| Hotline: 0983.970.780

'Sống chung' với động đất ở tâm chấn Kon Plông

Chủ Nhật 24/11/2024 , 10:54 (GMT+7)

Kon Tum Tại Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó trước những diễn biến bất thường, đặc biệt là động đất.

Những ngôi nhà luôn bất ổn trong vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông. Ảnh: Đăng Lâm. 

Những ngôi nhà luôn bất ổn trong vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông. Ảnh: Đăng Lâm. 

Hơn 3 năm, trên 700 trận động đất

Thống kê từ Viện Vật lý địa cầu cho biết, từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã ghi nhận hơn 700 trận động đất lớn nhỏ. Chỉ trong ngày 22/8/2024, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đã thống kê được 9 trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Cũng theo thống kê từ Viện này, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra hơn 250 trận động đất. Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận 5.0 độ xảy ra vào trưa 28/7/2024, gây rung lắc tại nhiều tỉnh Tây Nguyên và miền Trung.

Những trận động đất này, phần nào đã gây thiệt hại đến nhà cửa, tài sản và uy hiếp tính mạng của người dân trong vùng, gây tâm lý hoang mang, không yên tâm trong sinh hoạt và lao động sản xuất đối với người dân vùng tâm chấn.

Ông A Lang, Bí thư Chi bộ thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng) cho biết, thôn có khoảng 70 hộ dân sinh sống dọc theo những sườn núi. Cuộc sống đang yên ổn thì năm 2021, những trận động đất bắt đầu xuất hiện với tần suất ngày càng dày. Đặc biệt những trận động đất từ 4.0 độ trở lên đã gây rung lắc mạnh, làm nứt và hư hỏng nhiều ngôi nhà dân và các công trình công cộng trong thôn, người dân rất hoang mang.

"Nhiều đêm đang nằm ngủ, người dân bỗng thấy nhà cửa, mặt đất rung lắc mạnh, bà con biết là đang có động đất. Theo đó có không ít nhà dân, kể cả điểm trường tiểu học bị nứt tường. Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng”, ông A Lang chia sẻ.

Không chỉ ở thôn Đăk Tăng mà nhiều thôn khác trong xã như Đăk Rinh, Đăk Nên... đều cảm nhận sự rung lắc mỗi khi có động đất xảy ra. Đặc biệt, trận động đất 5.0 độ xảy ra vào cuối tháng 7/2024 đã khiến một số công trình trường học, trạm y tế trên địa bàn xã Đăk Tăng xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên vách tường. Trận động đất này có độ mạnh đến mức còn gây ra rung chấn mạnh cho các tỉnh, thành phố ở khu vực Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung.

Gia đình bà Y Môn (63 tuổi, thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng) dọn đến sinh sống ở khu tái định cư gần 14 năm. Đến nay, ngôi nhà đã xuống cấp theo thời gian, thêm vào đó là tác động của sự rung chấn liên tục do động đất đã khiến từng mảng vữa, gạch ốp tường bị bong tróc rơi xuống nền nhà. “Từ ngày xảy ra động đất, tường nhà bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt khiến căn nhà càng trở nên ọp ẹp, không biết sẽ bị sụp đổ lúc nào. Sau mỗi trận động đất, cán bộ xã đã kịp thời đến từng nhà dân trong thôn để kiểm tra, đồng thời nhắc nhở người dân tăng cường gia cố lại nhà cửa chắc chắn hơn”, bà Y Môn nói.

Chủ động thích nghi với động đất

Nhằm giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân sau mỗi trận động đất, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó trước những diễn biến bất thường, đặc biệt là động đất, sạt lở... 

Tháng 8/2024, Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện chuyến khảo sát vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông. Đồng thời, đoàn cán bộ tập huấn cho người dân cách ứng phó với từng tình huống khi động đất xảy ra để giảm nhẹ thiệt hại.

Các buổi tập huấn kỹ năng ứng phó với động đất ở Kon Plông luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Đăng Lâm.

Các buổi tập huấn kỹ năng ứng phó với động đất ở Kon Plông luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Đăng Lâm.

Đoàn đã vào nhiều buôn làng tại các xã Đăk Tăng, Măng Bút để phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn cách ứng phó khi có động đất xảy ra. Ngoài ra, cán bộ chuyên môn còn trực tiếp trao đổi, hướng dẫn người dân về các giải pháp phòng tránh động đất, cách ứng phó với tình huống cụ thể để tránh thiệt hại đến tính mạng. Các buổi tập huấn đã thu hút hàng trăm hộ dân tham dự. Tại đây, các chuyên gia về động đất đã giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin, kỹ năng ứng phó cho người dân vùng tâm chấn. Qua đó, bà con đã hiểu biết hơn về động đất và tâm lý ổn định để sinh sống, yên tâm sản xuất.

Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy huyện Kon Plông cho biết, từ năm 2021, động đất liên tục xuất hiện trên địa bàn, huyện đã kết nối với Viện Vật lý địa cầu và cơ quan chức năng về tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống tai nạn do động đất. Về lâu dài, huyện sẽ chủ động các phương án ứng phó với động đất.

“Đối với trụ sở cơ quan nhà nước, khi xây dựng đã tính toán kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn trước cường độ động đất không quá lớn. Với nhà dân, định hướng xây dựng tuân thủ "3 cứng" là mái cứng, tường cứng và nền cứng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và các rung chấn do động đất”, ông Khánh nói.

Huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện, 3 công trình trong số đó có hồ chứa là Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nguyên nhân gây ra động đất ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) là do động đất kích thích, mà cụ thể là do hồ chứa thủy điện nằm trong vùng. Việc tích nước của các hồ chứa này khả năng là nguyên nhân gây ra các trận động đất vừa qua.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào

Sáng 9/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.