| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên phát triển các vùng trồng dừa tập trung

Thứ Tư 20/11/2024 , 10:00 (GMT+7)

Tỉnh Phú Yên sẽ hình thành các vùng dừa sản xuất tập trung ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, kết hợp phát triển cảnh quan, du lịch cộng đồng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố khảo sát cây dừa trên địa bàn. Ảnh: NT.

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố khảo sát cây dừa trên địa bàn. Ảnh: NT.

Dừa là cây đa mục đích có thể thu hoạch trái làm đồ uống tươi hay nguyên liệu chế biến, đồ mỹ nghệ, phục vụ cảnh quan du lịch, chống chịu biến đổi khí hậu tốt, hấp thụ carbon… Đây là cây trồng thích nghi rộng, phù hợp với nhiều loại đất, ít đầu tư và dễ chăm sóc.

Gần đây, trái dừa tươi của Việt Nam liên tục được 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch. Cây dừa cũng được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-BNNPTNT ngày 26/1/2024 là cây công nghiệp chủ lực quốc gia. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong phát triển cây dừa tại các địa phương.

Tại tỉnh Phú Yên từ lâu đã có thương hiệu dừa tại thị xã Sông Cầu. Tỉnh cũng có điều kiện sinh thái phù hợp và có định hướng phát triển dừa ở các huyện, thị xã vùng đồng bằng. Tính đến cuối năm 2023, diện tích dừa tại thị xã Sông Cầu là 966ha, tuy nhiên đến 3/2024 chỉ còn khoảng 890ha. Bà con trồng đa số là giống dừa ta và một số trồng dừa xiêm xanh và xiêm lửa.

Vùng trồng dừa tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: NT.

Vùng trồng dừa tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: NT.

Theo ông Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, qua tìm hiểu, khảo sát, cây dừa ở tỉnh Phú Yên phân bố rải rác, chưa hình thành nhiều vườn tập trung nên chưa được chú trọng đầu tư thâm canh.

Do đó giải pháp trước mắt để phát triển cây dừa theo ông Khuê là đối với các vườn cũ (chủ yếu dừa ta) cần triển khai một số biện pháp canh tác như làm cỏ ngọn, tạo bồn, bón phân cân đối và tưới nước hợp lý… Cùng với đó, thực hiện xen canh có chủ đích các giống dừa Xiêm, dừa ta để thay thế dần vườn dừa già cỗi, cho năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Có thể kết hợp trồng xen các cây tán thấp, tương đối ưa bóng (cây cỏ thức ăn gia súc…) kết hợp chăn thả gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.

Đối với phát triển vườn mới, cần trồng giống dừa tuyển chọn và bình tuyển cũng như có quy hoạch, xác định vùng trồng, áp dụng quy trình canh tác (GAP, hữu cơ…). Khi đã xây dựng được vùng dừa tập trung cần xây dựng thương hiệu, liên kết, quảng bá sản phẩm.

Cũng theo ông Khuê, để kế hoạch mở rộng cây dừa hiệu quả, tỉnh cần xây dựng đề án về phát triển sinh kế cho vùng dừa Sông Cầu. Đồng thời vận dụng nguồn vốn mục tiêu quốc gia hay khuyến nông để triển khai các mô hình, dự án phát triển mở rộng cây dừa. Đặc biệt, cần triển khai nhiệm vụ khoa học để xác định được giống dừa thích nghi cho tỉnh cũng như xác định và xây dựng vùng trồng tập trung, kết hợp xây dựng thương hiệu.

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, vào ngày 9/10/2024, tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch số 187 triển khai thực hiện đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây dừa.

Theo đó, tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng dừa đạt khoảng 1.500ha trong năm 2025, trong đó khoảng 1.300ha cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 21.000 tấn/năm. Đồng thời, hình thành các vùng dừa sản xuất tập trung ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, kết hợp phát triển cảnh quan, du lịch cộng đồng tại các vùng trọng điểm, có lợi thế.

Dừa là 1 trong 4 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của tỉnh Phú Yên. Ảnh: NT.

Dừa là 1 trong 4 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của tỉnh Phú Yên. Ảnh: NT.

Tỉnh chú trọng trồng các giống dừa mới có năng suất và giá trị kinh tế cao như dừa Xiêm xanh, dừa Mã Lai... Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen canh hợp lý để tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.

“Chúng tôi phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương đạt khoảng 30% và diện tích trồng dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%”, bà Thủy chia sẻ.

Song song đó, tỉnh cũng đầu tư trang thiết bị để đa dạng hóa sản phẩm từ cây dừa; tăng cường chế biến, sử dụng phế phụ phẩm từ cây dừa như xơ dừa, lá dừa, sọ dừa để phát triển các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường, thu hút khách du lịch đến Phú Yên, góp phần tăng giá trị ngành dừa, bảo vệ môi trường.

Song song đó, kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương (Sông Cầu, Tuy An...) cũng như phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch. Xây dựng các chương trình du lịch tham quan làng nghề, tham quan cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, giới thiệu quy trình và hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ dừa tại chỗ.

Mới đây, Sở NN-PTNT Phú Yên đã ký hợp tác phát triển bền vững ngành trồng trọt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Trong đó, các nhà khoa học cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Phú Yên phát triển cây dừa.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.