Chiều 20/12, tại Bình Định đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả liên kết hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây nguyên năm 2024. Tham gia hội nghị có lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, sự liên kết phát triển du lịch giữa 6 tỉnh nói trên có sự kết hợp du lịch sinh thái rừng với sinh thái biển, ví như các công ty lữ hành tổ chức các tuyến du lịch tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, thác nước của các tỉnh Tây Nguyên; kết hợp với trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái biển, đảo của các tỉnh Trung bộ.
Đồng thời kết nối di sản văn hóa phi vật thể như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên qua các lễ hội như Festival Cồng chiêng, Lễ mừng nhà rông với việc tìm hiểu về hát bài chòi, hát bội, lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và Võ cổ truyền Bình Định…
Sự liên kết được thể hiện qua các hoạt động, như: Phối hợp xây dựng gian hàng chung 5 tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên giao hòa cùng biển cả” tại Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2024; phối hợp xây dựng gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch 3 tỉnh Bình Định - Gia Lai - Phú Yên tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Phú Yên năm 2024.
“Không gian quảng bá xúc tiến du lịch chung của các tỉnh đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc về các sản phẩm, dịch vụ, giá trị văn hóa của các địa phương liên kết thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng đầu tư, thương mại và du lịch của từng địa phương”, ông Thanh chia sẻ.
Theo đánh giá của các lãnh đạo ngành du lịch 6 tỉnh, cụm liên kết là sự kết nối giữa các tỉnh ven biển vùng duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên, 2 vùng đất với 2 thế mạnh bổ trợ là biển và rừng, tạo nên hành trình trải nghiệm “lên rừng - xuống biển”, giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của từng địa phương.
Mối liên kết đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Mỗi địa phương đều sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo, hấp dẫn và riêng có.