Hội thảo Chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản dưới sự chủ trì của Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Phương và Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Mỹ Dũng.
Dự hội thảo, có ông Nguyễn Văn Đa – Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng đại diện Sở NN&MT của 25 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp, hiệp hội. Hội thảo nhằm trao đổi, triển khai các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản và đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết về Luật Địa chất và Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thục Vy.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Phương cho biết, ngày 29/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15, thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025, riêng các chính sách đối với khai thác khoáng sản nhóm IV đã có hiệu lực ngay từ ngày 15/1/2025. Luật Địa chất và Khoáng sản với những thay đổi lớn về chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Quang cảnh hội thảo Chính sách pháp luật địa chất, khoáng sản. Ảnh: Thục Vy.
“Hội thảo Chính sách pháp luật địa chất, khoáng sản mang ý nghĩa lớn trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu rộng về các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản. Thông qua những nội dung trao đổi tại hội thảo, các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan có thể nắm bắt kịp thời và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản vừa được ban hành. Đồng thời, cũng là dịp để Bộ NN&MT lắng nghe những ý kiến thảo luận, góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản đang được đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi”, ông Trần Phương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đa – Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Địa chất và Khoáng sản. Ảnh: Thục Vy.
Ông Nguyễn Văn Đa – Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 là văn bản pháp lý quan trọng, được luật hóa cao nhằm quản lý chặt chẽ, toàn diện tài nguyên địa chất, khoáng sản. Là cơ sở pháp lý quan trọng để việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong giai đoạn mới được hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có "điểm nóng" về khai thác khoáng sản trái phép, hoặc khai thác vượt trữ lượng cho phép. Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 1629), tỉnh có 44 khu vực khai thác khoáng sản với diện tích hơn 1.300ha, trữ lượng hơn 272 triệu m³ khoáng sản làm vật liêu xây dựng, cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho các công trình trọng điểm của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên theo ông Đa, trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, địa phương nhận thấy có một số khó khăn như: các trường hợp đã cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật có hiệu lực thì có được tiếp tục giải quyết gia hạn, cấp lại giấy phép hay không; quy trình cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm đất cát san lấp còn phức tạp (khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010); chưa quy định đối với các trường hợp thu hồi khoáng sản của người dân; một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn có sự chồng chéo cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế...
“Luật Địa chất và Khoáng sản được ban hành rất kịp thời, đã giải quyết, tháo gỡ những bất cập nêu trên, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Hội thảo là dịp để triển khai Luật mới và là cơ hội để các địa phương đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn”, ông Đa cho hay.

Ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam giới thiệu, phổ biến các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản. Ảnh: Thục Vy.
Tại hội thảo ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giới thiệu, phổ biến các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản, Nghị định số 11/2025/NĐ-CP ngày 15/1/2025 của Chính phủ, Thông tư số 01/2025/TT-BTNMT ngày 15/1/2025 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về khai thác khoáng sản nhóm IV.

Ông Nguyễn Đức Thu - Trưởng phòng Thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản giới thiệu các quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản. Ảnh: Thục Vy.
Đồng thời, ông Nguyễn Đức Thu – Trưởng phòng Thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng giới thiệu, phổ biến các quy định của Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Địa chất và Khoáng sản và các văn bản pháp luật liên quan.
Ông Phạm Thái Hợp - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa, doanh nghiệp chuyên khai thác đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kiến nghị: bổ sung định nghĩa "sản phẩm công nghiệp khoáng sản sau chế biến" vào trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản; sửa quy định tính thuế tài nguyên theo hướng quy định tính thuế tài nguyên theo sản phẩm tài nguyên khai thác tại mỏ là phương án chính xác, đơn giản và dễ thực hiện nhất (vì các mỏ đều phải lắp trạm cân).
Ngoài ra, một số đại biểu cũng nêu ý kiến về việc quản lý hoạt động chế biến khoáng sản hiện đang bị chồng chéo trong thực thi chính sách. Do đó, cần có cơ chế liên thông để đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu quả hơn.