Và dù còn có tư duy về lẽ công bằng, có điều luật về hạn điền, thời hạn giao ruộng… nhưng trên thực tế, hành vi tích tụ đất đai đã và đang diễn ra. Nó rầm rộ công khai ở các sân golf, các khu công nghiệp hoặc âm thầm ở các cánh đồng chuyển đổi từ cấy lúa sang nuôi trồng thuỷ sản, làm trang trại chăn nuôi. Ở Vĩnh Phúc còn vận dụng Nghị định của Chính phủ, mục “đất khác” (không phải đất xây dựng và đất nông nghiệp) để hợp thức hoá cho các chủ trang trại chăn nuôi 50 năm sau khi họ đã “mua” hoặc đổi đất cho các chủ sử dụng khác.
Đây cũng là xu thế tất yếu khi Luật Đất đai đã cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, cần quy định thành điều luật rõ ràng để điều chỉnh hành vi tích tụ đất đai; nếu không, quá trình tích tụ diễn ra càng âm thầm, càng mua bán trao tay thì người nông dân càng thua thiệt, thị trường càng lộn xộn và địa vị pháp lý của những nhà đầu tư vào nông nghiệp nông thôn càng bấp bênh và đó cũng là lý do vì sao trong hàng mấy chục tỷ đô la đầu tư chung, lại chỉ có 1-2% đầu tư vào khu vực này.
Nhưng để luật hoá quá trình tích tụ đất đai, trước hết cần trao cho nông dân quyền thoả thuận giá quyền sử dụng đất (từ đây xin gọi tắt là giá đất). Cần hiểu giá đất nằm ở giữa khái niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân với công khai phá, thành thục hoá đất đai thuộc về nhiều đời nông dân và quyền sử dụng mà nhà nước đã trao cho nông dân. Nếu ngay từ đầu chúng ta hiểu đúng bản chất vấn đề như thế và luật hoá nó, nông dân của chúng ta đã không rơi vào địa vị “người đứng xem” quá trình CNH như thời gian vừa qua.
Nếu được quyền thoả thuận giá đất, sẽ có các thoả thuận kiểu như biến đất thành cổ phần, thành đơn giá 1 m2 + với cứ mỗi 500 m2, nhà đầu tư phải nhận một lao động và điều khoản thoả thuận này sẽ kéo dài trong suốt thời hạn đầu tư. Để đảm bảo quyền thoả thuận này của nông dân, lại phải có điều khoản ràng buộc nếu nhà đầu tư có hành vi dùng các kỹ thuật khác để sa thải con em nông dân hoặc hạch toán lỗ để biến cổ phiếu là đất đai của nông dân thành giấy lộn thì phải bị nghiêm trị. Những nhà làm luật phải tính đến khả năng ngăn chặn các hành vi ném người nghèo, người chất phác ra bên lề cuộc sống.
Đồng thời, để hành trình tích tụ đất đai được bền vững, chúng ta cũng cần dứt khoát với tư duy bình quân, cào bằng. Đó là hệ luỵ của tư duy bao cấp, lấy người nghèo làm một thứ “chuẩn” buộc mọi người khác phải xoay quanh trục chuẩn ấy. Chúng ta đã từng bỏ ra rất nhiều tiền “chuộc” lại ruộng mà người nghèo đã bán nhưng không hề tính đến tập quán “làm thuê khoẻ hơn” ở một số vùng. Chuộc lại ruộng cho người nghèo không những khiến họ tiếp tục ỷ lại mà còn đưa hành trình tích tụ đất của các nhà đầu tư dẫm chân tại chỗ, đưa số tiền mồ hôi xương máu, thậm chí còn vay ngân hàng của họ về con số không. Đó là lối tư duy phi kinh tế và trên thực tế là có hại mặc dù nó từng mang các ý nghĩa xã hội trong các thời điểm nhất định.