Chỉ một đoạn ven suối là thoai thoải, còn lại dốc dựng đứng đến nỗi người đi sau cảm giác như bị người đi trước dẫm cả lên đầu.
Anh Thảo vốn có nghề buôn hoa quả, trong một lần đến xã Nam Phong cũ (hiện đã nhập vào là xã mới Hợp Phong), có một người dân tộc Mường gọi vào, chỉ cho cây bưởi mọc trước chuồng trâu. Nó không cao lắm nhưng quả sai trĩu trịt, đến lúc hái xong đếm được tới hơn 500 quả. Trong đời đi buôn hoa quả anh chưa từng thấy cây bưởi nào sai quả như thế. Hơn nữa bưởi chín rất sớm, rằm Trung thu ăn đã ngon rồi nên anh bán rất được giá, mua có 4.000 đồng/quả mà mang ra chợ đường đất ở TP Hòa Bình bán được tới 15.000 đồng/quả. Riêng chuyến đi buôn ấy anh đã lãi được hơn 5 triệu đồng.
Giống bưởi đó người Mường gọi là bưởi cơm, cả vùng chỉ có đúng hai cây là của hộ mà anh Thảo mua được 500 quả và của một nhà khác nữa. Về sau, do già và không được chăm sóc đầy đủ nên cả hai cây cùng bị chết. May mắn là trước đó khi mua bưởi về nhà, bổ thử ra, hai vợ chồng anh Thảo cùng ăn thấy ngon quá nên mới bàn nhau giữ lại một số quả lấy hạt nhân giống để sau này trong xóm chỉ nhà mình có giống bưởi này, khác biệt với mọi nhà.
Dịp ấy họ trồng được 250 cây bưởi cơm. Khi cây lên, bà con nhìn thấy bảo sao để bưởi cao như thế mà không cắt để ghép cam vào, anh Thảo chỉ cười rồi trả lời quấy quá rằng cũng có cắt nhưng không biết sao giống bưởi này cứ lên cao như thế.
Thấm thoắt đã 6 - 7 năm trôi qua. Những cây bưởi cơm trên đồi không chăm bón, tưới tắm gì ngoài nắng mưa của trời và dinh dưỡng của đất năm nay một số đã trổ lứa hoa đầu tiên, bắt đầu cho quả bói, cây được 2 - 3 quả, cây được mươi quả. Vợ chồng anh Thảo hái ăn thử, thấy đã rất ngon, chẳng kém gì những quả bưởi năm nào mua của ông người Mường có gốc cây mọc bên cạnh chuồng trâu. Vỏ nó mỏng, múi trắng, tép ráo, ăn không he mà lại chua giôn giốt giống như bưởi da xanh vậy.
Vợ anh Thảo bảo: “Bưởi ngon thế này để mà ăn anh ạ”. Thảo lại bảo: “Thôi cam nhà mình sắp tới có nhiều, em cứ mang bưởi đi bán bởi cây mới bói cần bán lấy may, ra tiền để mình trông thấy sướng đã. Hơn thế còn giới thiệu quả bưởi của nhà mình để xem khách hàng nói chất lượng thế nào”.
Vợ anh Thảo nghe lời mang 10 quả bưởi ra chợ TP Hòa Bình bày bán. Có một bà tò mò hỏi: “Bưởi bây giờ mà đã ăn được hả cháu?”. Chị trả lời: “Cháu cũng chẳng biết, bà cứ ăn thử xem”. Miệng nói, tay chị cũng gọt luôn một quả. Mấy ông ở quán gần đó thấy sự lạ cũng túa ra, bàn tán: “Bưởi vẫn còn trông xanh lè thế này làm gì mà ăn được?”.
Thế nhưng khi ăn thử, mấy người đó chẳng còn chê được câu gì nữa ngoài tấm tắc khen ngon rồi mua cho bằng hết. Buổi sau, vợ Thảo mới đem một tải bưởi ra thì bà nọ liền mua hết để buôn lại theo dạng mua đầu chợ bán cuối chợ. Đến buổi sau nữa do bận chị không đi chợ được nên mời các chú bộ đội đang diễn tập, ngủ nhờ ngay tại nhà mình ăn thử vài quả gọi là cây nhà, lá vườn. Ăn xong thấy ngon quá các chú liền mua hết cả vườn để làm món tráng miệng cho đơn vị.
Trên quả đồi ấy, anh Thảo không chỉ trồng mỗi giống bưởi cơm mà còn trồng khoảng 300 gốc mít bản địa, loại ít nhựa và nhựa không dính. Chúng được lấy hạt từ một gốc mít cổ do chính bố của anh trồng. Giống mít này ra hai đợt quả, tháng 8 ăn lứa sớm, tháng 9 - 10 ăn lứa chính vụ. Mỗi quả mít nặng 5 - 7kg, múi dai, màu sắc múi đẹp, ngọt lịm, thơm lừng, có thể ăn cả xơ và điều đặc biệt là rất ít nhựa và nhựa rất loãng nên dính vào tay có thể rửa sạch ngay được.
Ai có dịp được thưởng thức múi mít ít nhựa đều ấn tượng khó quên. Cũng như bưởi cơm, mít hiện mới bói nhưng có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu với giá 10.000 đồng/kg, không khi nào vợ chồng anh Thảo phải mang đi bán lẻ cả.