| Hotline: 0983.970.780

Lập tổ phản ứng nhanh ứng phó việc Hoa Kỳ áp thuế 46%

Thứ Năm 03/04/2025 , 12:58 (GMT+7)

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành sau khi Hoa Kỳ tuyên bố mức áp thuế mới đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam.

Cuộc họp với các bộ, ngành do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì được tổ chức ngay sau khi có thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về mức áp thuế mới của Hoa Kỳ đối với hàng Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về mức áp thuế mới của Hoa Kỳ đối với hàng Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi. Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi. Ảnh: VGP.

Trước đó, vào sáng 3/4, Tổng thống Trump đưa ra bảng mức thuế cho 50 đối tác thương mại. Theo ông Phạm Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Mỹ, mức thuế Việt Nam bị quy kết đang áp với hàng hóa của Mỹ là 90% do đó, mức thuế đối ứng với hàng hóa của Việt Nam là 46% (tính bằng 50% mức thuế nước ngoài áp dụng).

Tuy nhiên, một số nước mức thuế là tương tự thuế nước đó áp với hàng hóa của Mỹ (ví dụ: Brazil 10%, do nước này áp với hàng hóa của Mỹ là 10%).

Ông Phạm Quang Huy cho biết, trong buổi công bố, ông Trump đã nhắc đến báo cáo rào cản của USTR mới công bố gần đây cũng như biểu thuế đối ứng được Bộ trưởng Bộ Thương mại chuyển lên Tổng thống Trump trong buổi lễ.

Một số nước trong khu vực ASEAN, chỉ có Brunei không được đề cập trong bảng thuế đối ứng, mức thuế như sau: Thái Lan 36%; Indonesia 32%, Malaysia 24%, Singapore 10%.

Một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế đối ứng bao gồm: (1) các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); (2) các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232; (3) các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; (4) tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; (5) vàng thỏi; và (6) năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN.

Theo cách hiểu của một số chuyên gia sau khi nghiên cứu Sắc lệnh hành pháp của ông Trump, hiện chưa rõ liệu sau khi Hoa Kỳ áp dụng thuế quan chung với tất cả các quốc gia 10% vào ngày 5/4/2025 có cộng gộp với thuế đối ứng với từng đối tác (60 quốc gia) vào ngày 9/4/2025 hay không.

Sắc lệnh thể hiện quan điểm xuyên suốt của chính quyền đương nhiệm tập trung việc áp dụng các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ với mục đích giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại trong thời gian dài không còn chỉ là vấn đề kinh tế mà đã trở thành tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa đến an ninh và cuộc sống của người dân Mỹ. Các mức thuế quan này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và cách đối xử không có đi có lại cơ bản được giải quyết hoặc giảm thiểu.

Sắc lệnh cũng nêu việc Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên phòng Hoa Kỳ (CBP) sẽ đưa ra hướng dẫn về cách đánh thuế đối với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Hoa Kỳ (theo đó, căn cứ hàm lượng Hoa Kỳ trong hàng hóa nhập khẩu ít nhất là 20%).

Liên quan vấn đề này, trong phát biểu sáng 3/4, ít giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố sắc lệnh thuế đối ứng với các đối tác thương mại, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông nhấn mạnh: "Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ có biện pháp đối phó cứng rắn để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".

"Hoa Kỳ tuyên bố, rằng họ đã chịu tổn thất trong thương mại quốc tế và đã tăng thuế đối với tất cả các đối tác thương mại của mình với lý do được gọi là "có đi có lại". Thực tiễn này không tính đến sự cân bằng lợi ích đạt được qua nhiều năm đàm phán thương mại đa phương", ông Hà nói.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán và giao dịch quốc tế đã phản ứng tiêu cực với chính sách thuế mới. Hợp đồng tương lai Nasdaq mở rộng mức lỗ lên tới 4% trong phiên giao dịch đầu ngày hôm nay, trong khi hợp đồng tương lai S&P 500 giảm hơn 3%.

Cổ phiếu của Apple giảm hơn 7% sau khi thị trường đóng cửa, Nvidia giảm hơn 5% sau khi thị trường đóng cửa, và Tesla cũng giảm hơn 6% sau khi thị trường đóng cửa.

Xem thêm
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ chịu thiệt hại vì thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Donald Trump áp thuế nhập khẩu chung và thuế đối ứng với từng đối tác thương mại, trước mắt sẽ gây tổn thất cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Bình luận mới nhất