Sự kiện 646 cũng sai. Vũ Văn Quân (CB) viết (tr. 496): “viên Khâm sai đại thần cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn tại Hà Nội là Phan Kế Toại”… Cụ Phan Kế Toại (1892 – 1973) không phải là Khâm sai đại thần cuối cùng của triều Nguyễn. Viên Khâm sai đại thần cuối cùng của triều Nguyễn là bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ (1898 – 1967). Ngày 17.8.1945, vua Bảo Đại chuẩn y cho ông Phan Kế Toại từ chức Khâm sai đại thần Bắc Bộ và bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ lên thay.

Để viết chi ly thì sẽ có cả cuốn sách thống kê 1.001 lỗi trong sách “Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử” – Vũ Văn Quân (CB). Điều đáng nói ở đây, công trình do những nhà khoa học thuộc cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước về sử học biên soạn, được cấp kinh phí bằng ngân sách Nhà nước, sách in ra đem trưng bày và giới thiệu trong Tủ sách 1000 năm Thăng Long – Hà Nội rất hoành tráng giữa Thủ đô.

Tập thể tác giả biên soạn sách Thăng Long – Hà Nội 1000 sự kiện lịch sử, gồm: PGS.TS Vũ Văn Quân – Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội (chủ biên), PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ths Nguyễn Ngọc Phúc, TS Phạm Đức Anh, Ths Tống Văn Lợi, Ths Vũ Đường Luân, TS Lê Thị Minh Hạnh, CN Hà Duy Biển.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.