Chế biến sâu nâng cao giá trị
Theo anh Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Chanh Việt, tuy xuất ngoại chanh tươi thành công nhưng thực tế thị trường quốc tế mới chỉ chấp nhận sản phẩm chanh loại 1, chiếm khoảng 40% sản lượng. Hơn 60% còn lại Công ty đành chấp nhận phải tiêu thụ trong nước với giá thấp hơn.
“Người Thái phải tìm qua Việt Nam thu mua trái cây, trong đó có trái chanh với giá rẻ, sau khi sơ chế, họ xuất qua Malaysia, Singapore với giá cao hơn. Sau đó, không ít sản phẩm chanh chế biến sâu của các nước này, có nguồn gốc nguyên liệu từ Việt Nam, lại được xuất ngược về nước ta với giá rất cao. Vậy tại sao mình không đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị?”, anh Hiển nói.
Ngoài ra, nhận thấy ngoài giá trị là nước cốt chanh, những thứ còn lại đều có giá trị như vỏ chanh chưng cất thành tinh dầu để làm dược phẩm, phần ruột rút lấy nước cốt, cô đặc thành bột chanh làm nguyên liệu đầu vào sản xuất muối chanh, nước giải khát… Từ đó, anh Hiển ấp ủ hình thành ý tưởng chế biến sâu các sản phẩm chanh xuất khẩu.
“Là một doanh nghiệp, muốn phát triển bền vững thì cần phải tạo ra những sản phẩm hữu ích. Muốn vậy, chỉ có cách chế biến sâu mới mang lại giá trị cao cho trái chanh và tạo được đầu ra ổn định, giúp cho nông dân “đổi đời” từ những sản phẩm chanh không hạt do chính bàn tay mình trồng, chăm sóc”, anh Hiển chia sẻ.
Một lần nữa, anh tìm đến các nhà khoa học để hợp tác, nghiên cứu các sản phẩm từ chanh. Nước cốt chanh là sản phẩm đầu tiên Công ty thực hiện. Qua các bài kiểm tra khắt khe từ đối tác Nhật Bản, cuối cùng, sản phẩm của Công ty cũng được chấp nhận.
Chưa dừng lại ở đó, đến nay, Chanh Việt đã cho “ra lò” nhiều sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: nước chanh nha đam mật ong đóng hộp; muối tiêu chanh; muối ớt chanh; vỏ chanh sấy; lá chanh sấy; lát chanh sấy... Trong đó, tiêu biểu nhất là sản phẩm bột chanh gia vị, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Sản phẩm bột chanh hiện đang được tiêu thụ chủ yếu vào trong chuỗi các nhà hàng, đặc biệt ở những chuỗi nhà hàng lẩu Thái, mì cay, các nhà hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Hàm lượng chanh trong gói gia vị Chanh Việt chiếm tỷ lệ 5% so với các sản phẩm khác chỉ khoảng 0,5%.
Đa dạng hóa sản phẩm
Không chỉ phát triển thị trường quốc tế, Công ty Chanh Việt còn tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa. “Qua nghiên cứu tôi nhận thấy, việc dùng các sản phẩm từ chanh giúp nâng cao sức khỏe cho con người rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Do vậy, chúng tôi sản xuất ra sản phẩm nước cốt chanh kết hợp với đông trùng hạ thảo, nhân mãng cầu để phục vụ nhu cầu thị trường. Người Việt làm ra sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe, được thế giới đón nhận, vậy tại sao lại không đưa những sản phẩm này đến với người Việt ở trong nước”, anh Hiển nói.
Trong giai đoạn này, Công ty vẫn đang tích cực mở rộng liên kết với các HTX và người dân địa phương để đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, mỗi năm thu mua hàng trăm tấn chanh của các HTX và người dân trong khu vực. Mặc dù dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến một số hoạt động của Công ty, nhưng nhờ sớm bắt tay vào việc chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm nên đơn đặt hàng của Công ty vẫn có xu hướng tăng. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Đông, châu Âu và các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Mỹ…vẫn tăng đều, nhu cầu về nguyên liệu sản xuất cũng đang tăng mạnh. Do vậy, Công ty vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân địa phương giải quyết bài toán đầu ra tiêu thụ nông sản hiệu quả nhất.
Theo UBND huyện Bến Lức, thời gian qua, cây chanh phát triển, mở rộng chuỗi cung ứng cho hoạt động xuất khẩu như hiện nay, có vai trò dẫn dắt chủ động lớn của các doanh nghiệp. Họ đóng vai trò lớn trong xây dựng và hình thành chuỗi liên kết cung ứng tiêu thụ hiệu quả, bền vững. Sự liên kết này chủ yếu hình thành dựa trên người sản xuất (doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nông dân quy mô lớn), nhà khoa học, doanh nghiệp chế biến, cung ứng thực phẩm và doanh nghiệp bán lẻ. Trong đó, Công ty Chanh Việt đang là đầu tàu tại địa phương.