Nhiều ý kiến thiết thực đã được đưa ra với mong muốn ngành chăn nuôi sẽ đứng vững được khi hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu.
Chuỗi là hàng đầu
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương), những ngành sản xuất của Việt Nam sẽ thực sự gặp khó khăn là ô tô, thịt lợn, thịt bò và đường.
Như vậy, có thể thấy, chăn nuôi sẽ là lĩnh vực gặp khó khăn lớn khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tham gia WTO mới chỉ là bước 1 trong hội nhập vào kinh tế toàn cầu mà ngành chăn nuôi đã từng có những lúc lên bờ xuống ruộng bởi sản phẩm thịt từ nước ngoài tràn vào, thì khi tham gia vào TPP là một sân chơi đẳng cấp cao, khó khăn sẽ còn lớn hơn nhiều.
Tuy vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam không hẳn là không có cơ hội để cạnh tranh khi tham gia TPP. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong những năm qua, ngành chăn nuôi đang có sự chuyển dịch tuy âm thầm nhưng khá mạnh mẽ theo hướng giảm dần chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp.
Bởi có hội nhập hay không thì đây cũng là xu thế phát triển tất yếu của ngành chăn nuôi. Dầu vậy, để cạnh tranh và đứng vững được khi tham gia vào TPP, ngành chăn nuôi vẫn cần phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, gồm tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng, tái cơ cấu về vật nuôi và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng.
Trong đó, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị ngành hàng với doanh nghiệp là trung tâm, được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thực tế cho thấy trong khi ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang đầy rẫy khó khăn, sức cạnh tranh kém, nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi thường xuyên thua lỗ, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành chăn nuôi nhìn chung lại sống tốt, có lãi khá. Đơn giản vì ngay từ đầu họ đầu họ đã tập trung đầu tư, xây dựng những chuỗi liên kết.
TS Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, cũng nhấn mạnh tới việc phải tổ chức chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị, lựa chọn hình thức liên kết phù hợp và hiệu quả. Liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng và ATTP, truy xuất nguồn gốc, hạn chế nguy cơ dịch bệnh và có điều kiện khi cần vay vốn ngân hàng.
Ông Phạm Quốc Doanh – Phó trưởng ban Đổi mới DN TƯ: Không có cách nào khác là phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, tái cơ cấu phải bắt đầu từ yêu cầu của thị trường quốc tế và trong nước. Chúng ta cần phải có những điều tra cụ thể để nắm được đến 2020, nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường thế giới và ở thị trường trong nước là như thế nào? Qua đó, mới có định hướng cụ thể tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng xuất khẩu là chính hay phục vụ thị trường nội địa là chính, hoặc là phục vụ cả hai. Tóm lại phải có những điều tra cụ thể, rõ ràng, để tránh đưa ra những định hướng, mục tiêu mang nặng cảm tính. |
Hiện nay, trong chăn nuôi đang có các hình thức liên kết dọc và ngang. Liên kết dọc có 8 hình thức, gồm: Người chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công; liên kết giữa chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm; liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc; liên kết chăn nuôi 4 nhà; liên kết chăn nuôi – giết mổ - bán buôn; liên kết giữa nhà máy sản xuất thức ăn và người chăn nuôi; liên kết tạo chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn của dự án LIFSAP; liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất giống – chăn nuôi thương phẩm – sản xuất TĂCN – giết mổ, chế biến – tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, hình thức liên kết cuối cùng là toàn diện nhất, tiên tiến nhất, hiệu quả nhất, tạo sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc và có thương hiệu. Còn liên kết ngang là hình thức liên kết các HTX chăn nuôi, các tổ hợp chăn nuôi.
Theo khảo sát từ Hội Chăn nuôi Việt Nam trong năm 2014: hình thức liên kết chuỗi 4 cấp giống có cơ hội giảm giá thành 6-9% do nâng cao năng suất vật nuôi và có giá bán con giống hợp lý. Liên kết giữa người chăn nuôi và nhà máy sản xuất TĂCN góp phần hạ giá thành 5-8% do bỏ các đại lý cấp 1, 2 và 3. Liên kết khép kín từ chăn nuôi – sản xuất TĂCN – giết mổ - tiêu thụ, có thể hạ giá thành 12-15%.
Ông Trúc khẳng định trong hội nhập kinh tế, phát triển liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi là giải pháp rất quan trọng để tổ chức lại sản xuất chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Thực hiện các liên kết này, vai trò của doanh nghiệp luôn giữ vị trí chủ đạo dẫn dắt các đối tượng tham gia chuỗi. Vì vậy, nhà nước cần có các chính sách cần thiết để khuyến khích sản xuất chăn nuôi theo chuỗi.
Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng chuỗi liên kết là rất cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phải đóng vai trò trung tâm chứ không phải là nông dân. Nông dân muốn có vai trò trung tâm phải là nông dân khác, tức là nông dân mang phẩm chất của doanh nghiệp.
Xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết trong ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, thì cũng cần có tầm nhìn toàn cầu cho những chuỗi này, phải làm sao để các chuỗi liên kết chăn nuôi tham gia được vào thị trường toàn cầu.
Lo hộ nhỏ lẻ
Rõ ràng, để cạnh tranh và đứng vững được trong TPP, ngành chăn nuôi không thể không hình thành các chuỗi liên kết. Nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn trong việc làm sao có được những chuỗi liên kết thích hợp nhất để tập hợp được hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Chung Kim, chủ trại heo Kim Long (Bình Dương) đề nghị phải xây dựng những mô hình chuỗi như thế nào có thể giúp hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ duy trì và phát triển được sản xuất của họ. Đồng thời, nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách buộc những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải tham gia vào những chuỗi liên kết, để trước hết là bảo vệ cho sản xuất của chính họ. Sau đó là giúp cho nhà nước quản lý, kiểm soát được quá trình sản xuất thịt của các hộ nhỏ lẻ theo hướng an toàn.
Bà Dương Thị Thu Hà, GĐ Cty Minh Đăng cho rằng, TPP sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành nông nghiệp và các hộ chăn nuôi, nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp và cả những hội chăn nuôi vẫn còn mơ hồ, chưa hiểu rõ TPP là gì.
Từ khi tham gia vào WTO đến nay, chúng ta đã được gì vẫn chưa ai nói rõ, giờ tham gia vào TPP không biết sẽ ra sao. Vì vậy, bà Hà chỉ mong mỏi rằng làm sao thì làm, đừng để khi tham gia vào TPP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ chăn nuôi Việt Nam không bị đẩy “ra đường”.
Ngán thủ tục Một đại biệu là Việt kiều nước ngoài cho biết, với mong muốn về đầu tư ở Việt Nam, nhất là trong ngành chăn nuôi, ông đã tìm mua những con giống tốt, công nghệ mới nhất. Ông nghĩ rằng như vậy sẽ được tạo điều kiện đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi một cách dễ dàng. Nhưng không ngờ lại đụng phải quá nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian lo giấy phép này nọ. Vì vậy, ông kiến nghị các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương cần tạo điều kiện, nhất là sự thông thoáng về thủ tục hành chính để thu hút Việt kiều, các doanh nhân nước ngoài tới đầu tư vào ngành chăn nuôi. Ông Lê Bá Lịch cũng phàn nàn về sự chậm trễ trong nhiều thủ tục liên quan tới chăn nuôi hiện nay như có doanh nghiệp xin giấy phép nhập một loại nguyên liệu TĂCN mà đến cả nửa năm vẫn chưa xong… |