| Hotline: 0983.970.780

11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Thứ Ba 03/01/2023 , 12:10 (GMT+7)

Năm 2023, Chính phủ xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu dựa trên các quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành được nêu ra trong phiên họp sáng 3/1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/1, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Với bối cảnh, ý nghĩa của năm 2023, dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ.

1. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống.

Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (06 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam …); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 04 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.

Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết, cấp bách.

Tập trung ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng khai thác các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.

Tiếp tục quản lý, điều hành chặt chẽ giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý. Có giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

2. Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch.

Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch.

3. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tăng cường theo dõi, đánh giá, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương.

4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức.

Hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế theo Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ.

Trình cấp có thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính đô thị. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị và chính quyền cấp xã.

Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022.

Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".

Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kém hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng luật pháp của doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Ảnh: VGP.

5. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển KTXH.

Triển khai quyết liệt giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi.

Khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước theo lộ trình, tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.

Có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia tích cực vào phát triển KTXH, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng số,  chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

Tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

Tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao.

Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, kết nối cả nước và kết nối với khu vực. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, góp phần định vị thương hiệu du lịch quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho du khách quốc tế.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội; phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023, nhất là quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 06 Vùng KTXH, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

6. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023.

Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an toàn - an ninh thông tin, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm, có giải pháp xử lý các vướng mắc của các dự án sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đưa các nguồn lực vào phát triển.

Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, hạn hán, lũ lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

7. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Giải quyết hiệu quả, cơ bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai tự chủ đại học hiệu quả, đi vào thực chất.

Gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng nghiên cứu khoa học. Tăng cường năng lực nghiên cứu công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

8. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị.

Không ngừng phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Nâng cao năng lực hệ thống, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị của tất cả các tuyến.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, giá dịch vụ y tế. Quan tâm thúc đẩy phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế khu vực ngoài nhà nước. Hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả; ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Tập trung triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, các chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người cao tuổi.

Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, nghiên cứu chính sách động viên, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP.

9. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với KTXH và KTXH với quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, từng vùng và cả nước.

Tập trung phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động của các thế lực thù địch. Đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

10. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023. Nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo tinh thần Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư.

Thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, ngoại giao văn hóa. Tiếp tục đổi mới, triển khai hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

11. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.