Tuy nhiên, hành lang pháp lý để bảo vệ người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện việc tích tụ ruộng đất hiện nay là rất thấp. Từ thực tế doanh nghiệp chúng tôi: Năm 2004 Cty chúng tôi thuê lại 5,5 hecta đất ruộng của hơn 50 hộ dân xã Đông Sang (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) để trồng hoa và rau sạch. Tiền thuê đất được tính bằng sản lượng thóc (5 tấn/ha/đất 1vụ). Người cho thuê đất được ưu tiên nhận vào làm công nhân Cty. Điều kiện thuê là có lợi cho các hộ dân nên việc thuê đất thực hiện rất suôn sẻ.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp chúng tôi thì không hoàn toàn như vậy. Hợp đồng thuê đất ký trực tiếp với người dân được xã chứng nhận. Nhưng người dân cũng chỉ được giao quyền sử dụng đất trong thời gian 5-10 năm. Ngoài ra, người dân có thể đòi lại đất bất kỳ lúc nào. Do vậy, suốt 4 năm qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng (nhà lưới, hệ thống tưới, tiêu, đường giao thông nội khu...) bị hạn chế rất nhiều do thời hạn sử dụng không rõ ràng, doanh nghiệp không dám đầu tư mạnh tay. Một ý tưởng nữa cũng được nhiều người bàn tới là để người dân góp đất của mình vào doanh nghiệp dưới dạng cổ phần.
Tuy nhiên việc góp vốn trên căn cứ vào quy định nào của pháp luật? Cơ quan nào sẽ giải quyết các tranh chấp phát sinh. Và quan trọng hơn nữa làm sao để người dân hiểu được là khi bán cổ phần cũng chính là bán đất của mình. Rất mong trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những chính sách, quy định rõ ràng về tích tụ đất sản xuất nông nghiệp, giúp cho những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp như doanh nghiệp chúng tôi có thể mở rộng quy mô, yên tâm đầu tư, dần hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.